Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Ấm áp những gian bếp 0 đồng trong mùa dịch bệnh

Những phần ăn nóng hôi hổi cơm canh, món mặn, nó không chỉ lấp đầy dạ dày của một người khó khăn, nó khiến người ta tin hơn vào sự tử tế, lòng trắc ẩn đang hiện hữu giữa mùa dịch bệnh.

Gian bếp đỏ lửa

Không đêm nào, anh Chu Văn Huân (ngụ quận Gò Vấp) ngủ trước 12 giờ. Anh đong đếm lại nguyên liệu, sơ chế thực phẩm, xem lại khẩu phần, nhẩm tính được số quà phát cho ngày hôm sau... 

Công việc "0 đồng" này đã theo anh xuyên suốt mùa dịch. Hằng ngày, anh dong xe len lỏi vào từng con đường lớn nhỏ để trao suất ăn nóng hổi cho người khó khăn. Anh chưa cho phép mình nghỉ ngày nào, bởi anh biết, có rất nhiều người đang đợi anh. 

Ấm áp những gian bếp 0 đồng trong mùa dịch bệnh Ảnh 1
Những phần ăn mà anh Huân chuẩn bị

Ngày Bệnh viện Nhiệt đới phong tỏa vì xuất hiện những ca mắc COVID-19, bác sĩ Nguyệt Thanh (giảng viên của trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thanh) cũng bắt đầu ấp ủ mong muốn thực hiện những bữa ăn dành tặng cho đội ngũ y bác sĩ chống dịch. Suốt thời gian phong tỏa ấy, bếp nhà Thanh luôn đỏ lửa, nồi cơm nghi ngút khói, gian nhà sực nức mùi thơm của thức ăn.

....

Sài Gòn những ngày dịch bệnh, có hàng trăm bếp ăn 0 đồng như vậy đã được mở ra. Hàng nghìn phần ăn được gửi đến những con người khó khăn vì dịch. Phải ở Sài Gòn những ngày này, người ta mới thấm được cái tâm, cái tình mà con người dành cho nhau. 

Ấm áp những gian bếp 0 đồng trong mùa dịch bệnh Ảnh 2
Ấm áp những gian bếp 0 đồng trong mùa dịch bệnh Ảnh 3

Đó là ngôi nhà ọp ẹp nơi che chở cho 4, 5 cuộc đời. Dịch bệnh, thất nghiệp, người không còn khả năng lao động... Những phần cơm nhận được đầy đặn cơm canh, món mặn thật đáng quý biết bao. 

Hay thi thoảng, người ta bắt gặp những đứa trẻ bất giác vỗ tay, reo vui khi nhận được hộp mì xào còn nóng hổi. Để khi chiếc xe phát cơm rời đi, lời cảm ơn không ngớt còn vang vọng phía sau vai. 

Không ít lần, chúng ta cảm thấy nghèn nghẹn trước khoảnh khắc những ông bà lớn tuổi, đứng chờ mạnh thường quân đi ngang con đường để phát cơm. Chưa bao giờ, một bữa cơm lại đáng quý đến như thế.

Sài Gòn tử tế

Bạn Đăng Quang (sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) là một trong những tình nguyện viên chống dịch tại TP.HCM. Sau thời gian làm nhiệm vụ ngoài khu phong tỏa, Quang lại nối dài một ngày của mình bằng hoạt động phát cơm từ thiện.

Khi Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM nhận được thông báo phong tỏa, nhiều nhân viên y tế của bệnh viện vẫn chưa kịp sắp xếp cuộc sống gia đình. Người vội vàng gọi điện thoại để nói lời tạm biệt, dặn dò con, những vali quần áo lần lượt được đưa đến cổng bệnh viện. Cuộc chiến chống dịch COVID-19 bắt đầu, là lúc Quang tham gia vào bếp ăn 0 đồng của gia đình bác sĩ Nguyện Thanh dành cho các y bác sĩ. 

Ấm áp những gian bếp 0 đồng trong mùa dịch bệnh Ảnh 4

Gia đình bác sĩ tại quận 4 đã liên hệ với cán bộ bệnh viện, hỗ trợ suất cơm cho các nhân viên y tế trong thời gian phong tỏa. Mỗi ngày 2-3 bữa, khoảnh 300 phần ăn, cả gia đình cùng nhau bắt tay vào để chuẩn bị các phần ăn, rất đa dạng và thay đổi mỗi ngày để gửi đến lực lượng nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ. 

Quang kể: "Mỗi người 1 khâu, từ mua vật dụng, sơ chế, chế biến, đóng gói và được chuyển đến bệnh viện trước giờ cơm (sáng, trưa, chiều). Ngoài ra, mọi người còn hỗ trợ thêm cho bệnh viện nước uống và trái cây, bánh kẹo... Gia đình đã tỉ mỉ đi chợ từ sáng sớm để chọn ra những nguyên liệu tươi ngon nhất, mong muốn gửi đến những phần ăn chất lượng nhất, tinh thần "ngon như cơm nhà nấu".

Ấm áp những gian bếp 0 đồng trong mùa dịch bệnh Ảnh 5

Những ngày đầu, mọi người khá khó khăn vì phải chuẩn bị một số lượng suất ăn lớn nên tranh thủ làm thật nhanh tay để kịp giờ đóng gói và vận chuyển đi. 

"Mình cũng góp 1 phần công sức nhỏ trong việc vận chuyển các suất ăn đến giao trước cổng Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM. Bình thường, khi là sinh viên Y khoa, Bệnh viện Nhiệt đới là nơi học tập, rèn luyện trau dồi rất nhiều kĩ năng, kiến thức khi đi thực tập tại đây, nhưng bây giờ là một cảm giác rất khác. Mình vui hơn, hạnh phúc hơn khi được góp được phần công sức để kịp thời hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch trong suốt thời gian vừa qua".

Ấm áp những gian bếp 0 đồng trong mùa dịch bệnh Ảnh 6
Bác sĩ Thanh (bên trái)

Những phần ăn nóng hổi lấp đầy dạ dày của một người, nó còn khiến người ta tin hơn vào sự tử tế, lòng trắc ẩn đang hiện hữu. Sài Gòn không chỉ có những bếp ăn 0 đồng, thi thoảng, người ta vẫn bắt gặp cái bàn chất đầy những chai "chanh sả gừng" đặt ở góc ngã tư, để ai đi ngang thấy khát thì lấy uống. 

Sài Gòn còn có chỗ "bơm xe miễn phí", dụng cụ bơm xe được đặt ngay ngắn ở góc đường, cũng chẳng có người trông coi. Để từ đó, những người chẳng may bị mềm bánh xe, không phải vất vả đi tìm chỗ bơm khi các cửa tiệm đều đã đóng cửa. 

Nếu mỗi ngày, tình hình dịch bệnh ở Sài Gòn có rất nhiều thứ khiến bạn phải âu lo, nghĩ ngợi, thì sự tử tế chính là "liều thuốc" tinh thần mạnh mẽ nhất giúp bạn mỉm cười, tiếp thêm niềm tin yêu trong cuộc sống này. 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Khải Anh

Được quan tâm

Tin mới nhất