Tá hỏa vì triệt sản vẫn mang thai
Ngày 6/12, chị N.T.S. (ở Hà Nội) cho biết, không hiểu tại sao bác sĩ khẳng định đã triệt sản, mà chị vẫn mang thai. Theo đó, tháng 2/1016 chị đến khoa Sản Bệnh viện Bạch Mai để sinh con thứ 3.
Trước khi mổ đẻ, chồng sản phụ đã ký vào giấy yêu cầu được triệt sản và người thực hiện mổ đẻ. Người thực hiện triệt sản cho chị là bác sĩ Nguyễn Hữu D.
Ba tháng sau sinh, chị S. cẩn thận gọi điện hỏi lại cho chắc chắn thì bác sĩ D. khẳng định đã triệt sản. Tuy nhiên, ngày 30/11 vừa rồi, sau khi thấy trong người có biểu hiện lạ, chị đi khám thì hoảng hốt khi biết mình có thai được 8 tuần.
“Tôi giật mình khi bác sĩ thông báo có thai. Gọi điện cho bác sĩ D. để hỏi, thì ông ấy vẫn khẳng định là đã triệt sản cho tôi. Bác sĩ này giải thích rằng, dù triệt sản nhưng vẫn có khả năng mang thai lại, xác xuất là 1/1.000”, chị S. chia sẻ.
Sau khi trao đổi với bác sĩ D. chị có đến bệnh viện tìm lại hồ sơ của mình, thì bất ngờ trong đó không ghi có triệt sản. Điều này có nghĩa bác sĩ D. quên triệt sản cho sản phụ dù bệnh nhân đã có giấy đăng ký.
Đối với cái thai trong bụng, do trước đó đã sinh mổ 2 lần và đang nuôi con nhỏ nên chị S. đã quyết định không giữ lại. Người phụ nữ này mong muốn Bệnh viện Bạch Mai làm rõ trách nhiệm của bác sĩ D.
Bác sĩ trần tình như thế nào?
Liên quan đến vụ việc trên, bác sĩ Nguyễn Hữu D. (khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trước đây chị S. và ông có quen biết. Sau đó, sản phụ này nhờ ông mổ cho mình khi sinh lần 3.
“Tôi là người mổ cho cô ấy. Với những người khi sinh mổ lần 3 thì không bắt buộc phải triệt sản. Tuy nhiên, thông thường, với những trường như chị S., chúng tôi thường tư vấn triệt sản để ngăn việc có thai ngoài ý muốn, tránh phá thai. Nếu họ đồng ý thì chúng tôi làm còn không thì thôi”, bác sĩ D. nói.
Chia sẻ về việc người bệnh đã triệt sản nhưng vẫn có thai, bác sĩ D. cho biết, triệt sản bằng bất cứ phương pháp nào đều có thể có thai lại. Đặt vòng, uống thuốc tránh thai cũng vậy. Triệt sản thắt vòi tử cung tỉ lệ có thai trong những năm đầu dưới 10%, trong những năm sau nếu người trẻ là 5%, còn người lớn tuổi thì thấp hơn.
Bác sĩ D. thông tin thêm, chị S. khi mang thai có tới phòng khám của ông nói “lung tung”. Ông có nói với sản phụ rằng, nếu có việc gì vào bệnh viện trong giờ hành chính, có lãnh đạo khoa sẵn sàng giải quyết. Tuy nhiên, sau đó chị S. không đến.
“34 năm tôi làm việc ở Bạch Mai không có điều tiếng. Tôi luôn hết lòng cứu chữa cho bệnh nhân ở khắp mọi miền đất nước. Sự việc xảy ra, thực sự tôi rất buồn”, bác sĩ D. nói.
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau khi nắm được thông tin về vụ việc tên đã yêu cầu bác sĩ D. và ban lãnh đạo khoa Sản khẩn trương tìm hiểu và báo cáo giải trình cụ thể. Sau khi xác minh rõ, bệnh viện sẽ thông tin cụ thể tới các cơ quan báo chí.