Ở Kim Bôi (Hoà Bình) có một khu mộ cổ vô cùng bí ẩn mang tên Đống Thếch, gồm hàng trăm mộ đá nằm im lìm và lạnh lẽo giữa vùng núi rừng của xã Vĩnh Đồng.
Được biết, khu mộ này của dòng họ Đinh – một dòng họ quan Lang có thế lực của người Mường Động xưa. Nơi này nằm ở đầu thung lũng Mường Động – thung lũng nhỏ bằng phẳng, nhấp nhô hàng trăm bia mộ được làm bằng đá tảng chĩa thẳng lên trời, vây quanh là những quả đồi thấp.
Sở dĩ có tên gọi Đồng Thếch bởi theo tiếng Mường, “Đống” có nghĩa là mồ mả chôn cất người chết, còn “Thếch” là địa danh của vùng đất. Người dân trong xã Vĩnh Đồng không biết quá nhiều về gốc tích hay giai thoại của khu mộ đá cổ này. Tất cả chỉ biết rằng vùng đất trước kia rất rộng, gồm hàng trăm ngôi mộ và hàng ngàn phiến đá chôn xung quanh.
Theo khảo sát, các ngôi mộ trong khu Đống Thếch đều chôn ba khối đá cao phía đầu mộ thành một hàng, khối đá to nhất chôn ở giữa, chân mộ chôn ba khối nhỏ hơn. Phiến đá to nhất có chiều rộng hơn 1m, cao khoảng 4m, có phiến nặng hàng tấn.
Người dân trong vùng cho biết, các mộ đá ở đây có kích cỡ quá lớn so với mộ bình thường, vì thế dân làng đều tin rằng đó là mộ chôn người khổng lồ. Thậm chí có lời đồn rằng trong khu mộ chôn cả người sống…
Với diện tích lên đến 3ha, khu mộ được chia ra chia làm hai khu: mộ nổi và mộ chìm. Mộ nổi với những bia, cột đá cao tới vài mét tách biệt hẳn tại khu trên là nơi chôn những người có vai vế trong họ Lang.
Mộ chìm ở khu dưới chỉ được quây bằng những phiến đá bé. Chính nó đã trở thành dấu ấn biểu hiện uy quyền bất khả xâm phạm, cảnh báo bất cứ sự xâm nhập nào của người dân. Sau năm 1945, khi quân đội giải phóng vào khai phá khu vực Mường Động, những bí ẩn xung quanh khu mộ đá mới dần dần được hé lộ.
Năm 1984, các nhà khảo cổ học ở nước ta đã tiến hành khai quật và làm sáng tỏ những bí ẩn của khu mộ cổ Đống Thếch. Nhiều hiện vật được phát lộ đã cho thấy sự phát triển khá hưng thịnh của chế độ Lang đạo thời kỳ phong kiến. Họ đã phát hiện những chiếc trống đồng sông Đà, khẳng định sự phát triển rực rỡ của nên văn hóa Hòa Bình qua các thời kỳ lịch sử.
Những lần khai quật đã giải đáp lời đồn về việc chôn người khổng lồ trong khu mộ, đặc biệt không hề có lượng lớn di cốt như lời đồn đại. Nhưng từ đó nạn đào trộm mộ đã rộ lên, có hàng trăm người dùng máy dò kim loạt lật tung cả khu mộ, nhiều vật quý bị mang đi.
Hiện tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đã sưu tầm, lưu giữ và bảo quản 207 hiện vật bằng gốm sứ như bát, đĩa, lọ, chậu; 260 hiện vật đồ đồng gồm tiền, gương, vòng; 11 hiện vật bạc gồm trâm cài tóc... tại khu mộ cổ.