Liệu Vũ - Thảo có tái hợp?
Ở phiên tòa chiều 25/2, tại phiên tòa xét xử vụ ly hôn của ông chủ Trung Nguyên, chia sẻ với báo chí, cả ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đều mong muốn sẽ quay lại nếu đối phương đáp ứng được yêu cầu.
Sau khi được đặt câu hỏi: “Nếu có cơ hội nào đó cho việc giải hòa cho mối quan hệ của hai người, ông có sẵn sàng cho việc hòa giải không?”, ông Vũ bày tỏ quan điểm: “Qua có mong muốn gì hơn điều đó đâu, khi người chồng đã nói vậy với người vợ mà không được thì còn gì để nói nữa. Qua dùng từ là phải sám hối, phải tu tập. Qua không muốn nói nhưng phải nói. Bởi gốc rễ việc đó phải có thời gian”.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng được đặt câu hỏi tương tự: “Ông Vũ nói nếu bà sám hối thì ông sẽ quay trở lại, vậy bà nghĩ sao về việc này?”. Bà Thảo nếu ý kiến: “Thời gian này ông ấy không bình thường, nên những ý kiến này tôi không chắc. Còn vấn đề quay lại sau này tôi cũng không biết được, chỉ tương lai mới biết, chúng tôi còn con cái mà”.
Như vậy, theo lời ông Vũ và bà Thảo, cả hai đều mong muốn quay lại với nhau nếu đối phương đáp ứng được yêu cầu. Về phía ông Vũ sẽ chấp nhận quay lại nếu bà Thảo tu tập, sám hối và ngược lại, về phía bà Thảo cũng không hòa toàn muốn sẽ cắt đứt mà vẫn muốn quay lại vì con cái.
Bà Thảo có phải là người vợ, người mẹ xấu khi không chấp nhận trở về nội trợ, chăm sóc gia đình không?
Trong phiên tòa trước, chủ tọa đã liên tục đặt nhiều câu hỏi, đưa ra những gợi ý về việc bà Thảo lui về giữ vai trò là người vợ, người mẹ và rút khỏi Trung Nguyên, để ông Vũ toàn quyền điều hành tập đoàn.
“Tôi động viên ông bà xem lại một lần. Thôi thì bà rút đơn lại, giao công ty cho ông Vũ quản lí, không tham gia nữa để chồng phục vụ chí hướng… Tài sản vẫn là của chung vợ chồng. Rút đơn rồi lại toàn bộ tài sản cho ông Vũ có được không?”, vị chủ tọa khuyên.
Chính thái độ của chủ tọa cũng có phần tác động đến tâm lý và suy nghĩ của bà Thảo, dẫn đến quyết định rút đơn ly hôn ngay tại tòa. Tuy nhiên, rất tiếc sau đó việc hòa giải này đã không thành.
Tuy nhiên, trước gợi ý này của chủ tọa, người bảo vệ quyền lợi cho bà Thảo, luật sư Trương Trọng Nghĩa trình bày mấy năm qua nguyên đơn bị vô hiệu hóa, không được động vào hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên. Bà liên tục phải đối mặt với nhiều vụ kiện mà chính ông Vũ chỉ đạo tập đoàn đứng ra kiện “trong khi nuôi 4 đứa con, bà Thảo rất vất vả đi hầu tòa”.
Việc đề nghị được chia 51% cổ phần của Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên, luật sư cho rằng điều này hoàn toàn phù hợp với luật. Với tỷ lệ này thì Trung Nguyên không thể vô hiệu hóa bà Thảo, với tư cách đồng chủ sở hữu thì sẽ có quyền đưa ra phương thức phát triển cho Trung Nguyên.
Luật sư Nghĩa nêu quan điểm người không có tiền thì có thể góp công sức. Trong khi có chứng cứ chứng minh bà Thảo có chuyển tiền góp vốn khi ông Vũ thất bại.
“Chính vì vậy, tôi rất ngạc nhiên khi vị chủ tọa gợi ý bà Thảo xin lỗi gia đình đi, giao toàn bộ cổ phần đi,…Ông Vũ bảo bà Thảo phải sám hối”, luật sư Nghĩa nhấn mạnh và cho rằng lời khuyên này trái với luật pháp Việt Nam về hôn nhân gia đình.
