Năm nào câu chuyện thi cử của các sĩ tử cuối cấp 3 cũng là vấn đề nóng bỏng của xã hội, không chỉ gây “đau đầu, hại não” cho các em học sinh, mà ngay cả các đấng sinh thành cũng ăn không ngon, ngủ không yên bởi biết bao nhiêu vấn đề nảy sinh theo sự kiện này.
Những năm trước, chuyện thi cử có muôn ngàn khó khăn. Đặc biệt khi Bộ giáo dục vẫn chia thi Tốt nghiệp PTTH và thi Đại học thành 2 kỳ khác nhau. Riêng thi Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp thì các thí sinh phải tập trung về các trường mà mình đăng ký, để tham gia dự thi. Điều này đã gây ra biết bao nhiêu phiền toái, tốn kém biết bao tiền của và công sức, thậm chí cả tính mạng của phụ huynh và học sinh khi không may gặp tai nạn giao thông trên đường đi thi.
Cứ mỗi mùa thi, các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng,… lại tăng dân số bất thường vì lượng phụ huynh và thí sinh đổ về vô cùng lớn. Biết bao nhiêu câu chuyện nảy sinh theo sự kiện này, mà trong đó, đa phần là những vấn đề tiêu cực như giao thông bị ảnh hưởng, nhà trọ “cung” không đủ “cầu” và hàng tỉ những thứ lặt vặt khác. Hàng triệu con người phải tham gia vào guồng quay của các sĩ tử trong suốt những ngày thi cử, thực sự tốn kém và mệt mỏi.
Năm nay mọi thứ đã có nhiều thay đổi. Bộ GD&ĐT đã triển khai việc tổ chức thi tại các địa phương, tất nhiên chia cụm thi tốt nghiêp riêng và thi đại học riêng, và khối thi đại học sẽ có giáo viên các trường đại học về coi thi. Điều này thực sự rất thuận lợi cho các sĩ tử, vừa tiết kiệm được tiền bạc lại đỡ tốn công sức của học sinh và phụ huynh.
Đấy là chuyện thi. Còn chuyện học cũng vất vả không kém. Có nhiều học sinh thi vào trường này, trường khác là do bố mẹ định hướng, hoặc do trào lưu bạn bè, hoặc theo khối học mà không được tự chọn trường mình yêu thích và thực sự có khả năng. Vì thế, khi vào đại học, các sinh viên này đi học như đi chơi, hoặc có chịu khó học thì cũng chỉ là trách nhiệm chứ không phải do đam mê. Điều này thực sự tai hại bởi các em không được đào tạo ngành nghề đúng với khả năng và niềm đam mê của mình, dẫn đến “học vẹt” hoặc hoàn toàn thụ động nên chất lượng học tập không cao. Đây là nguyên nhân khiến nhiều sinh viên ra trường cầm tấm bằng đỏ nhưng lại không biết gì về thực tế công việc, thiếu hầu hết các kỹ năng làm nghề dù được đào tạo chính quy.
Nhưng chuyện thi đầu vào và quá trình học tập trong trường không quan trọng bằng “đầu ra”. Thống kê cho thấy mỗi năm có xấp xỉ 15 ngàn cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường. Nguyên nhân thì nhiều, trong đó, chủ yếu là “cầu” nhiều hơn “cung”. Bởi việc thi đỗ đại học bây giờ không quá khó, nhất là các trường đại học dân lập mọc nhan nhản như nấm sau mưa. Thậm chí nhiều trường còn “vơ bèo, vạt tép” mới đủ chỉ tiêu. Vì thế, bản thân “đầu vào” đã không đảm bảo chất lượng thì đương nhiên, “đầu ra” èo uột cũng là chuyện rất dễ hiểu.
Bên cạnh đó, việc “thừa thày thiếu thợ” ở thị trường lao động Việt Nam là điều diễn ra nhiều năm nay. Nguyên nhân là do học sinh tốt nghiệp phổ thông đua nhau vào các trường đại học, trong khi các trường dạy nghề lại “vắng tanh như chùa bà Đanh”. Giải thích về việc này, có lẽ là do tâm lý phụ huynh lâu nay luôn nghĩ rằng, con đường duy nhất dẫn đến thành công, đó chính là học đại học. Không chỉ các bậc sinh thành, ngay cả nhiều em học sinh cũng có suy nghĩ như vậy.
Tuy nhiên, năm nay rất nhiều học sinh cũng như các bậc phụ huynh đã thay đổi tư duy, phá bỏ được quan niệm “đại học là con đường duy nhất”. Thế nên, nhiều em đã xác định không thi đại học mà đăng ký học nghề, hoặc xin vào các khu công nghiệp để làm công nhân. Đây là những suy nghĩ rất thực tế và nó thực sự hữu ích đối với những học sinh có lực học trung bình khá trở xuống, hoặc gia đình không có điều kiện. Hay đơn giản, là những chàng trai, cô gái muốn dấn thân vào đời để rèn luyện bằng chính những trải nghiệm trong đời sống thông qua việc buôn bán, kinh doanh.
Vì thế, con số hơn 30% học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học nói “không” với thi đại học thực sự là một tín hiệu đáng mừng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.