Phim Ảnh

Phim chiến tranh 'Dunkirk' là thành công hay thất bại của đạo diễn 'Batman'?

Phúc Logic
Chia sẻ

Christopher Nolan dường như là một đạo diễn bất khả chiến bại cả ở doanh thu phòng vé lẫn trong những lời đánh giá của các nhà chuyên môn.

Sau những thành công vang dội của bộ 3 The Dark Knight, InceptionInterstellar; người hâm mộ khắp thế giới luôn chờ đón bất cứ tác phẩm nào tiếp theo của đạo diễn người Anh Christopher Nolan, mà trong năm nay là Dunkirk.

Dunkirk cũng là phim lấy đề tài chiến tranh đầu tiên của Nolan.

Dựa trên sự kiện có thật về một trong những cuộc tháo chạy đầu tiên của quân Đồng Minh trong Thế Chiến thứ 2 trước quân Phát Xít Đức, đây là lần đầu tiên Nolan thử sức ở thể loại phim chiến tranh. Nhưng không vì thế mà anh không cố gắng đưa những cá tính riêng của mình vào một trang sử thi quan trọng của nhân loại.

Christopher Nolan - Vị đạo diễn bị ám ảnh bởi “thời gian”

Một cách công bằng, Dunkirk chưa thể được đánh giá là một trong số những phim xuất sắc nhất của Christopher Nolan, nhưng là một phim thể hiện đúng đẳng cấp và là một sự trở lại thành công với những điều đã từng làm nên tên tuổi anh từ trước tới nay. Đó chính là những câu chuyện có sự khai thác “cận cảnh” vào tâm lý của các nhân vật trong phim, những mối quan hệ giữa người với người, và Dunkirk đã làm được điều này ở một mức độ nào đó.

Mặc dù câu chuyện thực sự của Dunkirk không quá tham vọng hay phức tạp, nhưng Nolan đã chọn một hướng tiếp cận có vô cùng liều lĩnh với chủ đề “thời gian”. Đây có vẻ như là một đề tài ưa thích của anh trong nhiều phim trước đây như Memento, Inception, và Interstellar; nhưng liệu đây có phải là một lựa chọn tốt cho một phim với đề tài như Dunkirk?

“Thời gian” tiếp tục là một khái niệm chi phối những thước phim của vị đạo diễn.

Phim có 3 mốc thời gian với 3 nhân vật chính khác nhau chạy song song, nhưng gặp nhau ngay tại thời điểm đoàn thuyền đánh cá của những ngư dân tình nguyện người Anh cập bến bờ biển Dunkirk để giải cứu quân đội của mình. Một tuần, một ngày, và một giờ là độ dài khác nhau của ba câu chuyện, nhưng chúng được kéo dãn và nén lại để những sự kiện trong phim gặp nhau ở những thời điểm quan trọng đồng điệu về hoàn cảnh giữa các nhân vật.

Không ai thực sự là nhân vật chính trong Dunkirk.

Khác với các tác phẩm kinh điển khác trong dòng phim chiến tranh, Nolan lựa chọn việc kể các tuyến chuyện với các mốc thời gian khác nhau này từ góc nhìn hết sức cá nhân và độc lập của từng nhân vật trong phim. Không có ai là anh hùng bất khả chiến bại với tài năng xuất chúng hay khả năng đặc biệt, tất cả đều chỉ là những con người rất đỗi bình thường trong số rất nhiều những hoàn cảnh tương tự nhau trong cơn hoảng loạn của cuộc chiến khốc liệt.

Một câu chuyện sở hữu quá nhiều góc nhìn phức tạp

Chưa hết, vị đạo diễn người Anh còn sử dụng thủ pháp giới hạn thông tin khi kể câu chuyện của họ: Tất cả những thông tin và hình ảnh mà khán giả được tiếp nhận và chứng kiến trong phim đều trực tiếp đến từ những trải nghiệm và giác quan của các nhân vật, không gì hơn. Điều này giúp cho câu chuyện có một sự gần gũi về mặt tâm lý vì khán giả được đặt vào chung một hoàn cảnh với tất cả những con người này, cùng trải nghiệm tất cả những bom đạn và mất mát đang diễn ra trong phim.

