Trong thời gian qua, đã có nhiều nghệ sĩ như ca sĩ Vy Oanh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh… gửi đơn tố giác bà Nguyễn Phương Hằng, cho rằng bà Hằng đã vu khống, xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của mình.
Theo đó, một số trường hợp tính từ khi cơ quan chức năng xác nhận đã nhận đơn đến nay thì thời gian trôi qua đã hơn bốn tháng.
Theo báo chí đăng tải, họ vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền về kết quả giải quyết đơn trong khi theo quy định, thời hạn tối đa để giải quyết tin báo tố giác tội phạm là bốn tháng.
Trước vụ việc trên Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, thời hạn tố tụng đã được quy định cụ thể tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015, trong đó thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được hướng dẫn chi tiết tại Điều 11 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC.
Cụ thể, thời hạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm là 20 ngày, kể từ ngày Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp nhận được tố giác, tin báo về tội phạm.
Trong một số trường hợp đặc biệt như: Vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, vụ việc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng.
Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 2 tháng.
Như vậy, theo quy định pháp luật, thời hạn giải quyết tin báo, tố giác là 20 ngày và có thể gia hạn tối đa 2 lần, mỗi lần không quá 2 tháng.
Trước khi hết thời hạn nêu trên, Cơ quan điều tra phải ban hành một trong các quyết định: Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; hoặc Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Ngoài ra, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm cho người tố giác cũng được quy định cụ thể tại Điều 14 Thông tư liên tịch nêu trên.
Theo đó, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận phải thông báo bằng văn bản về kết quả tiếp nhận cho tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm biết.
Sau đó, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm phải tiến hành thông báo cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm biết kết quả giải quyết vụ việc.
Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm cũng chính là một trong những quyền cơ bản của người tố giác, báo tin về tội phạm, căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 56 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Tuy nhiên, theo Luật sư Trần Xuân Tiền, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra, nhiều biện pháp chưa từng có tiền lệ buộc phải áp dụng để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân dẫn đến quá trình xác minh các thông tin của cơ quan có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn và chậm trễ, kéo theo thời hạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có thể kéo dài quá thời hạn quy định.
“Người dân cũng nên thông cảm với những khó khăn của cơ quan tiếp nhận tin báo, tố giác và kiên nhẫn chờ đợi thêm trong trường hợp đã nộp đơn nhưng vẫn chưa nhận được thông báo về kết quả giải quyết.
Ngoài ra, người dân có quyền yêu cầu cơ quan tiếp nhận giải trình lí do quá thời hạn giải quyết bằng cách trực tiếp đến phản ánh hoặc làm đơn yêu cầu và gửi tới cơ quan tiếp nhận tin báo, tố giác”, Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ thêm.