Phim Ảnh

'Đế Vương Godzilla': Quan điểm mới mẻ về Trái Đất cùng thông điệp bảo vệ môi trường sâu sắc

Grassie
Chia sẻ

Bộ phim Godzilla: King of the Monsters không chỉ đơn thuần là tác phẩm hoành tráng khiến người xem đã tai, đã mắt, mà còn truyền tải thông điệp sâu sắc về vấn nạn môi trường.

Vấn nạn biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường từ lâu đã không còn xa lạ trên màn ảnh rộng, mỗi tác phẩm thường nỗ lực truyền tải thông điệp mạnh mẽ đến con người thông qua những cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Trong bộ phim Godzilla: King of the Monsters, thông điệp đó được truyền tải theo một cách khác - hoành tráng hơn, đẹp mắt hơn - nhưng cũng không kém phần sâu sắc.

Bộ phim Godzilla: King of the Monsters là phần tiếp theo thuộc Vũ trụ phim quái vật MonsterVerse sau phim Kong: Skull Island (2017) và là tác phẩm riêng thứ hai về đế vương bất tử Godzilla sau tập phim ra mắt năm 2014. Phần phim quy tụ những quái thú dũng mãnh bậc nhất Mothra, Rodan, Ghidorah, Godzilla.

Chuyện phim Godzilla: King of the Monsters theo chân một gia đình nhà khoa học bị mất con trai sau thảm kịch xảy ra trong tập phim Godzilla. Người vợ, tiến sỹ Emma (Vera Farmiga) thuộc tổ chức Monarch tiếp tục công việc giải cứu Trái Đất bằng cách phát triển loại thiết bị có thể giúp con người tác động và khống chế các Titan như Godzilla. Song cô cũng đánh thức quái vật ba đầu King Ghidorah, sinh vật hùng mạnh có khả năng đi ngược lại mọi quy luật vật lý trên Trái Đất, về sau trở thành đế vương lôi kéo hàng loạt Titan khác kể từ khi tiêu diệt được Godzilla.

Xem thêm: Phim Godzilla: King of the Monsters: Hồ sơ về bộ 3 quyền lực: Rodan, Mothra và Ghidorah

Godzilla và các Titan khác vốn là cách phòng vệ tự nhiên của Trái Đất chống lại chính những thảm họa do con người gây nên, trong đó, bản thân đế vương bất tử Godzilla cũng từ vũ khí nguyên tử được loài người chế tạo. Hơn chục sinh vật huyền bí đang say ngủ được tổ chức Monarch phát hiện và kiểm soát ẩn dụ cho số lần con người đã tác động xấu đến Trái Đất, buộc Trái Đất phải sinh ra Titan để phòng vệ.

Tác phẩm mở đầu với sự chia cắt của gia đình tiến sỹ Emma kể từ sau thảm kịch từ sự kiện Godzilla (2014), cũng là chia rẽ trong quan điểm khác biệt của loài người về Titan. Trong khi chính phủ muốn tiêu diệt toàn bộ Titan để tránh những hiểm họa về sau, tổ chức Monarch nỗ lực nghiên cứu, bảo vệ và kiểm soát các mãnh thú khổng lồ thì tiến sỹ Emma tin rằng Titan cần được thả ra để trở thành phòng vệ tự nhiên cho Trái Đất. Theo Emma, sự hủy diệt của chúng tác động đến con người - “cơn dịch” lây lan gây nên ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên - đồng thời giúp Trái Đất tái sinh và tươi tốt hơn sau mỗi thảm họa.

Góc nhìn của tiến sỹ Emma không phải không có lý, cô khao khát một cuộc sống cộng sinh hòa hợp với Titan. Những sinh vật cùng sức mạnh khủng khiếp này - giống như bão, núi lửa, động đất - trở thành phản ứng tự vệ của Trái Đất giúp tiêu diệt những mầm mống gây hại, tái sinh và trở nên tốt đẹp hơn trong lâu dài. Theo đó, Trái Đất biết cách để tự cân bằng. Và con người không thể khống chế và kìm hãm những thứ thuộc về tự nhiên vì lý do ích kỷ của giống loài mình.

Bên cạnh đó, bộ phim còn nhấn mạnh một thông điệp từ đầu đến cuối phim: con người không có cách nào kìm hãm, kiểm soát những thứ vượt ngoài tầm hiểu biết của mình như Titan, hay rộng ra là các thảm họa thiên nhiên. Càng chống chế, càng manh động, những sinh vật huyền bí này lại càng thịnh nộ. Rõ ràng, trong cuộc chiến giữa các vị thần đầu tiên, loài người quá đỗi yếu ớt, nhạt nhòa, bất lực và chẳng còn cách nào tác động để thay đổi số phận mình.

Thậm chí, Trái Đất mà con người vẫn tự hào là “của mình” cũng không được giải cứu bởi loài người. Trước sự tấn công của mãnh thú ngoài hành tinh, tổ chức Monarch phải cầu cứu đến đế vương bất tử Godzilla, kẻ thù số một của King Ghidorah. Trớ trêu thay, Godzilla không phải lúc nào cũng đứng về phía loài người, và con người chỉ vô tình hưởng lợi từ trận chiến tranh ngôi vương khi cùng chúa tể muôn loài chống lại Ghidorah.

Bộ phim Godzilla: King of the Monsters không chỉ đơn thuần là tác phẩm hoành tráng khiến người xem đã tai, đã mắt, mà còn truyền tải thông điệp sâu sắc về vấn nạn môi trường: rằng con người đã làm gì với Trái Đất và đánh thức những “phản ứng tự vệ” nguy hiểm đến nhường nào, rằng con người nhỏ bé ra sao và một khi các thảm họa ấy xảy ra, loài người cũng hoàn toàn bất lực, lệ thuộc…

Chia sẻ

Bài viết

Grassie

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất