Tôi không cho rằng cô hiệu trường này dốt như hàng ngàn lời dè bỉu, châm biếm cô đang tràn lan trên mạng. Và tôi cũng thông cảm và thấu hiểu cho sự mất bình tĩnh, lúng túng của tất cả những người “thường” khi xuất hiện trên truyền hình giống cô, bởi khi ấy, mọi kiến thức dù rất dễ cũng có thể “biến mất” trong đầu, nhất là âm nhạc báo hiệu thời gian trôi kiểu dồn dập, kịch tính như phim hành động lại càng khiến đầu óc bị “bấn loạn”.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nguyên nhân cô bị “ném đá” phần lớn là do cuộc trò chuyện ban đầu với MC Lại Văn Sâm. Lúc ấy, không hiểu vì vô tư quá, thật thà quá, hay là tính cách thích khoe mà cô hiệu trưởng đã tiết lộ thông tin “rất có duyên với đi thi, và thường là Nhất, ít khi Nhì…” một cách rất tự tin. Điều này khiến nhiều người nhận xét cô hơi thiếu sự khiêm tốn cần thiết, vì thế mới gây bức xúc cho khán giả xem truyền hình khi cô trả lời sai.
Rõ ràng, câu chuyện khiêm tốn chưa bao giờ hết ý nghĩa đối với tất cả chúng ta, dù ở thời đại nào.
Từ ngày xưa, các cụ đã dạy: “Sấm trước thì chẳng hay mưa/Những người nói trước chẳng lừa được ai”, hoặc “Thùng rỗng kêu to” hay “Một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu”. Thật thế, trong cuộc sống, thường những người huênh hoang, khoe khoang, tự vỗ ngực cao ngạo thì đa phần không giỏi, hoặc nông cạn, hời hợt. Ngược lại, những người khiêm tốn luôn được trân trọng và thường là những người giỏi, họ luôn biết cách đặt mục tiêu và tự thân vận động, phấn đấu để đạt được mục tiêu. Những người khiêm tốn thường biết tôn trọng người khác, luôn “ẩn” mình để “nâng” người khác lên, vì thế họ lại càng được trân trọng. Và rõ ràng, khi đã chiếm được cảm tình của mọi người, thì hẳn nhiên sẽ rất thuận lợi cho công việc và cuộc sống đời thường.
Ngày nay, người trẻ rất giỏi, nhưng trong số họ, cũng có khá nhiều người tỏ ra thiếu khiêm tốn. Sự tự tin là vô cùng cần thiết, nhưng tự cao tự đại lại là một nhược điểm rất dễ dẫn đến thất bại. Sự tự tin thái quá khiến người ta hay chủ quan, vì thế đôi khi không thể hoàn thành cả những việc đơn giản nhất, những việc mà nếu thận trọng, khiêm tốn thì chỉ giải quyết trong vòng “vài nốt nhạc” là xong.
Sự thiếu khiêm tốn xảy ra ở tất cả các lĩnh vực, và không chỉ người trẻ mới mắc “căn bệnh” này. Tuy nhiên, điều mọi người dễ nhận thấy nhất đó chính là các nghệ sỹ hoặc những người nổi tiếng, bởi đây là đối tượng được công chúng rất quan tâm. Sự tự tin thái quá, luôn cho mình là “sao lớn” không coi các nghệ sỹ khác ra gì, từ đó có thái độ xem thường, dè bỉu đồng nghiệp là chuyện không hiếm của showbiz. Việc thành công quá dễ dàng sau khi tham gia một chương trình trên truyền hình hoặc có những sản phẩm được cư dân mạng hâm mộ cuồng nhiệt khiến nhiều bạn trẻ không giữ nổi mình, bỗng chốc thay đổi trở thành con người khác, cao ngạo và tự mãn.
Quay lại câu chuyện cô hiệu trưởng. Thật khó để đánh giá về năng lực hoặc kiến thức của cô nếu chỉ nhìn vào mấy chục phút cô tham gia Ai là triệu phú trên truyền hình. Nhưng rõ ràng, sự tự tin có phần thái quá lúc ban đầu, và một vài kiến thức ở tầm học sinh phổ thông mà cô không trả lời được (mà tôi đồ rằng cô bị quên chứ không hẳn không biết), chính là nguyên nhân gây ra cơn “bão” cộng đồng mạng như chúng ta đã thấy.
Nên, tôi cứ tiếc, giá như với cương vị là một hiệu trưởng có đầy đủ kinh nghiệm và sự khôn khéo trong ứng xử, cô sẽ có cuộc trò chuyện với MC Lại Văn Sâm một cách khiêm tốn và tế nhị nhất. Nếu cô làm được như vậy, thì một vài kiến thức văn hoá hay xã hội cô trả lời sai, có lẽ sẽ nhận được sự cảm thông của công chúng, chứ không phải bị ồn ào phê phán mấy ngày qua.
Nhưng đằng nào sự việc cũng đã rồi, mong lắm sự bao dung của cư dân mạng để không ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư và công việc của cô.
Mong lắm thay!