Mấy ngày qua, khi thông tin về Hoàng Xuân Vinh thắng được 1 HCV và HCB làm tại Olympic làm nức lòng người hâm mộ bản xứ thì những thông tin về việc quan chức “tranh suất” của HLV, Bác sĩ đi theo diện “quản lí VĐV và học tập kinh nghiệm nước bạn” vẫn được tiếp tục bàn tán nóng hổi trên các phương tiện truyền thông.
Đầu tiên, bà Tám đọc được thông tin như thế này: “Trong danh sách 50 thành viên đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Rio de Janeiro 2016 (Brazil) theo quyết định của Bộ VH-TT&DL hồi cuối tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng lại tiếp tục có tên. Ngay từ khi danh sách này được công bố, đã có rất nhiều ý kiến chỉ trích về việc trong khi nhiều VĐV thiếu chuyên gia, HLV đi kèm để chỉ đạo, hướng dẫn, thì ngành thể thao vẫn rộng tay “chia phần” cho quan chức.”
Và: “Theo tìm hiểu, kịch bản “ăn theo” đội tuyển Judo được áp dụng khá nhiều lần đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng ở các giải đấu trong và ngoài khu vực của đoàn thể thao Việt Nam. Điểm sơ sơ thì SEA Games 2015 (Singapore), SEA Games 2013 (Myanmar), ASIAD 2014 (Incheon, Hàn Quốc), ASIAD 2010 (Quảng Châu, Trung Quốc), Olympic London 2012 (Anh), và nay là Olympic Rio de Janeiro 2016 ở Brazil, không giải nào vắng ông Giám đốc!” (*)
Đáp trả lại những nghi ngờ từ truyền thông, ông Tổng cục trưởng Tổng cục TDTD Vương Bích Thắng cho biết: “Cán bộ đi rất cần thiết, họ là người chịu trách nhiệm tham mưu, định hướng công tác tổ chức, đào tạo, huấn luyện VĐV trong thời gian tới. Họ phải đi vì 4 năm mới có 1 kỳ Olympic, kể cả các đại hội họ đi không phải chỉ để quan sát 1 môn mà tất cả các môn thi đấu và xem xét những vấn đề cần để nghiên cứu, cải tiến công tác đào tạo VĐV trong thời gian tới. Cho nên nói là đi du lịch là không phải, đi dự Olympic rất vất vả. Từ sáng cho đến đêm họ phải di chuyển liên tục. Được đi Olympic nghe tiếng thế thôi nhưng rất vất vả. Họ không có nhiều thời gian nghỉ ngơi hay đi chơi đây đó, tất cả đều phải làm việc cật lực. Không có chuyện đi du lịch ở đây đâu”. (**)
Đấy thấy chưa, người ta đi Olympic là để học hỏi về công tác quản lý đào tạo vận động viên để về áp dụng cho nước mình. Nghe chửa! Bà Tám nghe là rõ lắm rồi đó. Nhưng mà bà Tám cũng thắc mắc đôi điều là:
- Vận động viên Việt Nam cực khổ lắm mới dành được xuất đi Olympic, ví dụ như Văn Ngọc Tú chẳng hạn, mà đời VĐV được bao người có cơ hội này và cơ hội liệu đến được cùng lắm một đôi lần thì hà cớ gì lại không cho HLV theo nhỉ? Một mình con bé tập luyện, tự nghĩ chiến thuật thi đấu để cuối cùng chỉ có duy nhất 1 trận thắng lịch sử tại sân chơi lớn nhất hành tinh. Biết đâu, nếu có HLV thì có thêm được 1 - 2 trận thắng nữa thì sao? Sao lại có thể duy ý chí mà cho rằng “nhiều khả năng không có Huy chương nên không cử HLV đi theo”. Vậy chứ nuôi dưỡng đào tạo VĐV để họ đi thi đấu ở đấu trường lớn nhất hành tinh làm gì khi không trao niềm tin cho họ cơ chứ? Rõ khổ!
