Chiều 3/6, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin về các hiện tượng tiêu cực hay hành vi cấp khống, bán giấy khám sức khỏe.
Trả lời báo chí, Trung tướng Tô Ân Xô, cho biết sự việc này đã xảy ra từ rất lâu và xảy ra ở nhiều địa phương. Lực lượng công an và các đơn vị chức năng khác cũng đã tiến hành nhưng chưa ngăn chặn được triệt để.
Nhu cầu của người dân về Giấy khám sức khỏe, Giấy chứng nhận sức khỏe nói chung rất cao như đi học lái xe, đi lao động, xin việc, hay liên quan đến bảo hiểm. Từ đó xảy ra các tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, có những bệnh nhân nam mà lại được chứng nhận các bệnh liên quan đến nữ, cung cấp giấy khống. Hay có những người cụt cả hai tay nhưng vẫn được cấp Bằng lái xe vì có Giấy chứng nhận đảm bảo sức khỏe.
Cũng theo Trung tướng Tô Ân Xô, ngày 2/6, Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đang tạm giữ 18 người để điều tra về hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức, xảy ra tại 6 phòng khám trên địa bàn.
Trong số này, 3 bác sĩ là trưởng các Phòng khám đa khoa Long Bình Tân, Tân Long, Hiền Phước, 2 bác sĩ là Phó phòng khám đa khoa Tam Đức và bác sĩ chuyên khoa tại Phòng khám đa khoa Mỹ Đức; 13 người còn lại là dược sĩ, nhân viên y tế và cò môi giới.
Bước đầu qua khám xét, lực lượng công an đã thu giữ trên 135.000 Giấy chứng nhận nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội và 400 tờ Giấy khám sức khỏe đã ghi khống kết quả và chưa có thông tin người khám bệnh.
Kết quả bước đầu xác định là có hai đối tượng chủ mưu, cầm đầu cùng đồng bọn cấu kết, móc nối với các đối tượng tại các phòng khám bệnh trên địa bàn thành phố Biên Hòa để thực hiện các hành vi viết tên, giả chữ ký người khám bệnh để lập các hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội.
Mặc dù, người lao động không có bệnh và không đi khám bệnh. Hành vi này đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng, thất thu ngân sách nhà nước.
Mời đọc giả xem thêm: Cuộc sống hậu nghỉ chơi của bộ ba: Khoa Pug, Vương Phạm, Johnny Đặng