Phim Ảnh

Thất bại phòng vé của 'Mùa viết tình ca' và 'YOLO', cơ hội nào cho phim âm nhạc của Việt Nam?

Phương Thảo
Chia sẻ

Những dự án phim điện ảnh âm nhạc trong nước mới đây với sự tham gia của các nam ca sĩ có sức hút bậc nhất như "Mùa viết tình ca" - Isaac hay "YOLO" - Soobin Hoàng Sơn đều thảm bại trên sân nhà. Đây chắc chắn là điều khiến các nhà làm phim phải đặt ra câu hỏi vì sao.

Phim âm nhạc từ lâu đã không còn xa lạ đối với khán giả Việt, chiến thắng của La La Land tại phòng vé Việt Nam hay “cơn sốt” High School Musical - Camp Rock của giới trẻ Việt trước đây là minh chứng điển hình. Song, những dự án phim điện ảnh âm nhạc trong nước mới đây với sự tham gia của các nam ca sĩ có sức hút bậc nhất như Mùa viết tình ca - Isaac hay YOLO - Soobin Hoàng Sơn đều thảm bại trên sân nhà. Đây chắc chắn là điều khiến các nhà làm phim phải đặt ra câu hỏi vì sao.

Khán giả chưa có niềm tin với phim âm nhạc Việt Nam

Nhìn vào top 5 những bộ phim Việt ăn khách nhất, dễ thấy, các tác phẩm đa phần thuộc thể loại tình cảm, hài hước, dễ làm, dễ xem nhưng không dễ nhớ lâu. Trái lại, ở thể loại phim kinh dị, phim hành động và đặc biệt là phim âm nhạc, khán giả yêu điện ảnh vẫn còn nhiều hoài nghi đối với các dự án phim trong nước. Đó là lý do người xem sẵn sàng ra rạp với La La Land, Mamma Mia! nhưng lại từ chối trước những tác phẩm trong nước, bất kể sức hút của các chàng thơ hàng đầu như Isaac, Soobin Hoàng Sơn.

Trailer “YOLO”.

Không những thế, các bài hát nhạc phim trong phim âm nhạc đều có thể trở thành sức hút lớn lôi kéo người xem ra rạp. Còn nhớ hồi tháng 10 năm 2018, A Star Is Born khiến khán giả “bùng nổ” bởi loạt nhạc phim chất lượng đến từng giai điệu. Từ Shallow, I'll Never Love Again tới Always Remember Us This Way, không ít người hâm mộ cho rằng, người xem có thể ra rạp chỉ để nghe nhạc mà chẳng cần chú ý đến nội dung cũng đã “đáng tiền”.

Trailer “A Star Is Born”.

Trong khi đó, dù Mùa viết tình ca và YOLO đều là cơ hội tốt để phô diễn hoàn toàn thế mạnh của Isaac và Soobin Hoàng Sơn: ngoại hình điển trai, khả năng ca hát và lối diễn xuất chân thật, song, hai chàng thơ của màn ảnh Việt Nam không thể tạo nên cú hit nào từ các bản nhạc phim. Ca khúc Tình bạn quê được “hoàng tử underground” tin tưởng sẽ “tạo hit” đầu năm 2019 cũng không được người xem chú ý, đây là một trong những điều tiếc nuối của cả hai dự án phim này.

Nhạc phim “Tình bạn quê”.

“Mùa viết tình ca” và “YOLO”: Thể loại phim âm nhạc vừa nhàm chán, vừa thiếu gần gũi

Mùa viết tình ca là hành trình lấy lại danh tiếng của nhạc sĩ Bảo Trung (Isaac) sau scandal đạo nhạc, cũng là quá trình thay đổi suy nghĩ sâu thẳm bên trong anh khi tìm về miền biển vắng và tìm thấy cảm hứng, tình yêu, nàng thơ đích thực của mình. Chỉ khi có những cảm nhận chân thật về tình yêu, âm nhạc của anh mới thực sự chạm đến trái tim khán giả, và không còn sáo rỗng như xưa.

Isaac trong “Mùa viết tình ca”.

Nhạc phim “Mùa viết tình ca”.

Trong khi đó, YOLO là chuỗi hành trình chàng công tử nhà giàu Đức (Soobin Hoàng Sơn) rời bỏ gia đình để lựa chọn theo đuổi đam mê âm nhạc, bất chấp mẹ mong muốn anh tiếp nối công việc kinh doanh của tập đoàn. Đồng hành cùng Đức là Hoàng (Cường Seven) và cô DJ xinh đẹp Trang (Minh Trang) tình cờ gặp trên chuyến đi hướng đến giấc mơ. Song, hành trình ấy không hề dễ dàng khi cả ba phải đối mặt với muôn vàn cám dỗ, bị đánh đập, bị bắt cóc, bị đuổi khỏi nhà trọ và bị ép phải uống thứ thuốc kỳ lạ…

Phim sử dụng chất liệu âm nhạc để kể về hành trình theo đuổi ước mơ, tìm lại cảm hứng âm nhạc đã không còn xa lạ đối với khán giả. Không ít ý kiến cho rằng, người xem trong nước đã quá nhàm chán với câu chuyện những người trẻ hết mình theo đuổi giấc mơ cầm ca bất chấp sự phản đối của gia đình và những góc tối khuất lấp bên trong showbiz. Bên cạnh đó, scandal đạo nhạc, mượn tình yêu để lấy cảm hứng sáng tác, người nổi tiếng hãm hại nhau… cũng là vấn đề không còn mới, khán giả cần những điều hơn thế ở một bộ phim được giới thiệu là “bóc trần showbiz”, “lột bộ mặt thật của người nổi tiếng”…

Bản OST “DUSTED”.

Không những thế, ở cả Mùa viết tình ca và YOLO, thế giới showbiz đều hiện lên hời hợt, thiếu chân thật. Scandal đạo nhạc của nhạc sĩ Bảo Trung được chấp nhận quá dễ dàng, khiến tâm lý nhân vật và mạch truyện diễn biến không hợp lý. Trong khi đó, đối với YOLO, thế giới underground cũng không được bóc trần tới cùng, người xem vẫn còn cái nhìn mông lung về xã hội đen tối núp sau cái bóng nghệ thuật, cũng như khó có thể đồng cảm với những người trẻ bất chấp theo đuổi thể loại nhạc này. Bên cạnh đó, việc nhân vật nhận sự giúp đỡ hết sức tình cờ từ “người quen của mẹ”, “bạn thân của bố” cũng làm hành trình theo đuổi ước mơ trở nên phi lý, khó lay động khán giả hơn.

Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven trong “YOLO”.

Sử dụng âm nhạc để kể câu chuyện về hành trình theo đuổi ước mơ là cách làm không mới, buộc phải có những thay đổi sáng tạo để lôi kéo người xem ra rạp. Đó có thể là một bộ phim mộng mơ đến tận cùng, đưa khán giả đắm mình vào những thước phim thơ cùng giai điệu bay bổng; đó cũng có thể là tác phẩm bóc trần hoàn toàn mặt tối showbiz một cách quyết liệt, mang đến cái nhìn chân thật và gần gũi. Song, cả hai dự án phim âm nhạc Việt thời gian gần đây đều làm nửa vời những điều ấy, vô tình làm lãng phí ý tưởng hay, hai chàng thơ hút khách và khả năng đóng phim, ca hát của họ.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Thảo

Tin mới nhất