“Tại sao lại kêu gọi một doanh nhân, một người mẹ, một nạn nhân bị đối xử cấm không cho vào công ty mấy năm nay là sám hối đi, đi về nấu cơm nấu nước chăm lo cho chồng? Lời khuyên không phù hợp. Ở đây có những người là phụ nữ, thử hỏi lời khuyên này có hợp với pháp lý và đạo lý hay không?”, luật sư bảo vệ cho bà Thảo gay gắt, theo ghi nhận của Zing.vn.
Luật sư Nghĩa cho rằng, tài sản hình thành sau hôn nhân là tài sản chung của hai vợ chồng. Khi người vợ ở nhà nội trợ cho người chồng kinh doanh thì tài sản đó sẽ chia đôi.
Vị luật sư này cũng cho rằng, bà Thảo lấy tiền riêng thành lập công ty, bà Thảo vốn là doanh nhân, nên việc bà không trở về làm người nội trợ trong nhà được xã hội bảo hộ, khuyến khích, ca ngợi. “Bà Thảo không về trở về làm người nội trợ trong khi vẫn hoàn thành thiên chức lo 4 đứa con. Điều này có xấu không?”, vị luật sư đặt câu hỏi.
“Tại sao lại kêu gọi một doanh nhân, một người mẹ, một người bị cấm không cho vào công ty mấy năm nay đi về nấu cơm nấu nước, chăm lo cho chồng? Lời khuyên này không phù hợp”, vị luật sư khẳng định.
Khoản tài sản khổng lồ sẽ được phân chia như thế nào?
Tài sản tranh chấp giữa vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên là 26 bất động sản nhưng cả hai thống nhất tranh chấp 13 BĐS đủ điều kiện pháp lý để tòa xử. Hiện ông Vũ đang nắm giữ 6 bất động sản trị giá khoảng 350 tỷ đồng, bà Thảo đang nắm giữ 7 bất động sản trị giá khoảng 375 tỷ đồng. Về tiền mặt, ngoại tệ, vàng trong các ngân hàng tương đương hơn 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, tài sản còn có cổ phần, phần vốn góp của vợ chồng trong 7 công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên gồm: Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment), Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty CP Cà phê Trung Nguyên, Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên, Công ty CP Trung Nguyên Franchise, Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê, Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông.
Tất cả cổ phần, dự án bất động sản, nhà máy của doanh nghiệp dựa trên kết quả thẩm định của công ty thẩm định tài sản do tòa trưng cầu có trị giá 5.654 tỷ đồng. Như vậy, tài sản tranh chấp của 2 vợ chồng lãnh đạo Trung Nguyên có tổng trị giá gần 8.400 tỷ đồng.
Phát biểu tại phiên tòa khi nói về việc phân chia tài sản, ông Vũ cho hay sẽ phân chia 7 công ty con và 13 bất động sản gây dựng được trong giai đoạn hôn nhân. Tài sản tại tập đoàn Trung Nguyên dưới dạng cổ phần chung của 2 vợ chồng sẽ chia cho bà Thảo theo tỷ lệ 7-3.
Với số tài sản này, luật sư của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đề xuất chia đôi số bất động sản chung (725 tỷ đồng). Phần còn lại trị giá 7.654 tỷ đồng được đề xuất chia tỷ lệ 7-3, trong đó ông Vũ nhận 70% và bà Thảo cùng các con nhận 30%.
Tại tòa, bà Thảo đề nghị chia cổ phần trong 7 công ty thuộc tập đoàn. Cụ thể, tại Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, bà được hưởng 51% cổ phần (tương đương 2.114 tỷ đồng), ông Vũ 39%, còn lại là của mẹ và chị gái ông Vũ. Ở một số công ty khác, bà Thảo yêu cầu chia đôi. Khi đó, ông Vũ sẽ nắm 15% cổ phần tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (khoảng 814 tỷ đồng/người) và 7,5% cổ phần tại Công ty Cổ phần Hòa tan Trung Nguyên - G7 (43 tỷ đồng/người)…
Về bất động sản, bà thống nhất phương án chia đôi nhưng đề nghị HĐXX tuyên bà cùng các con được sở hữu căn nhà trên đường Tú Xương (quận 3) bởi đây là nơi gắn liền cuộc sống của mẹ con bà. Đối với tiền, vàng, ngoại tệ tại các ngân hàng trị giá khoảng 2.102 tỷ đồng bà không đồng ý đưa vào giải quyết trong vụ án này nên không nêu quan điểm.
