Từ khi chỉ là thợ điêu khắc học nghề ở Đồng Nai hơn 20 năm trước, anh Võ Văn Tâm (ấp Hiệp Sơn, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) đã có ước mơ được làm một tác phẩm thật lớn để lưu lại tên tuổi.
Cách đây 5 năm, cuối cùng anh Tâm cũng đã thực hiện được ước mơ của mình khi vô tình "vấp phải" 2 gốc me tây khổng lồ.
Anh kể, 5 năm trước, anh được người ta chào mua 2 gốc me tây khổng lồ có dáng rồng cuộn, anh bỗng có "linh cảm" về việc biến nó thành tác phẩm lớn. Nghĩ đến đó, anh liền thu thập và dành 3 năm sau đó để săn lùng khắp nơi, mua được 7 gốc me tây nữa rồi bắt tay vào việc khắc bức "Đông Hải long châu".
Vì không có phác thảo ý tưởng trên bản vẽ, tất cả hình dung trong đầu, anh Tâm mất nhiều ngày mới có thể định hình được cách ghép 9 gốc me tây vào với nhau. "Mỗi gốc cây hồi chưa đục đẽo nặng dữ lắm, có gốc nặng cả tấn, đâu thể dùng tay mà bê vác được.
Tôi phải thuê xe cẩu, thử xoay chuyển từng gốc, tìm phương án ghép lại, rồi suy nghĩ các thế lý tưởng có thể tạo hình. Không ưng lại cẩu xuống, mấy hôm sau xếp lại. Cũng mất nhiều thời gian mới nảy ra trong đầu thế 9 con rồng cuộn vào nhau, cùng ôm trân châu như hiện tại", anh Tâm nói.
Được biết, tác phẩm hoàn thiện với tổng thể cả khối dài 12m, chiều cao 3,5m, chiều sâu 2,8m. Điều khiến anh Tâm tự hào nhất đó là những họa tiết trên gốc mẹ được anh điêu khắc hết sức tỉ mỉ, công phu. Riêng thời gian chạm khắc đã mất gần 2 năm.
Khi tác phẩm Đông Hải Long Châu của anh Tâm hoàn thiện vào dịp Tết nguyên đán 2024, tổ chức Kỷ lục người Việt toàn cầu đã đến xác nhận, trao chứng nhận bức điêu khắc rồng làm từ gỗ me tây lớn nhất Việt Nam.
Tác phẩm mang hình dán 9 con g cuộn lẫn nhau, bảo vệ ngọc quý. Mỗi con mỗi dáng nhưng đều có đầy đủ đầu, chân, đùi, thân hình, đuôi. Ngoài ra, dưới chân bức tượng còn có 9 con cá chép đang quẫy nước.
Tác phẩm thanh thoát toát lên sự mềm mại của địa hình sông nước và cả tính cách phóng khoáng, quần tụ, yêu thương nhau của người miền Tây.
Anh Tâm cho biết, anh tạo ra tác phẩm này ẩn dụ cho vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, trân châu là linh khí miền Tây, 9 con cá chép tượng trưng cho vượng khí, cho thế hệ tương lai chờ đến lúc hóa rồng.
Me tây vốn là loại cây lâu năm, chất gỗ tốt, ổn định, có độ bền tốt, không bị tác động ăn mòn của mối mọt. Tuy nhiên, anh Tâm muốn bảo quản thật tốt để tác phẩm có thể lưu giữ lâu dài. Anh trưng bày tác phẩm tại xưởng làm việc, làm máy che, quây khung kính để tránh bụi và tác động xấu từ thời tiết.
Anh Tâm định giá tác phẩm 24 tỷ đồng. Với anh đây không phải con số bâng quơ mà như một dấu mốc kỷ niệm 24 năm anh ra nghề, cũng là năm hoàn thiện ước mơ cuộc đời anh (2024). Thời điểm trước, đã có người đến tham quan và trả hơn 10 tỷ đồng, nhưng anh Tâm không chịu bán.
Anh cho biết, ngoài chất xám và tâm huyết, anh cũng đầu tư khá nhiều tài chính để làm tác phẩm này. Tiền mua gỗ, vật tư, công vận chuyển thời điểm tạo hình cũng rất lớn. Trong 18 tháng liên tục, anh cũng thuê thêm 6 người thợ nữa từ Huế vào, cùng mình tạo tác. Tiền công cho thợ chính 1 triệu/ngày, thợ phụ 800 - 900 nghìn/ngày, thợ gọt 500 - 600 nghìn/ngày, chưa kể tiền ăn uống, sinh hoạt phí cho thợ.
Đặc biệt, thứ khó định giá nhất là tài năng cũng như giấc mơ ấp ủ suốt 20 năm làm nghệ của anh Tâm.