Theo Vietnamnet thông tin, trong đơn bà Thảo đề nghị Hội đồng thẩm phán hủy hai bản án theo kháng nghị của VKSND Tối cao và VKSND TP.HCM vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng tại 2 phiên tòa.
Theo bà Thảo, kháng nghị của VKSND TP.HCM đã chỉ ra một loạt điểm sai nghiêm trọng như: Tòa không thu thập đầy đủ chứng cứ, vi phạm thủ tục tố tụng khi giải quyết yêu cầu phản tố của đương sự, không tổ chức đối chất, tiếp cận công khai chứng cứ, sử dụng những chứng cứ không chính xác...
Cũng theo bà Thảo, tại phiên phúc thẩm, Tòa có nhiều vi phạm trong xác định và phân chia khối tài sản chung của vợ chồng bà, trong đó tước toàn bộ quyền cổ đông và quyền kinh doanh hợp pháp của bà Thảo tại Trung Nguyên.
Đến ngày 31/3/2020, Viện trưởng VKSND Tối cao tiếp tục có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét hủy toàn bộ đối với hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm.
Theo đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, tất cả các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và tài sản vô hình, hơn 14 nhãn hiệu trong đó có 2 nhãn hiệu lớn là Trung Nguyên và G7, đều do hai vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân và sở hữu ngay từ những ngày đầu cho đến nay. Vì thế, việc giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng thiếu sự công bằng, không khách quan.
Cũng theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, mới đây nhất, các luật sư của bà còn phát hiện thêm việc cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã bỏ sót một tài sản lớn chung của cả hai vợ chồng tại Phú Quốc, không tiến hành điều tra làm rõ, không triệu tập người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, để từ đó không giải quyết phân chia, giúp cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ hưởng lợi riêng. Toàn bộ chứng cứ, hồ sơ đã được gửi tới TAND tỉnh Kiên Giang và ngày 24/9/2020, TAND tỉnh Kiên Giang đã ra thông báo liên quan đến việc thụ lý vụ án này.
Vì những lí do trên, bà Thảo đề nghị xem xét mở phiên giám đốc thẩm công khai, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí được tham dự và truyền tải thông tin chính xác, giúp cho công luận hiểu rõ sự thật khách quan của vụ việc.