Ai mới là “linh hồn” của Trung Nguyên?
Tại phiên tòa ly hôn ngày 20/2, trong những tranh luận về việc ai là người có công, có sức trong việc gây dựng Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp, xây dựng doanh nghiệp này từ những ngày đầu.
Trang National Geographic Traveller cho biết Trung Nguyên được gây dựng năm 1996, không lâu sau thương hiệu này vượt ra khỏi ranh giới Đắk Lắk. Năm 1998, cuộc đổ bộ rầm rộ, với sức công phá mạnh giúp cà phê Trung Nguyên phủ khắp các ngõ ngách của Sài Gòn, tới từng dân nghiền cà phê.
Ông Vũ cũng trải lòng về những ngày đầu khởi nghiệp khó khăn, phải vay mượn từng gói cà phê của các đại lý. Giấy phép đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 15/8/1996 mang tên ông Đặng Lê Nguyên Vũ. 4 năm sau thay đổi giấy phép kinh doanh, thành viên ban quản trị công ty còn có ông Đặng Mơ (cha ông Vũ). Lúc này vốn điều lệ tăng lên 3 tỷ. Năm 2002, khi thay đổi đăng ký kinh doanh lần 5, ngoài việc tăng vốn điều lệ lên 14,4 tỷ đồng còn thành lập thêm chi nhánh và công ty vẫn chỉ có hai thành viên là cha con ông Vũ.
Hai năm sau khi thành lập Trung Nguyên ông Vũ mới kết hôn với và Thảo (1998). Đến tháng 4/2006, bà Thảo mới tham gia là cổ đông. Ông không phủ nhận công lao của vợ, song ông nhiều lần lớn tiếng khẳng định mình mới là “linh hồn” của Trung Nguyên khi nghe luật sư của bà Thảo nói “công sức của vợ còn cao hơn cả chồng”.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa về việc vì sao trong hành trình đưa Trung Nguyên thành thương hiệu toàn cầu lại không có bóng dáng người vợ, ông Vũ cho rằng sống với nhau lâu nên đã hiểu tâm tính. “Không ai muốn loại cô ra khỏi Trung Nguyên này. Nhưng có điều, chồng phải ra chồng, vợ phải ra vợ, trên phải ra trên, dưới phải ra dưới. Phải có trật tự”, ông Vũ nói.
Phía bà Thảo cũng có những đáp trả gay gắt về vấn đề này, theo đó, những ngày bà cùng chồng phát triển công ty, phải làm việc từ sáng đến đêm ngay cả khi mới sinh con.
Bà Thảo từng chia sẻ ngay tại tòa:
“20 năm âm thầm đứng sau chồng, những đồng vốn đầu tiên của Trung Nguyên là từ vợ. Giấy tờ góp vốn tại ngân hàng, thậm chí cả tiền riêng của tôi đóng góp thay cho gia đình bên nội, vẫn còn đầy đủ.
Khi không chứng minh được nguồn vốn xuất phát điểm của Trung Nguyên từ đâu, anh lớn tiếng lăng mạ tôi trước tòa, rồi chuyển ngay sang chủ đề kế sách phát triển Trung Nguyên, linh hồn của Trung Nguyên, tâm - trí làm người, tiền - quyền để làm gì…
5 năm anh lên núi thiền, các con không được gặp Ba và chẳng được một đồng cấp dưỡng. Giờ các con khẩn khoản xin Ba chút cổ phẩn để kế thừa sản nghiệp của gia đình, tránh cho gia sản của Ba Mẹ bị rơi vào tay những người khác, nhưng mọi đề nghị anh từ chối hết. 70% Trung Nguyên cho anh và 30% cho 5 mẹ con. Vậy tôi còn nên tin vào những điều thiện lành anh vẫn rao giảng?
Lâu nay, tôi gánh tai tiếng tranh giành tài sản với anh. Miệng lưỡi thế gian rồi truyền thông bủa vây tôi. May sao các con ngoan và đủ nhận thức được mọi việc.
Tôi đã kiên nhẫn, thậm chí sinh thêm con gái Út để níu kéo, để gìn giữ gia đình.
Lỗi tại tôi. Tôi đã trao gửi sự tin tưởng vào anh quá lâu mà không nhìn thẳng vào sự thật.
Mẹ xin lỗi các con vì đã không bảo vệ được gia đình ta”.