Sáng 20/9, rất đông người tập trung về ga Yên Nghĩa (Hà Đông) để chứng kiến các đoàn tàu chạy vận hành thử dọc tuyến Hà Đông - Cát Linh. Đúng 6h30, đoàn tàu đầu tiên được lệnh xuất phát từ ga Yên Nghĩa chở theo đoàn kiểm tra của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án Đường sắt, tổng thầu Trung Quốc và đông đảo các phóng viên báo đài đến đưa tin về sự kiện này…
Sau khi đoàn tàu số 1 xuất phát từ ga Yên Nghĩa đến đường vành đai 3 (Nguyễn Trãi), đoàn tàu tiếp theo cũng được lệnh chạy tiếp.
Ông Vũ Hồng Phương, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, theo lịch trình, 5 đoàn tàu sẽ chạy cách nhau 10 phút. Các đoàn tàu nối tiếp nhau theo thứ tự, sau khi tàu đến ga Cát Linh sẽ tiến hành đảo chiều thông qua ghi lồng để chạy ngược trở lại ga Yên Nghĩa. Tốc độ tàu chạy 65km/h, trung bình 32 km/h.
5 đoàn tàu sẽ được chạy vận hành trong 2 tiếng, sau đó sẽ dừng lại để tổng thầu tiếp tục hoàn thiện các khâu cuối cùng trước khi được Bộ GTVT nghiệm thu, tiếp nhận để bàn giao cho TP Hà Nội quản lý khai thác thương mại.
Theo dự kiến các tàu này sẽ chạy thử mà không có hành khách để kiểm tra kỹ thuật, tích hợp các tính năng trên toàn hệ thống. Trong những ngày vận hành thử đầu tiên sẽ lập 5 đoàn tàu chạy liên tục dọc trên chính tuyến ở cả hai chiều.
Theo thông tin từ ban quản lý, tại khu vực ga La Khê, Văn Khê, dự án đang tiến hành lắp đặt máy bán vé, kiểm soát vé tự động; còn tại depot, hiện có gần 250 kỹ sư, công nhân thực hiện công tác căn chỉnh động đoàn tàu, kiểm tra các tính năng kiểm soát đoàn tàu, giao diện giữa hệ thống tín hiệu và hệ thống toa tàu, thẩm tra các chỉ dẫn kỹ thuật thiết bị công nghệ.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài hơn 13km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Trên tuyến có 12 nhà ga trên cao và khu depot dưới mặt đất có đường ray đôi khổ 1.435mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến. Dự án cung cấp 10.000 thẻ vé điện tử có giá trị sử dụng một lần hoặc nhiều lần. Tổng công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội đã đề xuất phương án giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông lên UBND TP Hà Nội, sau khi được phê duyệt sẽ có giá vé chính thức.
Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị khai thác, vận hành), hơn 650 người thuộc các bộ phận chức năng tham gia vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông cần qua đào tạo đã hoàn thành đào tạo tại Trung Quốc và đào tạo lý thuyết tại Việt Nam. Công tác đào tạo thực hành sẽ được tiếp tục hoàn tất trong giai đoạn vận hành thử để đảm bảo hoạt động tuyến đường sắt này ngay khi dự án chính thức được đưa vào khai thác vận tải.
Theo Ban Quản lý dự án Đường sắt, trong thời gian vừa qua, các đơn vị tham gia thực hiện Dự án đã tích cực triển khai thi công, đẩy nhanh tiến độ. Trong tháng 7/2018, công tác cấp điện cho Dự án và xông điện cho toàn hệ thống đã hoàn thành. Từ tháng 8/2018, Tổng thầu đã tiến hành kiểm tra và thử đơn động cho từng chuyên ngành thiết bị như kiểm tra hệ thống cấp điện, chạy thử từng đoàn tàu, kiểm tra hệ thống thông tin, tín hiệu… Đến nay, công tác thử đơn động cho từng chuyên ngành thiết bị đã cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào vận hành thử liên động toàn hệ thống.
Vận hành thử liên động là hoạt động kiểm tra, chạy thử, căn chỉnh liên hoàn giữa các hệ thống thiết bị chuyên ngành như thông tin, tín hiệu, AFC, cung cấp điện… Việc vận hành thử liên động sẽ được thực hiện thử theo từng bước, từng nội dung, từng cấp độ theo yêu cầu thiết kế và kế hoạch vận hành thử. Hoạt động này nhằm xác định toàn bộ công trình đã đạt được các thông số kỹ thuật theo thiết kế đảm bảo hoạt động ổn định, tin cậy cũng như các điều kiện liên quan trước khi nghiệm thu toàn bộ công trình.
Thời gian vận hành thử liên động từ 3 đến 6 tháng (bắt đầu từ 20/9/2018) với mục tiêu Dự án đủ điều kiện để đưa vào vận hành thương mại trước tết Âm lịch.