Phim Ảnh

Thất bại trước 'đàn em', những dự án phim Tết có ý nghĩa thế nào với Thành Long và Châu Tinh Trì?

Phương Thảo
Chia sẻ

Qua hai dự án dịp Tết Nguyên đán 2019, Thành Long mong muốn được khán giả nhớ đến bất kể 100 năm về sau, còn ông vua không ngai Châu Tinh Trì tham vọng làm thay đổi suy nghĩ của người xem về hai chữ “hết thời”, bằng cách thử thách tên tuổi và siêu phẩm Vua Hài Kịch của chính mình 20 năm về trước.

Cuộc đua phim Tết của màn ảnh rộng Hoa Ngữ đã kết thúc với sự đại bại của cả Thành Long lẫn “vua hài kịch” Châu Tinh Trì. Bộ phim của ngôi sao võ thuật Thành Long thu về con số 20 triệu USD sau 1 tuần công chiếu, trong khi Tân Vua Hài Kịch đạt được doanh thu 78 triệu trong vòng 3 ngày, dù được đặt mục tiêu lên đến 300 triệu USD. Đối với cả hai, đây đều là những tác phẩm “then chốt”, tạo bước ngoặt mới trong sự nghiệp.

Ngôi sao võ thuật Thành Long và tham vọng trở thành Lý Tiểu Long

Nghệ danh Thành Long được đạo diễn La Duy đặt cho đã thể hiện kỳ vọng rằng nam diễn viên sinh năm 1954 này sẽ tiếp nối huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long. Bước vào con đường diễn xuất kể từ thập niên 1970 cho đến nay, Thành Long từng bước xây dựng tên tuổi với hơn 200 bộ phim điện ảnh và trở thành biểu tượng văn hóa châu Á, được ghi danh tại Đại lộ Ngôi sao Hồng Kông và Đại lộ Danh vọng Hollywood. Năm 2016, Thành Long vinh dự nhận giải thưởng Oscar danh giá, đặt dấu mốc nghệ sĩ Trung Hoa duy nhất cho đến nay nhận giải Thành tựu trọn đời của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ này.

Trong phim của Thành Long, khán giả ấn tượng với những màn võ thuật lộn nhào được phối hợp động tác uyển chuyển, khéo léo, cùng với việc tận dụng vũ khí ứng biến tạo nên nhiều pha hành động sáng tạo, nguy hiểm. Song song với các màn đánh đấm quyết liệt, Thành Long cũng đan xen tiếng cười dí dỏm, duyên dáng. Đặc biệt, tác phẩm của ngôi sao võ thuật Trung Quốc được đầu tư chỉn chu và dụng công không thua kém bom tấn Hollywood về kinh phí, kỹ xảo và yếu tố hành động.

Tái xuất màn ảnh rộng vào dịp Tết Kỷ Hợi 2019, Thành Long hóa thân thành thám tử diệt quỷ Bồ Tùng Linh, cùng với sự hỗ trợ của một nhóm yêu quái thân thiện trên hành trình thu phục yêu quái. Câu chuyện bắt đầu bằng vụ án mất tích bí ẩn của hàng loạt thiếu nữ tại ngôi nhà nhỏ. Để phá án, Bồ Tùng Linh phải giả dạng thành thầy bán sách để che giấu thân phận thật.

Nàng thơ trong “Đại Chiến Âm Dương”.

Xây dựng dựa trên tác phẩm Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh, tập hợp những kỳ án quái dị trong dân gian, phim của Thành Long gây ấn tượng bởi bối cảnh huyền bí và không khí kỳ ảo xuyên suốt bộ phim, thể hiện qua những hình ảnh trau chuốt, tạo hình quái vật độc đáo, cầu kỳ. Trong lần tái xuất này, nhân vật của nam diễn viên 64 tuổi sẽ biến hóa với 3 tính cách khác nhau. Theo Thành Long, ông tham gia Đại Chiến Âm Dương cùng sự quyết tâm lớn nhất và tham vọng được giống như Lý Tiểu Long: “Dù 100 năm sau vẫn được nhớ đến”.