Cùng một sự kiện, nhưng được mục kích bởi những nhân vật khác nhau nên phim có được cái nhìn hết sức toàn cảnh về toàn bộ sự kiện, nhưng cũng có thể khiến cho trải nghiệm này trở nên phức tạp. Cụ thể hơn, chính vì chuyển cảnh quá nhiều từ mạch chuyện này sang mạch chuyện kia, đôi khi khán giả có thể cảm thấy lẫn lộn giữa các bối cảnh khác nhau. Người xem bị đưa liên tục từ nơi nọ sang nơi kia, thời điểm nọ sang thời điểm kia và các tình tiết trong phim trở nên rối rắm và thiếu sự rõ ràng. Gần như tất cả mọi cảnh phim trong Dunkirk được dựng để trở nên rộng lớn, hoành tráng, ấn tượng, nhưng không phải lúc nào cũng để lại một ấn tượng thực sự sâu sắc.

Chính sự lòng vòng trong mạch truyện lại khiến Dunkirk thành một bộ phim khó “cảm”.

Christopher Nolan + Hans Zimmers: Không còn là một “combo” hoàn hảo?

Ngoài ra, một lần nữa Hans Zimmer lại đóng vai trò then chốt chủ đạo trong thành công trong phim của Nolan bằng tài năng của mình với phần âm nhạc hết sức hiệu quả cho Dunkirk. Liên tục là những âm thanh dồn dập, réo rắt, từ cảnh phim này sang cảnh phim kia, âm nhạc của Dunkirk đưa khán giả đến ngưỡng của sự căng thẳng khi trải nghiệm những sự khốc liệt của cuộc chiến.

Song, thủ pháp âm thanh này cũng có hạn chế của nó. Khán giả không được nghỉ một phút nào trong tình trạng bị kéo căng như dây đàn không điểm dừng. Bên cạnh việc lẫn lộn giữa các mạch chuyện khác nhau, khán giả còn phải chịu đựng những âm thanh đinh tai nhức óc không ngừng nện vào bộ não của mình cho đến những giây phút cuối cùng. Thiếu những điểm “nghỉ” cần thiết trong phim, Dunkirk trở nên quá nặng nề và mệt mỏi trong khi không đủ chiều sâu cảm xúc dành cho các nhân vật.

Đâu rồi công lao của những người lính Đồng Minh khác?

Vẫn như mọi khi, Nolan lại tiếp tục cho khán giả trải nghiệm rất nhiều sự bất ngờ trong câu chuyện của mình, và phần lớn chúng đều đều đến rất tự nhiên và thuyết phục vì khán giả thực sự có được sự lo lắng rất thật cho từng nhân vật. Nhưng cũng có lúc những điều bất ngờ này trở nên phản tác dụng và khiến cho giá trị và ý nghĩa của phim bị giảm đi phần nào.

Phim có phần quá thiên vị quân đội Anh.

Một điều khác khiến cho phim mất điểm có lẽ chính là khá thiên vị khi tập trung nhiều vào người Anh trong cuộc chiến này mà bỏ qua tầm quan trọng của những hi sinh mà người Pháp đã mang lại cho thành công của cuộc di tản. Hình ảnh các chiến sĩ đồng minh người Pháp trong phim không được khắc họa đủ rõ nét, thậm chí đôi khi còn gây ra ác cảm không cần thiết. Với một bộ phim mang cái tên Dunkirk, nhiều khán giả đã mong chờ một cái nhìn lịch sử khách quan và công bằng hơn tới từ nhiều phía chứ không chỉ là câu chuyện của độc nhất người Anh.

Mặc dù Dunkirk vẫn mang tới cho khán giả một góc nhìn điện ảnh rất thỏa mãn và đẹp mắt về cuộc di tản, nhưng cuộc “thử nghiệm” về thời gian lần này của Nolan chưa thể nói là một thành công hoàn mỹ như mong đợi. Có lẽ Christopher Nolan đã thừa biết sự mạo hiểm của mình sẽ mang lại những khó khăn nhất định trong phương pháp kể chuyện, và sự lúng túng này có thể được cảm nhận rõ trong khâu dựng phim.

Dù có thành công hay không, đây vẫn là một bộ phim để lại cho khán giả nhiều ấn tượng với một kịch bản gọn gàng, và một lần nữa chứng tỏ đẳng cấp đáng nể của Nolan. Có quá nhiều thứ ngăn cản Dunkirk trở thành một kiệt tác tiếp theo của vị đạo diễn tầm cỡ này, nhưng sự không ngừng tìm tòi và sáng tạo trong phong cách thể hiện của ông là một điều đáng ngưỡng mộ.

Chia sẻ

Bài viết

Phúc Logic

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất