Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Bánh chưng lá chít - hương vị Tết truyền thống của nhiều làng quê Bắc Bộ

Từ ngàn đời nay, mỗi dịp Tết đến xuân về, người người nhà nhà lại tất bật chuẩn bị nồi bánh chưng để đón Tết. Bởi trong tâm thức của mỗi người thì bánh chưng không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa, ẩm thực mà còn mang ý nghĩa sum vầy, đoàn viên của người Việt.

Tết là thời điểm những người con xa quê tìm về sum vầy, quây quần bên gia đình, cùng chia sẻ với nhau câu chuyện của năm cũ và những dự định trong năm mới. Tết cũng là lúc cùng mẹ rảo bước ra chợ mua cho kỳ được vài ba thứ quả đặt lên bàn thờ gia tiên hay bó lá dong, lá chít để gói bánh chưng… Tết năm nào cũng vậy - cũng những món đồ mang hương vị truyền thống nhưng lại khiến lòng người xốn xang đến lạ.

Người xưa có câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, nhà thơ Thụy Anh cũng từng ví von: “Tết đến gần tôi gọi bánh chưng ơi/Để gọi lại những xuân xa thuở trước/Nơi cuối năm khắp chiều dài đất nước/Ngõ phố nào cũng thấy lá dong xanh...”. Chỉ với những món đồ giản dị cũng đủ để làm nên hương vị Tết thật đặc trưng của người Việt. Và lẽ dĩ nhiên, bánh chưng lá chít là một trong những thức quà không thể thiếu.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, người người nhà nhà lại chuẩn bị gói bánh chưng để đón Tết. Mọi người vẫn tin rằng bánh chưng có từ thời vua Hùng thứ 6, cho đến ngày nay món ăn này trở thành biểu tượng của Tết Nguyên đán. Bánh chưng không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa, ẩm thực độc đáo của người Việt mà còn mang ý nghĩa đoàn viên, sum vầy.

Ở nhiều làng quê Bắc Bộ, bánh chưng được gói bằng lá chít. Bánh có hình dạng dài như bánh Tét miền Nam.

Lá chít được cắt bỏ cuống và ngọn, mang về rửa sạch, xếp cẩn thận vào nồi và luộc đến khi nước sôi, sau đó để ráo nước, rồi bắt đầu tiến hành gói bánh.

Đỗ và gạo được chuẩn bị rất kỹ lưỡng.

Nguyên liệu làm bánh được làm từ những thứ rất đơn giản và dễ chuẩn bị, đó đều là những sản vật của quê hương như lúa nếp, lá chít, đỗ xanh, lạt giang, thịt ba chỉ… Chị Hồng (một người làm bánh chưng lâu năm ở Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Gạo nếp phải được chọn lọc kỹ lưỡng, đó là những hạt nếp to tròn, đều nhau, được đãi và ngâm trong nước lạnh khoảng 8-10 tiếng rồi để khô trong giá. Đỗ xanh đãi sạch vỏ. Thịt ba chỉ thái miếng, ướp muối tiêu cho vừa vặn, sau đó tiến hành gói bánh”.

Mỗi chiếc bánh chưng sử dụng khoảng 600 - 800g gạo nếp, 200g đỗ và một dải thịt ba chỉ nhiều mỡ.

Sau khi đã chuẩn bị tất cả các nguyên vật liệu thì đến khâu gói bánh. Gói bánh chưng cần sự tỉ mỉ và khéo léo để tạo nên chiếc bánh vuông vắn cúng viếng ông bà tổ tiên.

Nhiều người làm bánh chưng lâu năm chia sẻ, gói bánh cũng là cả một nghệ thuật.

Gói bánh cũng là cả một nghệ thuật. Khi gói bánh chưng phải xếp lá đều nhau. Nếu là lá dong thì xếp 4 lá vuông góc, nếu lá chít thì xếp 10 lá xếp so le nhau. Cho khoảng hơn 1 bát gạo vào lá bánh. Sau đó cho nhân đỗ và thịt vào và đổ thêm một lớp gạo phía trên phần nhân và dùng tay san đều gạo phủ kín nhân, rồi gấp lá theo quy trình”, chị Hồng nói.

Người gói phải vỗ bánh để gạo và đỗ được đều nhau.

Người gói bánh phải cắt bỏ phần lá chít thừa, để chiếc bánh được gọn gàng.

Và dùng lạt giang để gói bánh.

Gấp đầu lá chít cho vuông vức.

Khi xong xuôi các công đoạn chỉ cần đặt bánh vào rồi và luộc. Bếp lửa đã cháy đều, mọi người trong gia đình thay nhau giữ nhiệm vụ canh lửa, canh nước cho nồi bánh chưng. Nhìn ngọn lửa hồng bén quanh nồi bánh to bản, thỉnh thoảng nghe tiếng than củi nổ tí tách… tất thảy đều tạo nên sự đặc trưng của hương vị Tết truyền thống.

Những chiếc bánh chưng được gói bằng lá chít sau khi hoàn thành có hình tròn, dài, giống như bánh Tét miền Nam.

Những chiếc bánh đều và đẹp mắt.

Bánh được nấu trong những chiếc nồi to bản.

Công đoạn xếp bánh cũng phải cẩn thận…

Nếu không bánh sẽ dễ bị sượng.

Công đoạn nấu bánh được xem là khâu quan trọng. Thông thường mọi người nấu bánh bằng củi khô, nấu trong một nồi to, đổ đầy nước và nấu trong khoảng từ 8-12 tiếng. Thời gian nấu lâu là vì để đảm bảo bánh chín đều và dẻo.

Khi nước sôi, mùi bánh chưng bốc lên nghi ngút. Lúc đó mọi người bắt đầu cảm nhận được không khí Tết đang bao trùm lấy căn nhà.

Công đoạn vớt bánh cũng rất cẩn thận, tránh làm rách lá bánh.

Bánh chưng sau khi chín được mang ra ngâm nước lạnh vài phút.

Sau đó lăn qua lăn lại để tạo sự săn chắc cho chiếc bánh khi cắt ra đĩa và có thể để được lâu hơn.

Bánh chưng là món không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết, cũng như trên bà thờ cúng gia tiên. Từ bao đời nay, người Việt quan niệm, bánh chưng tượng trưng cho sự trọn vẹn của trời đất, cho sự ấm áp và lòng thành. Bánh chưng là biểu tượng, là truyền thống, là nét đẹp của con người Việt Nam, không có bất cứ loại bánh nào có thể thay thế được.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Cường Ngô

Được quan tâm

Tin mới nhất