“Vua làng hài” Trung Quốc tái xuất cùng “Vua Hài Kịch 2”

Cùng là tên tuổi hành động, hài nổi tiếng hàng đầu châu Á, song Vua làng hài có nhiều điểm trái ngược với ngôi sao võ thuật Thành Long. Trong khi Thành Long vẫn miệt mài đóng chính ở tuổi 64, Châu Tinh Trì đã lựa chọn từ bỏ diễn xuất, chuyên tâm vào viết kịch bản và làm đạo diễn phim kể từ sau CJ7 (2008). Khác với những tác phẩm hành động có kĩ xảo mãn nhãn, cầu kỳ của ngôi sao The Karate Kid, phim hài Châu Tinh Trì bình dị và đời thường hơn, anh thường hướng ống kính đến những số phận bé nhỏ, thấp hèn, bộ phim Tân Vua Hài Kịch cũng không ngoại lệ.

Là tên tuổi hiếm hoi được phong vua trong giới showbiz Hoa ngữ, danh xưng vua không ngai của Châu Tinh Trì còn không chỉ có một, từ “vua điện ảnh”, “vua làng hài” đến “ông vua phòng vé”. Những bộ phim được liệt vào hàng kinh điển của Châu Tinh Trì như Tân lộc đỉnh ký, Đại thoại Tây Du, Quốc sản 007, Tuyệt đỉnh Kung Fu đến nay vẫn được người hâm mộ xem đi xem lại. Kể từ năm 2008, “vua hài kịch” dừng diễn xuất, chuyển hẳn sang làm biên kịch, đạo diễn. Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyệnMỹ nhân ngư tiếp tục gặt hái thành công phòng vé, được khán giả đại chúng đón nhận nồng nhiệt.

Cùng là phim hành động, hài, nhưng tiếng cười gắn mác Châu Tinh Trì không giống Thành Long. Nói về phim của mình, “vua hài kịch” họ Châu khẳng định: “Phim của tôi đâu phải hài kịch, đó đều là bi kịch”. Người xem bật cười vì những tình huống trái khuấy trong phim, vì những số phận nhỏ bé khốn khổ, nhưng vẫn thản nhiên đến tức cười để đương đầu với cuộc đời. Đó là anh chàng diễn viên quần chúng Doãn Thiên Sâu (Vua Hài Kịch) làm đủ mọi cách để được đóng phim và mang về phần cơm hộp, vũ nữ Liễu Phiêu Phiêu học cách diễn xuất để trở thành tình đầu của khách; hay cựu cầu thủ gãy chân, hết thời nhưng vẫn ước mơ trở thành huấn luận viên trưởng (Đội Bóng Thiếu Lâm).

Viết kịch bản phim, Châu Tinh Trì thường lấy tư liệu từ chính đời mình, nhiều câu thoại lặp đi lặp lại trong phim được bê nguyên từ lời người đời chửi anh khi vua hài đang là diễn viên quần chúng, đóng vai không có lấy một lời thoại. Trở lại với Tân Vua Hài Kịch, Châu Tinh Trì không những giữ nguyên tinh thần “đỉnh cao của bi kịch là hài kịch”, mà còn làm mới tận cùng nhân vật. Thay thế diễn viên Doãn Thiên Sầu là cô nàng Như Mộng (Ngạc Bác), cô gái không có lợi thế về ngoại hình, bị gia đình phản đối gay gắt, bị đồng nghiệp coi khinh nhưng vẫn nhất quyết ôm mộng trở thành ngôi sao diễn xuất. Ở Tân Vua Hài Kịch, “vua hài” quyết tâm thay máu dàn diễn viên, sửa lại những điều còn tiếc nuối và nhấn mạnh hơn triết lý muốn truyền tải.

Qua hai dự án dịp Tết Nguyên đán 2019, Thành Long mong muốn được khán giả nhớ đến bất kể 100 năm về sau, còn ông vua không ngai Châu Tinh Trì tham vọng làm thay đổi suy nghĩ của người xem về hai chữ “hết thời”, bằng cách thử thách tên tuổi và siêu phẩm Vua Hài Kịch của chính mình 20 năm về trước. Song, cả hai đều thất bại trước những “cái mới”, mang hơi thở mới, cùng với tham vọng lớn hơn như Lưu lạc địa cầu, Crazy Alien, Pegasus, buộc hai gương mặt kỳ cựu phải có sự thay đổi lớn hơn, phù hợp hơn với thị hiếu khán giả ngày nay.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Thảo

Tin mới nhất