Bùi Tiến Dũng - Nỗi lo thui chột tài năng

Bá Định
Chia sẻ

Thủ môn Bùi Tiến Dũng đang đứng trước nguy cơ bị thui chột tài năng vì rất nhiều yếu tố khác nhau.

Sức ép từ dư luận 

Như một lẽ tất yếu, sai lầm Bùi Tiến Dũng mắc phải trong trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Triều Tiên tại giải U23 châu Á 2020 khiến cầu thủ này nhận rất nhiều chỉ trích. Bởi sai lầm đó diễn ra đúng vào thời điểm thế trận đang có lợi cho U23 Việt Nam.

Từ trước đến nay, sức ép từ dư luận ở Việt Nam rất lớn. Dù trước đó, một cầu thủ chơi hay đến mấy nhưng ngày hôm nay, anh ta mắc sai lầm, các CĐV Việt Nam chưa chắc để yên. Họ sẵn sàng quên đi những đóng góp mà tập trung vào chỉ trích nhằm thoả mãn cảm xúc nhất thời.

Bóng đá Việt Nam từng nhiều lần chứng kiến các thủ môn mắc sai lầm rồi phải chịu rất nhiều chỉ trích. Để rồi sau đó, các nạn nhân từ sự “ném đá” của dư luận gần như không ngóc đầu dậy đến mức “mất tích” hẳn trên đội tuyển quốc gia.

Bùi Tiến Dũng đang chịu nhiều sức ép sau sai lầm tai hại trong trận gặp U23 Triều Tiên.

Trường hợp thủ thành Bùi Tấn Trường năm 2010 rồi đến Phí Minh Long cách đây hơn 2 năm phần nào là những minh chứng rõ nét nhất. Đến thời điểm hiện tại, Phí Minh Long vẫn chưa có ngày trở lại đội tuyển dù từng được đánh giá như một trong số những tài năng trẻ sáng giá nhất nơi khung gỗ.

Rất có thể, con đường phía trước của thủ môn Bùi Tiến Dũng sẽ mờ mịt hơn bao giờ hết. Ký ức về Thường Châu tuyết trắng đã hoàn toàn lùi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho hình ảnh một Bùi Tiến Dũng “tội đồ”. Ngay cả khi 2 trận trước đó thủ môn xứ Thanh là người chơi hay nhất đội hình U23 Việt Nam.

Nổi tiếng hơn cả tài năng 

Đây là một sự thực khá thú vị. Để một cầu thủ được biết đến rộng rãi, anh ta phải thật sự tài năng. Thủ môn Bùi Tiến Dũng nằm ngoài quy luật đó. Sau giải U23 châu Á 2018, tên tuổi cầu thủ sinh năm 1997 nổi như cồn.

Thậm chí, Bùi Tiến Dũng còn nắm giữ lượng người theo dõi lớn nhất so với tất cả những cầu thủ còn lại ở đội U23 Việt Nam làm nên kỳ tích trên đất Thường Châu (Trung Quốc). Thế rồi, đi kèm với sức hút đó là những show quảng cáo béo bở. Thậm chí có lúc Bùi Tiến Dũng đi làm người mẫu.

Danh tiếng của Bùi Tiến Dũng còn vượt xa cả tài năng.

Thay vì tập trung vào luyện tập nhằm hoàn thiện bản thân, Bùi Tiến Dũng sa đà vào giới showbiz. Những lùm xùm liên tục vây quanh chàng thủ môn quốc dân. Từng có thời điểm, người ta chú đến Bùi Tiến Dũng bên ngoài sân cỏ hơn những trận đấu mà thủ môn này xuất hiện.

Ngay cả khi ngồi ghế dự bị thường xuyên, Bùi Tiến Dũng vẫn là cái tên được giới truyền thông, người hâm mộ săn đón. Dường như sự nổi tiếng của Bùi Tiến Dũng gấp quá nhiều lần so với tài năng thực tế. Thế nên mới xảy ra câu chuyện bi hài khi một thủ môn dự bị ở CLB Hà Nội trở thành một bản hợp đồng “bom tấn” trên thị trường chuyển nhượng.

Bi kịch vì những người… quản lý?

Một trong những yếu tố đóng góp đến thành công dành cho một cầu thủ nằm ở người đại diện, người quản lý cầu thủ đó. Nếu như người quản lý cầu thủ có tầm nhìn xa, trông rộng thì cầu thủ đó ắt phát triển theo chiều hướng thuận lợi.

Bóng đá thế giới từng chứng kiến những người đại diện khét tiếng giúp hàng loạt ngôi sao đình đám đi vào ngôi đền huyền thoại. Hãy nhìn cách Jorge Mendes làm với Cristiano Ronaldo khi từ chối đưa anh đến Real Madrid thời điểm còn đôi mươi để sang M.U. Hay cái cách “kẻ đáng ghét” Mino Raiola làm với Paul Pogba.

Người đại diện của Bùi Tiến Dũng chưa có một tầm nhìn đúng đắn.

Nhưng trở lại với Bùi Tiến Dũng và hãy nhìn cách mà người đại diện của cầu thủ này đang làm. Khi người hâm mộ góp một cách chân thành giúp Dũng sửa sai thì người đại diện của anh đi cãi nhau với CĐV mỗi ngày.

Nếu tiếp tục không tự rút ra bài học, chạy theo những thứ hào nhoáng hơn chân giá trị đích thực, nhiều khả năng Bùi Tiến Dũng sẽ lùi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho những người đồng đội tài năng hơn trên tuyển.

Chia sẻ

Bài viết

Bá Định

Tin mới nhất