Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Bà giáo gần 20 năm 'bán ký ức tuổi thơ' giữa lòng Sài Gòn: 'Mệt bà cũng bán để còn có chỗ tìm vui cho mấy sắp nhỏ nhà nghèo'

Đã hơn 18 năm nay, người mê sách vẫn hay tới lui tiệm sách cũ của bà giáo già nằm một góc ven đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp) để tìm mua ký ức tuổi thơ với giá "chẳng thể rẻ hơn", kèm theo là tất cả sự thân thiện hào sảng của người bán.

Sài Gòn chẳng thiếu những hệ thống sách đẹp đẽ đặt ở khắp mọi nơi, thế nhưng, gần 20 năm nay, tấm bạc đã sờn xếp đầy sách cũ ven góc đường Phạm Văn Chiêu (Q. Gò Vấp) vẫn luôn tấp nập người tới lui mua sách.

Hằng ngày, bà giáo Võ Thị Như Ngọc (80 tuổi) “mê sách, thương con trẻ” vẫn miệt mài bên đống sách cũ, đợi những đứa trẻ tìm đến “mua tuổi thơ”. “Hai ngàn đồng một cuốn truyện tranh, bà không bán, bà nhận tiền để trẻ con biết mà trân trọng sách hơn“, bà tâm sự. Thế cũng đủ thấy, bà hào sảng và chân tình đến nhường nào!

Gần 20 năm nay, trên tấm bạc đã sờn, bà Ngọc vẫn cặm cụi với đống sách cũ.

 “Vui lắm, thằng bé lớp 5 mới đó vẫn chạy qua bà tìm sách giờ đã cưới vợ quay lại mua sách cho con”

Năm 20 tuổi, bà Ngọc theo học Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn, sau đó trở thành giáo viên dạy văn và lập gia đình. Thời thế khó khăn, cuộc sống bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền, đồng lương giáo viên ít ỏi không đủ để cả gia đình chi tiêu, bà quyết định cùng gia đình nhỏ vào Sài Gòn mưu sinh.

Vào Sài Gòn năm 40 tuổi, nhờ có học vấn, bà Ngọc tìm được công việc nhà nước cố định, đảm bảo đồng ra đồng vào và lo học hành cho 4 người con. Một thời gian dài tất bật với công việc không đúng chuyên môn, bà vẫn nau náu con chữ và “thèm mùi sách”. Vì vậy, khi vừa được nghỉ hưu, bà quyết định tậu một tiệm nhỏ bán sách cũ cho những người nghèo cùng đam mê con chữ giống mình.

Từng có thời gian làm giáo viên dạy Văn, nên bà Ngọc đã yêu con chữ rất lâu rồi.

Mặt bằng tiệm sách thuê chung với một quán cơm bình dân gần nhà thờ Thạnh Đà (Q. Gò Vấp). Nói là tiệm sách, nhưng thật ra chỉ có một cái tủ sắt để cất giữ sách cùng một tấm bạc bày sách ra được chủ nhà thương mến mà cho bà Ngọc thuê với giá rất rẻ.

Nghỉ hưu được mấy ngày, con cái đi làm suốt, một mình bà và con chó quanh quẩn trong nhà buồn quá. Bà nghĩ ngay đến ước mơ thời trẻ là có một tiệm sách giá rẻ để người nghèo có cơ hội tiếp cận với con chữ. Rồi bà vét hết mớ tiền để dành được bấy lâu đi tìm mua sách cũ, dọn ra bán“, bà Ngọc kể lại.

Gần 80 tuổi, bà Ngọc vẫn rất khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng. Cứ 5 - 6 giờ sáng đều đặn mỗi ngày, từ nhà gần khu phần mềm Quang Trung, bà bắt xe buýt đến tiệm sách. Một mình bà trải bạt, dọn hàng, xếp từng cuốn sách ngăn nắp và chờ khách ghé mua. Rảnh rỗi, bà lại lấy sách ra đọc, nghiên cứu. Những hôm thời tiết tốt, bà bán tới 5 giờ chiều, hôm nào trời mưa, buộc lòng bà phải dọn hàng về sớm.

Tiệm sách cũ kỹ như một phần lưu lại kí ức tuổi thơ của tụi nhỏ thành phố.

Những quyển truyện có giá 5 nghìn, 6 nghìn đồng,…

Bán sách là niềm vui con à, ngày nào cũng vận động tay chân, gặp gỡ mấy đứa nhỏ ham sách giống mình lúc nhỏ, bà thấy mình trẻ ra. Chứ nghỉ ở nhà, có khi bí bách lại bệnh ra hổng chừng“, bà Ngọc chia sẻ.

Đến bây giờ, sau 18 năm bán sách, điều làm bà Ngọc vui nhất là nhìn thấy những đứa trẻ mua sách mình dần trưởng thành theo tháng năm. Bà chia sẻ: “Nghĩ lại mà vui, nhớ thằng bé lớp 5 mới ngày nào cứ ghé tiệm bà mua sách rồi ngồi cả chiều ở tiệm cùng bà đọc sách giờ đã có vợ có con. Mới đây, nó dẫn con nó qua bà mua truyện tranh. Còn có những người mua sách bà mười mấy năm, cũng phải hơn trăm cuốn chứ không ít“.

