Mấy ngày qua, rất nhiều người dân thủ đô Hà Nội vừa được chứng kiến sự biến đổi màu sắc liên tục của các bức tượng trong Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Chỉ mấy ngày trước, những bức tượng có tuổi đời hơn 60 năm vốn màu trắng đã được một đơn vị của Công viên tô màu sặc sỡ. Những bức tượng trắng giờ có tóc đen, da trắng, áo quần xanh, đỏ, tím, vàng…
Công viên Thống Nhất được khởi công xây dựng từ năm 1958. Công viên này được xem như một biểu tượng sinh động của khát vọng hòa bình. Đây cũng là nơi gắn liền với thời thanh xuân hăng hái lên đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhiều thế hệ người Hà Nội.
Trong công viên rộng 50ha này, ngoài hồ Bảy Mẫu, hai cầu mang tên Thống Nhất – Hoà Bình còn có hệ thống tượng bày trí độc đáo. Những pho tượng này nằm rải rác khắp khuôn viên và gắn liền với lịch sử hình thành của Công viên Thống Nhất. Trải qua thời gian, không ít tượng đã xuống cấp, bong tróc và rêu mốc.
Chính vì lẽ đó, mới đây, Bam giám đốc Công viên Thống Nhất đã cho quét sơn lại để bảo quản và cũng là để thay đổi diện mạo của công viên sau thời gian đóng cửa do dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc những bức tượng bất ngờ được phủ lên những lớp sơn loè loẹt khiến không chỉ người dân mà cả giới hội hoạ cũng ngỡ ngàng. Những người làm về mỹ thuật thì đó là một “cú sốc thị giác”.
Nhà điêu khắc Phạm Sinh cho rằng, đối với công chúng không biết về mỹ thuật thì họ sẽ không bàn nhiều nhưng với những người có chuyên môn thì rõ ràng việc sơn lại tượng đã không đạt yêu cầu. Thậm chí, nó đi ngược lại với tính thẩm mỹ của tượng.
“Có thể nói rằng công viên muốn làm cho công viên đẹp lên. Tuy nhiên, hiệu quả thẩm mỹ không có nên làm sai cách. Tượng ngoài trời trước đây tượng sáng tác không có rõ nét các chi tiết nên sơn lại sẽ không thuận, không đạt tiêu chí thẩm mỹ cũng như ý đồ tác giả”, nhà điêu khắc Phạm Sinh nhấn mạnh.
Theo nhà điêu khắc Phạm Sinh, một trong những nguyên tắc của việc trùng tu tượng là làm mới lại bề mặt, căng lại khối và những phần sứt sẹo trên mình tượng. Sau đó, tiến hành xử lý chất liệu trên bề mặt đúng như tinh thần ban đầu của tượng chứ không phải quét sơn lên như tượng ma-nơ-canh trong cửa hàng quần áo.
Sau khi nhận được phản ứng dữ dội từ dư luận, ngày 27/5, một số bức tượng trong công viên đã được sơn trắng trở lại như ban đầu. Theo một nhân viên Công ty Công viên Thống Nhất cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, ngay ngày 26/7, một số bức tượng đã được sơn lại màu trắng ban đầu để trông phù hợp hơn.
Là người sinh ra lớn lên từ nhỏ tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nghĩa (78 tuổi, ở phố Khâm Thiên) ngày nào cũng tới Công viên Thống Nhất tập thể dục. Khi thấy những bước tượng trước đây được sơn màu sặc sỡ bà Nghĩa cùng nhiều người đều cho rằng không hợp lý.
“Bao năm nay, những bức tượng tại đây vẫn nguyên một màu trắng. Sơn lại tượng là tốt nhưng màu sắc chưa vừa mắt. Màu xanh đỏ như vậy rất loè loẹt, không hợp lý. Nếu sơn để như cũ sẽ đẹp hơn”, bà Nghĩa chia sẻ.
Đồng tình với bà Nghĩa, vợ chồng ông Phạm Quang Hưng (67 tuổi) hằng ngày tập thể dục ở Công viên Thống Nhất chia sẻ: “Trông để màu trắng như cũ đẹp hơn. Hôm trước vợ chồng tôi đi qua nhìn họ sơn màu sắc trông không hợp lý chút nào. Việc sơn lại phía công viên cũng đã chịu lắng nghe rồi”, ông Hưng chia sẻ.
Liên quan đến sự việc này, ông Hoàng Kim Hồng, Tổng giám đốc Công ty Công viên Thống Nhất cho biết, sau khi sự việc xảy ra, đơn vị đã tiếp nhận và lắng nghe mọi ý kiến phản hồi.
“Chiều ngày 26/5, cá nhân tôi cũng đã gọi điện tham vấn ý kiến một số chuyên gia. Đa phần các chuyên gia đều đề nghị nên sơn lại màu trắng. Hiện chúng tôi đã cho anh em sơn lại màu trắng. Từ chiều 26/5 đã sơn được 4 – 5 tượng rồi, hôm nay tiếp tục cho sơn tiếp. Dự kiến đến cuối tuần này sẽ sơn xong 17 tượng. Với một số tượng bị bong tróc hoặc sứt mẻ nặng nền chúng tôi có chỉnh sửa lại một chút trước khi sơn”, ông Hồng thông tin.