Tối 29/4 tại Hà Nội, nhiều nhà sưu tầm tranh đã đến tham dự buổi đấu giá 39 tác phẩm hội họa của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam như Nguyễn Huyến, Trọng Kiệm, Trọng Hợp, Dương Hướng Minh, Trịnh Hữu Ngọc, Sĩ Tốt, Thái Bá Vân, Phạm Lực, Năng Hiển, Nguyễn Dung, Trần Hữu Chất, Nguyễn Văn Thiện, Lê Thy…
Trong đó, bức tranh sơn mài Thác Bờ của cố họa sĩ Nguyễn Huyến là tác phẩm được quan tâm hơn cả. Thác Bờ được xem là tác phẩm hội họa hội tụ nhiều giá trị nghệ thuật như: giá trị biểu tượng, thẩm mỹ, lịch sử dân tộc… Bên cạnh đó, bức tranh còn khiến người xem sửng sốt với hiệu ứng “điện tranh” hiếm có. Chính vì sự “độc nhất vô nhị” này mà Thác Bờ được ra mức giá khởi điểm là 120.000 USD (khoảng 2,6 tỷ đồng) trong buổi đấu giá vào tối 29/4.
Ngay khi vừa xuất hiện tại sự kiện, tác phẩm của cố họa sĩ Nguyễn Huyến đã thu hút nhiều sự quan tâm từ các nhà sưu tầm. Dù bức tranh được khởi điểm đấu giá với số tiền khá lớn nhưng đã có hơn 5 nhà sưu tầm tham gia đấu với mong muốn sở hữu kiệt tác này. Kết quả, bức tranh Thác Bờ đã được bán với giá 280.000 USD (khoảng hơn 6 tỷ đồng). Đây được xem là mức giá kỷ lục cho một tác phẩm hội họa đấu giá trong nước.
Bức họa gây hiệu ứng “điện tranh” có kích thước 138 x 78cm, được họa sĩ Nguyễn Huyến hoàn thiện vào năm 1962, sau khi thực hiện phác thảo hơn 300 bức vẽ và là 1 trong 3 tác phẩm cuối cùng của cố họa sĩ được triển lãm trước khi ông mất. Thác Bờ ra đời khi Nguyễn Huyến tròn 42 tuổi và đạt tới trình độ cao về tay nghề lẫn tư duy hội họa. Vì vậy, tác phẩm này hội đủ nhiều yếu tố và có giá trị nghệ thuật, chất lượng chuyên môn cao.
Chỉ sử dụng tông màu khói lạnh hiếm dùng, khác hẳn với bảng màu vương giả trong nghệ thuật sơn mài Việt, bức tranh này đã tạo được cảm giác và cảm xúc sâu hơn cho người xem khi thưởng lãm.
Nội dung tuy khắc họa phong cảnh thiên nhiên nhưng tác phẩm đã chạm vào tiềm thức của người Việt khi chuyển tải nhiều biểu tượng văn hóa đặc sắc như: sông vàng, thuyền đuôi én, đầu rồng, tre Việt, làng Việt, tượng đá hai Thần Hộ Vệ cưỡi ngựa, hang tổ và đá mẹ thiên nhiên. Bố cục, tác phẩm khắc họa theo khổ tranh panorama góc ngang rộng. Phần đối tượng được vẽ ít hơn phần nền nên không gian thoáng đạt. Nhiều chi tiết, nét vẽ trong Thác Bờ được tác giả cách điệu tinh tế sinh động, lấy cảm hứng từ thời văn hóa Phùng Nguyên.
Nguyễn Huyến là một trong những hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam và có không ít cống hiến cho nền mỹ thuật nước nhà. Chính phủ Việt Nam từng chọn tranh của Nguyễn Huyến tặng cho Hoàng thân Sihanouk. Trong sự nghiệp của mình, ông đã tạo nên nhiều tác phẩm hội họa nổi tiếng, tuy nhiên có thể nói bức tranh sơn mài Thác Bờ là một trong những sáng tác quan trọng nhất của ông.
Một trong bộ bốn bức Thác Bờ từng được bảo tàng Thụy Điển mua.