Báo Argumenty i Fakty của Nga hôm 30/4 vừa qua đã đăng tải một bài viết lý giải tại sao Việt Nam có thể bóp nghẹt một đại dịch ngay từ khi nó mới đâm chồi. Ngay từ phần mở đầu, tác giả bài viết đã đặt câu hỏi: “Liệu Nga có thể áp dụng kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam hay không? Trước đây, Việt Nam đã học tập rất nhiều từ chúng ta. Và bây giờ, đã đến lúc chúng ta cần phải học tập lại Việt Nam“.
Tác giả bài viết cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam không phải là một quốc gia nhỏ như Singapore, với 331.700 km2 lãnh thổ và 96 triệu dân, tức mật độ dân số khá dày đặc, nhưng Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Cụ thể, tới cuối tháng 3, Việt Nam chỉ có 270 ca nhiễm COVID-19 và hoàn toàn không có ca tử vong.
Làm thế nào điều này có thể xảy ra trong khi tại nhiều quốc gia phát triển hơn ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á đã ghi nhận hàng triệu ca nhiễm COVID-19 và hàng trăm ngàn bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này? Có lẽ nhiều người cho rằng Việt Nam đang che giấu thông tin dịch bệnh và ghi sai lệch thông tin nhưng tất cả đều là sự thật thuần túy.
Báo Argumenty i Fakty sau đó đã liệt kê 3 yếu tố làm nên thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 bao gồm:
Thứ nhất, chính phủ Việt Nam đã có hành động nhanh chóng. Ngay từ khi có ca nhiễm bệnh đầu tiên vào cuối tháng 1, là một người đàn ông Trung Quốc lớn tuổi từ thành phố Vũ Hán tới Hà Nội thăm con trai, chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng cách ly những bệnh nhân đầu tiên. Đồng thời, Việt Nam còn nhanh chóng thành lập một ủy ban về phòng chống dịch và kiểm soát dịch bệnh. Trong thời gian ngắn, các thiết bị y tế mới nhất đã được cung cấp cho bệnh viện, bao gồm cả máy thở, các bác sĩ giỏi nhất được huy động, tăng số giường bệnh lên.
Du khách nước ngoài và công dân Việt Nam về nước đều được cách ly. Một khi ca nhiễm mới được phát hiện, chính quyền địa phương sẽ nhanh chóng tìm kiếm những người tiếp xúc gần để kiểm soát các ca nghi nhiễm.
Kit xét nghiệm COVID-19 được chính phủ Việt Nam mua từ Hàn Quốc mà không màng giá cả. Người dân Việt Nam không được đi ra đường mà không có khẩu trang. Tuy nhiên, khẩu trang sớm được bán ở các hiệu thuốc với giá thấp, không giống như Nga, Mỹ và châu Âu, và tới tháng 4, các tình nguyện viên còn phát chúng miễn phí ở trên đường phố.
Thứ hai, Việt Nam có các biện pháp mạnh tay, khoanh vùng dập dịch quyết liệt. Ngay từ khi Trung Quốc công bố ca nhiễm COVID-19 đầu tiên vào ngày 31/12/2019, chính phủ Việt Nam cùng ngày hôm đó cũng tuyên bố các dịch vụ công cộng, quân đội và cảnh sát nên sẵn sàng cho một dịch bệnh quy mô lớn, và kế hoạch đã được lên từ lúc đó. Tại châu Âu và Mỹ, chính quyền chỉ nhận ra mức độ nghiêm trọng của địa dịch khi nó đã gần lên tới đỉnh dịch, nhưng Việt Nam đã hành động từ trước.
Với các biện pháp chớp nhoáng, tốc độ lây lan dịch bệnh ở Việt Nam đã chậm lại, bệnh nhân đã lên đến hàng chục chứ không phải hàng trăm như Trung Quốc. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Việt Nam không coi đây là thành công và tiếp tục cuộc chiến diệt COVID-19.
Việt Nam đã tạm đình chỉ các chuyến bay quốc tế từ các quốc gia nguy hiểm, hạn chế việc di chuyển trong nước bằng cách hủy các chuyến xe khách liên tỉnh trong thời gian cao điểm dịch bệnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Các quán cà phê, khu nghỉ mát ở bờ biển đều đóng cửa, rạp chiếu phim, khu mua sắm cũng đóng cửa.
Cùng lúc đó, Việt Nam đã bắt giữ và xử phạt các trường hợp cố ý tung tin sai lệch về dịch COVID-19 trên internet. Những người quảng cáo là bán thuốc chưa COVID-19 cũng bị bắt giữ.
Thứ ba, tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam đã giúp kiểm soát tốt dịch bệnh. Hàn Quốc là một đất nước giàu có, họ có thể trả tiền cho người dân ở nhà, khởi chạy các chương trình theo dõi bệnh nhân bằng ứng dụng điện thoại thông minh. Tuy nhiên, Việt Nam nghèo hơn và ít được trang bị kỹ thuật nhưng họ vẫn có thể giới thiệu bản đồ lưu ý dịch COVID-19 trên Google map.
Một điểm cộng rất lớn trong cuộc chiến diệt COVID-19 tại Việt Nam đó chính là tinh thần dân tộc tại nước này. Mọi người đều tin tưởng vào chính phủ, không tỏ ra bất bình trước các chính sách.