Theo ghi nhận của PV, chiều 24/2 (tức ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn) dòng người đổ về Phủ Tây Hồ càng lúc càng đông nghịt. Bất chấp thời tiết mưa lạnh, dòng người tấp nập, chen nhau vào đền để dâng hương cầu bình an, may mắn nhân ngày Rằm đầu tiên của năm Giáp Thìn.
Chị Dương Thị Huế (Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho biết: "Đây là năm thứ 2 tôi đến phủ Tây Hồ để cầu may mắn và bình an cho gia đình". Dù từ nhà đến đây cũng khá xa, năm nay thời tiết cũng lạnh và mưa nhưng chị Huế vui vẻ cho hay điều đó cũng không ảnh hưởng việc chị đến Phủ Tây Hồ để dâng lễ, cầu nguyện.
Đang sắp đồ lễ trong phủ, chị Phạm Thị Thơm (Lạc Long Quân, Tây Hồ), cho biết: "Với tôi Rằm tháng Giêng là ngày lễ rất quan trọng, vì vậy mỗi năm tôi đều chọn đi phủ Tây Hồ để cầu nguyện, hành lễ. Tới đây tôi thấy thoải mái và thanh tịnh". Chị Thơm nói, để tránh đông đúc nên đã chuyển sang đi lễ buổi chiều nhưng không ngờ dòng người đổ về càng lúc càng nhiều hơn.
Phủ Tây Hồ được coi là một trong những địa điểm tâm linh được nhiều người tìm về nhất tại Hà Nội. Chính vì vậy, vào dịp đầu năm, ngày rằm... người dân Hà Nội lại tới đây để làm lễ. Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng, ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới âm lịch, tục xưa còn gọi là Tết Nguyên tiêu, đây là ngày rất quan trọng đối với nhiều người.
Ngày Rằm tháng Giêng năm nào phủ Tây Hồ cũng đông nghịt người nên lực lượng chức năng được bố trí sẵn nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho người dân đến cúng lễ.
Năm nào cũng vậy, cứ đúng dịp ngày Rằm tháng Giêng là bà Mai (68 tuổi, quê Nam Định) lại dựng 1 sạp hàng con con bên phủ Tây Hồ bán bánh đúc. "Người dân đi lễ năm nay đông hơn mọi năm. Tuy vậy, công tác an ninh rất được đảm bảo tốt nên tránh được tình trạng chen lấn, ùn tắc", bà Mai cho hay.
Trưởng tiểu ban quản lý di tích phủ Tây Hồ cho biết trên Tuổi Trẻ Online, để đảm bảo an toàn cho người dân đi lễ phủ, đơn vị đã phối hợp với Công an quận Tây Hồ bố trí lực lượng túc trực tại các điểm ra vào, thờ tự để sẵn sàng xử lý khi có các sự cố không mong muốn.
Đồng thời, phủ cũng cấm người dân đốt hương bên trong nơi thờ tự để hạn chế nguy cơ cháy nổ. Ngoài ra, theo ông, phủ Tây Hồ cũng cấm việc mang mã, hình nhân thế mạng vào phủ đốt, thay vào đó chỉ cho phép đốt tiền vàng.
Theo ghi nhận, năm nay phủ Tây Hồ áp dụng việc thu tiền vé gửi xe không dừng với xe ô tô, không dùng tiền mặt đối với xe máy, nên đã giải quyết được dứt điểm tình trạng "chặt chém" vé gửi xe khi người dân tới lễ.