Ngày 28/10, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết trên Biển Đông có xuất hiện một dải hội tụ nhiệt đới ở vị trí vào khoảng 7,0-9,0 độ Vĩ Bắc; 112,0-114,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển quần đảo Trường Sa.
Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm về hướng tây nam và phát triển không nhanh. Hiện nay, vùng áp thấp cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 1.700 hải lý. Khu vực vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có mưa rào và dông mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 1.
Qua phân tích dữ liệu khí tượng, chuyên gia cho biết rất có khả năng dải hội tụ nhiệt đới mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới hay thậm chí là bão, tác động trực tiếp đến thời tiết Nam Bộ.
Trong tuần tới, thời tiết TP. HCM và Nam Bộ sẽ chuyển biến xấu. Những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11, khu vực này sẽ có mưa nhiều, nhiều nơi đề phòng có dông lốc và gió giật mạnh trong cơn dông.
Trong 5 ngày tới, mực nước cao nhất ngày trên các sông rạch ở TP. HCM sẽ lên cao theo triều. Do kết hợp của triều cường cùng với mưa do ảnh hưởng từ vùng áp thấp, dự báo nhiều nơi trong thành phố sẽ bị ngập, có nơi ngập sâu.
Theo dự báo thủy văn của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước trên sông Sài Gòn tại trạm Phú An sẽ vượt mức báo động 3, có thể đạt mức 1,61m vào những ngày tới.
Chuyên gia khí tượng cho biết, nếu dải hội tụ nhiệt đới này có mạnh lên thành bão thì cường độ cũng sẽ không lớn, nhưng mức độ nguy hiểm cũng rất quan trọng, không nên chủ quan.
Trong quá khứ, có bão nhiệt đới Linda vào năm 1997 ban đầu cũng không mạnh, nhưng nhanh chóng trong vòng 36 giờ, bão tăng nhanh từ cấp 6 đến cấp 11. Đây là cơn bão thảm khốc nhất ở Nam Bộ trong hàng chục năm qua, với hơn 3.000 người chết và tổn thất rất lớn.