Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào hồi 13 giờ ngày 15/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,1 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 600km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13h ngày 16/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 01 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi 20-25km. Trên đất liền hiện nay, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, sau suy yếu thành vùng áp thấp nên ở khu vực ven biển và đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã có mưa to đến rất to.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đang di chuyển tương đối nhanh. Nhiều mô hình dự báo cho thấy, áp thấp nhiệt đới chỉ có 50-60% khả năng mạnh lên thành bão. Nếu không khí lạnh tràn xuống khống chế trước, bão sẽ không xuất hiện.
Dù vậy trong những ngày tới, khi kết hợp với nhiều hình thái khác, áp thấp nhiệt đới có thể gây ra một đợt mưa rất lớn cho nhiều tỉnh Trung Bộ, trọng tâm mưa nằm từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, cao điểm các ngày 17-19/10.