“Bán sách là niềm vui con à, ngày nào cũng vận động tay chân, gặp gỡ mấy đứa nhỏ ham sách giống mình lúc nhỏ, bà thấy mình trẻ ra.”

“Thương tụi nhỏ mê sách, bà bán tới lúc nào không bán được nữa thì đành”

Suốt mười mấy năm, người Sài Gòn quen với tiệm sách cũ của bà giáo Ngọc. Hễ mỗi lần có đợt sách mới về, khách quen lại tấp nập ghé mua. Giá sách chỉ từ 2.000 đồng một cuốn Conan, Thần đồng đất Việt; 5.000 đồng một cuốn Doraemon; 10.000 đồng cuốn tiểu thuyết dày cộm,… đọc xong có thể mang ra đổi lấy cuốn khác. Khách ghé tiệm đa phần là tụi sắp nhỏ học tiểu học, cô cậu sinh viên, hay đôi khi là những cô chú đã quá lục tuần, tất cả đều đến vì niềm đam mê sách và sự nhiệt thành của người bán.

- Bà ơi, mấy quyển Black Jack con dặn bữa trước nay có chưa bà?

- Bà ơi, nay có quyển tiểu thuyết nào hay nữa không để con lựa, sách bữa con đọc hết rồi.

- Bà ơi, con mang mấy quyển này ra đổi bà, còn 2 cuốn này con mua nha.

Hai tiếng gọi “bà ơi” ấm áp tươi vui cứ thế vang lên suốt cả ngày quanh một góc nhỏ. Vì bà Ngọc thương những đứa trẻ ham đọc, ham tìm tòi điều thú vị trong từng trang sách nên dù mệt, bà vẫn sẵn lòng tìm mua những cuốn sách khách dặn. “Cứ mang về mà đọc, nào rảnh ghé qua trả tiền bà sau cũng được. Bà thương mấy đứa chân chất tụi bây“, câu nói của bà chất chứa đủ đầy tình thương cùng sự san sẻ với những mảnh đời nghèo khó.

Bọn trẻ con khoái chí với những cuốn Đôrêmon, Conan,…

Ngày ngày tụi sắp nhỏ vẫn ghé qua tiệm sách của bà lão đều đều.

Mỗi sáng chủ nhật là những ngày tiệm sách của bà Ngọc rộn rã tiếng cười nói nhất, người đến mua sách đông không kể nhưng ai nấy đều có ý thức. “Vui nhất là chủ nhật, tụi nó được nghỉ học là lại chạy lại chỗ bà tìm sách. Đứa này bà ơi, đứa kia bà ơi, vui lắm con. Thấy khách đông, tụi nó tự tính tiền tự đưa cho bà luôn nên bà không thấy mệt gì. Bao nhiêu năm bán sách, bà chưa bị mất cuốn nào cả vì người ham sách thì ý thức cũng rất cao“, bà cho biết.

Tấm lòng của “bà giáo bán sách tuổi thơ” khiến đứa trẻ nào hay lui tới tiệm sách cũng thương cũng quý. Bà kể: “Nhiều đứa hay mang cho bà này nọ, khi thì quả mận quả lê, khi thì chè bánh. Có hôm, thằng bé con đi học về chạy vô dặn bà 'bà ơi, mai bà đừng mua đồ ăn trưa nha, mai nhà con đám giỗ để con mang chả giò sang biếu bà'. Bà thương gì đâu, quý tụi nó như con cháu, mà sắp nhỏ cũng thương bà lắm“.

Những quyển truyện cũ đầy ký ức tuổi thơ.

“Mấy đứa nhỏ không thấy bà sợ nên gặp là cứ níu tay níu chân ríu rít 'bà ơi bà đừng nghỉ nha, bà nghỉ tụi con buồn lắm'. Nên bà không nỡ nghỉ, bà bán tới khi nào không còn sức nữa thì thôi”.

Gia đình, con cháu đều đã có việc làm ổn định, thành đạt, riêng bà Ngọc cũng có cho mình một số tiền lương hưu hàng tháng. Thế nhưng, vì muốn trao niềm vui tuổi thơ cho con trẻ, cũng là tìm vui cho tuổi già, bà vẫn miệt mài ngày ngày bán sách với số tiền lời chẳng là bao. “Nhiều khi gia đình có công chuyện bà nghỉ một hai hôm mà thấy sốt ruột, cứ mong ra tiệm sách thôi. Mấy đứa nhỏ không thấy bà sợ nên gặp là cứ níu tay níu chân ríu rít 'bà ơi bà đừng nghỉ nha, bà nghỉ tụi con buồn lắm'. Nên bà không nỡ nghỉ, bà bán tới khi nào không còn sức nữa thì thôi“.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Phạm

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hit maker tết gọi tên 'Bùi Công Nam'
Giá vàng hôm nay (6/1): Gây bất ngờ