Vừa với tay định tắt đèn đi ngủ, Ngọc Trâm (25 tuổi, thiết kế nội thất) đột ngột dừng lại vì chợt nhớ ra một việc quan trọng quên làm: kiểm tra xem chế độ tự động thông báo ngày sinh nhật trên Facebook và một số ứng dụng liên lạc khác đã được tắt hay chưa. Chỉ còn vài tiếng nữa, cô sẽ bước qua tuổi 25.
Trước đây, mỗi năm cứ đến dịp này, Trâm lại vô cùng háo hức được tận hưởng cái cảm giác hạnh phúc vỡ òa khi sáng hôm sau thức dậy sẽ nhìn thấy điện thoại và Facebook ngập tràn hàng trăm tin nhắn chúc mừng sinh nhật hoặc những món quà bất ngờ được đặt sẵn trên bàn khi bước vào văn phòng. Nhưng càng trưởng thành, cô càng nhận ra rằng ngày sinh nhật không còn vui và ý nghĩa như cô đã từng nghĩ.
Nhờ “thử nghiệm” tắt chế độ thông báo ngày sinh nhật vào năm ngoái, Trâm mới phát hiện ra rằng chẳng mấy ai trong số những người từng chúc mừng, tặng quà cho cô những năm trước thực sự nhớ ngày sinh của cô. Ban đầu, Trâm khá hụt hẫng khi đón nhận kết quả “thử nghiệm”. Lần đó, Trâm chỉ nhận được tin nhắn chúc mừng sinh nhật của bố mẹ, chị gái và đứa bạn thân duy nhất. Nhờ “thử nghiệm” trên mà Trâm mới giật mình tỉnh mộng rằng hóa ra trước đây, người ta cũng chỉ vội vàng để lại những lời chúc mừng đầy máy móc như một nghĩa vụ cần hoàn thành khi họ được gợi nhắc bởi các ứng dụng công nghệ vô tri vô giác.
Chưa kể một lý do khác không kém phần ức chế khiến Trâm buộc lòng phải giấu ngày sinh của mình là vì sinh nhật năm nào cô cũng lâm vào cảnh “bội chi”. Đáng lẽ ra sinh nhật thì phải được tặng quà mà quà đâu không thấy, chỉ thấy gặp ai Trâm cũng bị bắt chiêu đãi. Hết nhóm bạn cấp ba, đến nhóm bạn đại học rồi lại đến nhóm đồng nghiệp, thậm chí là đối tác… lần lượt nhắc khéo “Sinh nhật mà sao chưa thấy đãi gì?” Trâm đã cố nhiều lần giả lơ nhưng cũng không thoát. Nghe nhắc mãi cũng đau đầu, cô bấm bụng chi gần cả một tháng lương để chiêu đãi hết nhóm này đến nhóm kia cho cả làng đều vui.
Nếu Ngọc Trâm may mắn khi tìm được một giải pháp thì trường hợp của Minh Cường (28 tuổi, nhân viên kinh doanh) lại khá bế tắc. Cường đi làm được 6 năm, dành dụm được 300 triệu. Anh quyết định vay thêm ngân hàng 300 triệu nữa để mua ô tô chở vợ con đi làm, đi học cho an toàn.
Anh bức xúc kể lại: “Ngay hôm đầu tiên đánh xe vào công ty, mọi người đều nháo nhào lên. Ai gặp tôi cũng nói đúng một câu “Rửa đi nha!” kèm theo một cái nháy mắt đầy ngụ ý. Dù đã lường trước sự tình nhưng suốt mấy ngày trời phải nghe những câu nói “khích” đó lặp đi lặp lại, tôi vẫn muốn điên lên. Chắc họ nghĩ ai đi ô tô cũng giàu lắm. Tôi đã vét hết tài sản tích cóp bao năm mà còn phải vay ngân hàng. Nợ chưa biết đến bao giờ mới trả hết thì tiền đâu mà “rửa” với khao. Mua xe đã 4 tháng mà đến hôm nay vẫn có người nhắc khéo. Tôi chẳng biết phải cười trừ cho qua chuyện đến bao giờ. Thật là mệt mỏi!”
Không chỉ riêng Ngọc Trâm hay Minh Cường mà còn rất nhiều người trong số chúng ta cũng đã từng ít nhất một lần trở thành nạn nhân của những pha “gài độ” ngoạn mục tương tự như thế. Từ những dịp đặc biệt như sinh nhật, tân gia, lên chức… cho đến những dịp chẳng có gì đặc biệt như mua điện thoại mới, mặc áo mới, thậm chí vợ đẻ hay bỗng dưng được ai đó khen “Hôm nay trông đẹp trai thế!”… thì coi như “khổ chủ” cứ phải chuẩn bị trước tinh thần móc hầu bao ra khao anh em một bữa ra trò, nếu không muốn nghe mãi một điệp khúc “Khao đi nha!” qua năm tháng.
Bản thân những người hay đòi khao chắc chắc cũng đã từng đứng ở vị thế của người bị đòi khao. Họ cũng hiểu cảm giác áp lực như thế nào khi bị những người xung quanh ép mình phải làm một việc mà mình không muốn làm, không thích làm và đôi khi là không có khả năng. Cả người khao và người đòi khao đều biết, đều hiểu cảm giác khó chịu đó nhưng chẳng hiểu sao hiện tượng “đòi khao” vẫn cứ tồn tại và thậm chí ngày càng lan rộng như một thói quen khó bỏ của con người trong xã hội đương thời.
Trước khi lên tiếng đòi cô bạn ở trọ cùng phòng “rửa” chiếc điện thoại mới mua hôm qua thì hãy tự hỏi bản thân sau khi vừa gom tiền tiết kiệm mua được một chiếc điện thoại mới, bạn có còn còn dư dả để khao bạn bè một bữa ra trò nữa không? Trước khi bắt anh bạn đồng nghiệp có vợ vừa sinh “khao lên chức” thì hãy tự hỏi bản thân khi gia đình bạn vừa có thêm một thành viên mới, cần phải chi tiêu nhiều khoản hơn trước, bạn có vui vẻ để bỏ ra một khoản kha khá gọi là “chia vui” cùng đồng nghiệp nữa không? Chỉ cần mỗi người biết đặt mình vào vị trí của nhau, thông cảm cho nhau thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và vui tươi hơn nhiều. Các mối quan hệ không tốt hơn bằng những chầu “khao” mà nó chỉ tốt hơn khi người ta thông cảm và thấu hiểu cho nhau, nhất là những dịp như thế này!