- Rồi như anh chàng Tiến Minh cũng là một VĐV có tên trong top những tay vợt hàng đầu Thế giới của làng cầu lông. “Vợ” anh là Thuỳ Trang cũng vậy nhưng cũng đâu có HLV đâu nên hai vợ chồng thay nhau làm…HLV. Chắc lãnh đạo thể thao VN tin rằng họ đủ giỏi để tự làm HLV nên không cần cử chăng?
- Rồi chuyện đi học của cán bộ là học cái gì, học như thế nào, học ra làm sao mà miết mải đi học hết kì này qua kì khác mà công tác quản lí thể thao vẫn chẳng có chút gì tiến bộ, đến cái trường bắn súng cũng cũ kĩ lạc hậu 20 năm, VĐV đi thi đấu còn không có cả súng để bắn và phải tự đi…mượn. Chẳng hiểu các ông í học kiểu gì chứ như bà Tám đây đi mà học chắc cũng không tệ đến vậy đâu!
- TTHLTTQGHN sao lại phải cử đến 2 cán bộ đi để học tập và tại sao lại chỉ có cán bộ mới học tập được? HLV và VĐV là những người trực tiếp thi đấu nên hơn ai hết họ sẽ là người học được tốt nhất chứ nhỉ? Họ lên sàn đấu, họ cọ xát, họ thi đấu thì đương nhiên họ mới là người vỡ lẽ nhiều nhất chứ! Rồi sau này chính họ là người sẽ đào tạo, truyền thụ lại kinh nghiệm cho thế hệ đàn em chứ mấy ông cán bộ ngồi bên ngoài sàn thi đấu ghi chép thì phỏng có ích gì cơ chứ? Thêm nữa, cán bộ lại trái ngành, ví dụ như một ông xuất thân là VĐV điền kinh lại đi quản lí môn…cầu lông, thì thử hỏi về chuyên môn sao bằng được một HLV của chính bộ môn đó đi theo để học tập nhỉ!
Ôi, càng nghĩ bà Tám càng thấy mông lung, chẳng biết có phải bà Tám là “người trần mắt thịt” hay không nên chẳng thể nghĩ được những điều cao sang như các vị ấy nghĩ!
- Rồi chuyện đi quản lí VĐV thấy cũng có vấn đề lắm nhé! Nếu SEA Games thì cũng đành vì Việt Nam có đến hàng trăm VĐV nên quản lí khó nên cần người đi cùng chứ Olympic thì cả đất nước hơn 90 triệu dân có được có 23 vé đi chính thức thì quản lí đâu có khó đâu mà phải cử đến hơn 10 ông cán bộ đi. Thế tức là 2 VĐV được kèm bởi 1 cán bộ, khác gì mấy thầy cô chăm sóc học sinh mẫu giáo hoặc gia sư đâu nhỉ? Cơ mà VĐV vẫn thiếu thốn đủ đường đó thôi!
Mà nghĩ cũng tội cho VĐV, đời sống đã cực khổ, tương lai thì mịt mùng, để đến được với Olympic thì cũng “trầy vi tróc vảy” miệt mài thi đấu tích điểm, đến lúc đi thi thì nhìn quanh chẳng có ai theo mình. Nhìn sang đối thủ thấy họ nguyên ê-kíp đi theo, chắc tủi thân lắm luôn!
Thì cũng đành cắn răng chịu đựng nhường chỗ cho những thành phần “đi học hỏi” thôi chứ sao bây giờ! Có khi nào Thể thao đất nước ngày càng phát triển thì những “học trò” này cũng nhiều tương đương VĐV để tham gia các sân chơi cho “đủ tụ” không nhỉ?
Hên xui cũng chẳng biết đâu mà lường nữa, thôi thì vui vì Hoàng Xuân Vinh - người làm rạng danh tổ quốc - vừa về đến Việt Nam vậy!
Tin vui thể thao là đây chứ đâu nữa!
--
(*) Theo báo Tiền Phong số ra ngày 07.08.2016
(**) Trích trả lời phỏng vấn báo Lao Động ngày 12.08.2016 của ông Vương Bích Thắng