Hỏi thăm mãi, tôi mới tìm được con ngách nhỏ hẹp dẫn vào căn nhà tối tăm và chật chội chưa đầy 10m2 trong khu phố nhỏ của phường Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội), là nơi ở của mẹ con, bà cháu bà Nguyễn Thị Tính.
Bà năm nay đã 67 tuổi, quê ở Hoài Đức (Hà Nội) và có 4 người con. Năm 2004, người con gái thứ hai của bà không may qua đời, để lại đứa con thơ chưa đầy 1 tuổi là cháu Lê Đức Minh. Thương con, bà mang cháu Minh về nuôi. Hai năm sau, chồng bà cũng mất nên gia cảnh càng rơi vào thế túng quẫn.
Con trai út của bà, anh Lê Văn Hùng năm nay đã 24 tuổi, không được bình thường về đầu óc nên không làm được gì, cả ngày chỉ quẩn quanh ở nhà. Thậm chí nhiều lần anh đánh đập cả bà Tính, khiến bà phải nhập viện. Hai người con gái còn lại cũng nghèo khổ, ngày ngày tất bật với gánh mưu sinh, vì thế cũng chẳng thể giúp đỡ được gì cho mẹ.
Bà làm nghề nhặt rác. Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm bảnh mắt là bà đã bươn bả đến các bãi rác, tìm kiếm vỏ chai, ni-lông sắt vụ về bán cho đại lý. Có ai bắt gặp, thuê bà rửa bát, dọn dẹp hay giặt giũ bà cũng nhận.
Vất vả là thế, nhưng mỗi ngày bà chỉ kiếm được vài ba chục nghìn đồng. Số tiền ít ỏi đó, đủ để mua một ít gạo, một mớ rau và hai quả trứng cho anh Hùng và cháu Minh. Còn bà, chỉ dám ăn một ít cơm với nước mắm, đạm bạc và khổ cực như thế suốt quanh năm.
Căn nhà mẹ con bà Tính ở chỉ chừng 10m2, những ngày nắng, không khí ngột ngạt và khó thở vô cùng. Những ngày mưa, dù chỉ mưa nhỏ là nước đã có thể ngập sàn nhà. “Nhưng bà cháu tôi kiếm miếng ăn còn chẳng đủ, huống chi là nghĩ đến việc sửa nhà” - bà Tính tâm sự.
Dù bệnh thoái hóa khớp và nhiều căn bệnh khác hành hạ, nhưng bà chưa từng nghĩ đến một ngày nghỉ dành cho bản thân. Bà nén những nỗi đau đó vào trong lòng để mưu sinh, không dám nghỉ lấy một ngày. Bởi vì bà nghỉ một ngày tức là hôm đó cả nhà sẽ phải nhịn đói.
Đáp lại tình cảm của bà, anh Hùng những lúc tỉnh táo ở nhà lau dọn, trông nhà giúp mẹ. Còn cháu Lê Đức Minh rất chăm chỉ học tập để bà được vui. Khi được hỏi về mong ước của mình, bà Tính tâm sự:” Bà chỉ mong anh Hùng được khỏe mạnh, minh mẫn như người ta, mong cháu Minh được học tập để trở thành người tốt”. Bà không mong gì cho bà cả.
Tôi gặng hỏi, bà suy nghĩ hồi lâu rồi nói:”Bà chỉ mong bà đủ sức khỏe để hằng ngày đi làm, có đủ tiền mua gạo cho con với cháu. Chúng nó thiệt thòi lắm. Bà khổ được chứ bà không để chúng nó khổ. Còn sống là bà còn làm được, còn chăm lo con cháu được”.
Cuộc sống của bà vẫn như thế ngày lại ngày, tuy vất vả nhưng tôi thấy trong mắt bà Tính vẫn ánh lên niềm lạc quan. Bà nói: “Dù cuộc sống của tôi còn cơ cực thế này, tôi vẫn có chút niềm vui vì mình còn sức khỏe, còn lao động để nuôi con nuôi cháu”.