Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Quy trình tiêm chủng và những điều cần chuẩn bị khi đi tiêm phòng vaccine Covid-19

Để giúp người dân hiểu hơn về việc tiêm vaccine phòng chống Covid-19, đội ngũ bác sĩ đã có cuộc toạ đàm với báo chí để trả lời những vướng mắc của người dân trước các vấn đề trên.

Ngày 21/6, các Bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực tiêm chủng, phòng chống Covid-19 đã có cuộc toạ đàm với báo chí để giải đáp những khúc mắc của người dân liên quan đến các vấn đề tiêm chủng vaccine Covid-19.

Quy trình tiêm chủng và những điều cần chuẩn bị khi đi tiêm phòng vaccine Covid-19 Ảnh 1
Ảnh minh hoạ.

Theo PGS.TS. Dương Thị Hồng - trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, quy trình tiêm chủng gồm 4 bước:

Bước 1: Đón tiếp, hướng dẫn khai báo y tế.

Bước 2: Khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng.

Bước 3: Tiêm vaccine.

Bước 4: Theo dõi sau tiêm chủng.

PGS.TS. Hồng kiến nghị, những người được ưu tiên tiêm chủng cần chuẩn bị các thông tin về tiền sử sức khỏe, các thuốc đang sử dụng (nếu có) để thông tin cụ thể đến đội ngũ y tế, phối hợp chặt chẽ với cán bộ y tế tại điểm tiêm chủng để nhanh chóng hoàn thành các bước trong qui trình tiêm chủng.

Quy trình tiêm chủng và những điều cần chuẩn bị khi đi tiêm phòng vaccine Covid-19 Ảnh 2
Những người được ưu tiên tiêm chủng cần chuẩn bị các thông tin về tiền sử sức khỏe, các thuốc đang sử dụng (nếu có) để thông tin cụ thể đến đội ngũ y tế.

“Để đảm bảo giãn cách tại điểm tiêm chủng, các cơ sở tổ chức tiêm chủng đã có kế hoạch tổ chức điểm tiêm chủng không quá 100 người/buổi tiêm chủng”, PGS.TS. Hồng thông tin.

Đối với tất cả các trường hợp thuộc diện có tiền sử bị dị ứng (thuốc, thức ăn, nước uống…), PGS.TS. Dương Thị Hồng cho biết, cần cẩn trọng khi tiêm chủng vaccine Covid-19.

“Các trường hợp này cần phải được khám sàng lọc và tiêm chủng tại các cơ sở có đủ điều kiện trang thiết bị y tế để xử trí trong trường hợp xảy ra phản ứng sau tiêm. Nhân viên y tế khi khám sàng lọc tùy theo điều kiện sức khỏe của bệnh nhân sẽ đưa ra chỉ định tiêm hoặc tạm hoãn vaccine này. Trong giai đoạn có biểu hiện di ứng cần tạm hoãn tiêm chủng”, TS. Hồng chia sẻ.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, hiện nay nhà sản xuất vaccine Astra Zeneca vẫn đang khuyến cáo sử dụng tiêm liều 2 cùng loại với vắc xin đã tiêm ở liều 1.

Quy trình tiêm chủng và những điều cần chuẩn bị khi đi tiêm phòng vaccine Covid-19 Ảnh 3
Đối với tất cả các trường hợp thuộc diện có tiền sử bị dị ứng cần cẩn trọng khi tiêm chủng vaccine COVID-19.

Tuy nhiên, hãng này cũng cho biết việc tiêm vaccine chứa thành phần mNRA cũng có cơ chế sinh miễn dịch tương tự nên có thể tiêm 2 loại vaccine cho một người. Vấn đề này hiện đang được các tổ chức tiếp tục nghiên cứu.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cập nhật khi có thông tin mới theo hướng dẫn của nhà sản xuất vaccine và Tổ chức Y tế thế giới.

“Theo định hướng của Bộ Y tế, việc tiêm chủng vaccine Covid-19 phải thực hiện theo nguyên tắc tiêm đến đâu đảm bảo an toàn đến đó. Từ khâu khám sàng lọc, chỉ định, tiêm vaccine, theo dõi tình trạng sức khỏe sau tiêm được tất cả các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc.

Các trường hợp phản ứng sau tiêm trong thời gian qua được xử trí nhanh chóng, kịp thời và hầu hết hồi phục không để lại di chứng. Đến nay đã có gần 2,5 triệu người tiêm vaccine AstraZeneca an toàn trên cả nước. Trong thời gian tới đây vaccine này vẫn tiếp tục được triển khai trên toàn quốc”, PGS.TS. Hồng cho biết thêm.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Long Quyền

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc