Tính đến sáng ngày 28/3, Việt Nam ghi nhận 169 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 8 người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai.
Ngày 28/3, Bệnh viện Bạch Mai vừa phát đi thông báo khẩn. Theo đó, bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm hơn 5.000 nhân viên y tế, bệnh nhân và người lao động trong bệnh viện sau khi có những ca nhiễm COVID-19.
Kết quả sơ bộ ban đầu, có 2 nhân viên đưa nước sôi của công ty TNHH Trường Sinh dương tính với COVID-19. Đây là Công ty chịu trách nhiệm cung cấp xuất ăn và nước sôi cho bệnh viện.
Ngay lập tức Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành phong toả khu vực nhà ăn. Hai nhân viên của Công ty Trường Sinh có kết quả dương tính với COVID-19 đã được đưa đi cách ly theo quy định.
Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội diễn ra chiều ngày 27/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, đã có ổ dịch tại cộng đồng liên quan đến bệnh viện Bạch Mai. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, trung tâm đã rà soát và yêu cầu xấp xỉ gần 1.500 người ra viện từ 10 đến 25/3 thực hiện tự cách ly tại nhà để phòng dịch.
Bên cạnh đó, trong 10 ngày qua có 14.000 người khám ngoại trú ở bệnh viện Bạch Mai. CDC Hà Nội đã khuyến cáo các trường hợp này cần tự thực hiện cách ly ở nhà, có dấu hiệu ho sốt phải báo ngay cho cơ quan y tế.
Trước sự việc này, Giám đốc Trung tâm kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, Nguyễn Nhật Cảm thông tin hiện có 3 ổ dịch tại công đồng liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đã phối hợp với bệnh viện khoanh vùng xử lý. Về trường hợp ca bệnh số 133 ở Lai Châu, ông Cảm cho biết ngay khi có triệu chứng, CDC Lai Châu đã chủ động, phản ứng rất nhanh về mặt dịch tễ, lập tức lấy mẫu gửi về Trung ương và xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Giám đốc Trung tâm kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đánh giá nguy cơ ở bệnh viện Bạch Mai là rất cao vì nội tại có nhiều bệnh nhân nặng, nếu xảy ra dịch tại đây tỷ lệ tử vong sẽ cao, nguy cơ lây lan ra cộng đồng cũng lớn. Do đó, ông Cảm đề xuất dừng, không nhận bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai.
Với bệnh nhân đang điều trị ở đó không nên chuyển đến bệnh biện khác mà tiếp tục điều trị, chỉ cho ra viện khi đã xét nghiệm âm tính. Sau đó, báo cho địa phương để giám sát 14 ngày sau khi ra viện.