Theo đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi thấy trẻ có dấu hiệu bị hóc, sặc dị vật, cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần bình tĩnh và xử lý thật nhanh.
Tuyệt đối không được dùng tay để móc dị vật, hành động này có thể sẽ khiến dị vật đi vào sâu hơn, khiến trẻ trở nên nguy kịch hơn.
Nếu trẻ nói, khóc được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và gắp dị vật ra. Trong lúc đi, bố mẹ để trẻ ở tư thế ngồi hoặc bồng, không can thiệp vì lúc di chuyển, dị vật có thể làm trẻ ngưng thở đột ngột.
Nếu trẻ ngưng thở hoặc khó thở nặng, thực hiện nhanh thao tác vỗ lưng, ấn ngực để đẩy dị vật ra.
Dưới đây là hướng dẫn các bước sơ cứu đơn giản cần biết:
- Biện pháp vỗ lưng:
Người sơ cứu ngồi hoặc đứng, chân đưa ra phía trước. Đặt trẻ nằm sấp dọc theo mặt trước cẳng tay của người sơ cứu trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp rồi vỗ 5 lần (lực vừa phải) vào lưng của trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai. Nếu dị vật chưa thoát ra thì lập tức dùng biện pháp ép ngực.
- Biện pháp ép ngực:
Lật trẻ nằm ngửa dọc theo cẳng tay trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp, dùng 2 ngón trỏ và giữa của bàn tay kia ấn vào điểm giao nhau giữa xương ức và đường nối hai núm vú 5 lần (lực ấn vừa phải). Nên làm luân phiên 2 biện pháp vỗ lưng và ép ngực cho đến khi dị vật đường thở được tống ra ngoài.
- Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi: đặt nằm đầu thấp úp mặt trên cánh tay. Dùng bàn tay kia vỗ 5 cái mạnh và nhanh vào lưng giữa hai vai bé. Nếu vỗ lưng không kết quả lật ngửa trẻ lên. Đặt hai ngón tay trên nửa dưới của xương ức ấn ngực 5 lần. Có thể thực hiện từ 6-10 lần thủ thuật này.
Nếu trẻ hôn mê:
- Đặt trẻ nằm ngửa, quỳ giữa 2 chân của bệnh nhân.
- Đặt gốc bàn tay lên vùng thượng vị dưới xương ức.
- Ấn 5 cái dứt khoát nhanh mạnh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên
- Lặp lại 6-10 lần cho tới khi dị vật rơi ra ngoài
- Sau khi nạn nhân khóc được phải đưa ngay tới bệnh viện để kiểm tra.
Những việc cần tránh khi gặp nạn:
- Không can thiệp gì nếu bệnh nhân khóc được, thở được, hãy mang bệnh nhân đi viện.
- Không cố móc dị vật ra ngoài.
Cách phòng tránh tai nạn cho trẻ mà bố mẹ cần biết:
Để tránh tai nạn trẻ bị hóc dị vật gây tắc đường thở, cần để xa tầm tay chúng các vật nhỏ như kim băng, đồng xu, hạt trái cây… dễ cho vào mũi, miệng. Cho trẻ dùng thức ăn nghiền nát, không lẫn xương, lẫn hạt và ăn từng ít một; tạo thói quen nhai chậm, nhai kỹ cho trẻ.
Khi cho con nhỏ ăn cơm, ăn bột, không để đầu bé ngả về phía sau. Tránh cho trẻ vừa ăn vừa chơi đùa khiến thức ăn lọt vào đường thở gây hóc nghẹn. Đối với trẻ lớn hơn 6 tuổi cần căn dặn trẻ không được vừa ăn uống vừa cười đùa, chạy nhảy.
Và đặc biệt - hãy xử lý sự việc bằng kiến thức khoa học trong trạng thái bình tĩnh nhất mà bạn có thể.