Xót xa cuộc sống của người phụ nữ tật nguyền từng có ý định cho con gái ngây dại uống thuốc chuột cùng chết để 'hết khổ’

Định Nguyễn
Chia sẻ

"Suốt 40 năm qua khổ cực và gian truân, lắm hôm vừa làm vừa khóc vì nghĩ sao cuộc đời nó cực quá. Có những lúc tôi muốn từ giã cuộc đời này, muốn mua một liều thuốc chuột cho vào cơm ăn xong cả mẹ lẫn con đều chết, nghĩ nó khổ quá…”, bà Luân chia sẻ.

Cuộc đời liên tiếp những bất hạnh của người đàn bà hơn 60 tuổi

Nằm lọt thọt giữa những ngôi nhà khang trang ở phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội là ngôi nhà tình thương của mẹ con bà Nguyễn Thị Luân (62 tuổi) được chính quyền phân cho ở từ lâu.

Ở đây, ai cũng thương cảm cho hoàn cảnh của mẹ con bà Luân, bởi bà sống đơn thân, nuôi con gái Phạm Minh Ngọc (đang học lớp 9) bị động kinh. Nhà thuộc diện hộ nghèo, bà Luân lại bị vỡ xương chậu, gãy xương háng, cụt một bên tay phải nhưng hàng ngày vẫn phải cặm cụi đi nhặt rác mưu sinh.

Bà Luân chứa đầy phế liệu trong nhà.

Bà cặm cụi phân loại từng phế liệu.

Trong ngôi nhà chứa đầy phế liệu, bà Luân ngồi thu gọn từng bịch nilon, chai nhựa sau một ngày nhặt nhạnh ngoài đường về. Vào sâu trong ngôi nhà hun hút, tối om như mực bởi bà Luân không dám bật điện. Bà lão mò mẫm từng bước vào nhà gọi con gái đang nằm ngoài hiên dậy. Từ đây bà Luân kể về cuộc đời bất hạnh của mình.

Năm 1977, bà đi làm công nhân ở nhà máy gạch và không may bị tai nạn lao động mất đi một cánh tay phải. Suy sụp vì mất đi một phần thân thể, bà Luân phải mất một thời gian dài để lấy lại tinh thần và làm quen với cơ thể không lành lặn này. Kể từ đây bà chuyển sang đi nhặt rác kiếm sống. Chuỗi ngày khốn khó cũng bắt đầu bám riết lấy cuộc đời người phụ nữ đầy bất hạnh này.

Bà Luân bị cụt một cánh tay khi làm lao động cách đây hơn 40 năm.

Tự ti với cơ thể không lành lặn, lại quá tuổi lấy chồng, năm 47 tuổi, sau bao đêm nằm suy nghĩ, bà quyết định đi “xin” một đứa con để bầu bạn lúc tuổi già. Sau khi có con, bố của bé Ngọc cũng bỏ hai mẹ con đi biệt tăm, đến giờ chẳng biết sống chết ra sao. Một mình bà hàng ngày đi nhặt rác, kiếm tiền cùng con rau cháo qua ngày.

Thân thể không lành lặn lại phải một mình nuôi con nhưng bất hạnh vẫn tiếp tục ập đến với bà Luân. Đó là vào năm 2015, khi đang đi ngoài cổng đình Ngọc Mạch, bà bị một chiếc xe tải tông phải rồi bỏ trốn. Vụ tai nạn khiến bà Luân bị gãy xương sườn, gãy toàn bộ xương chậu, đi cấp cứu 3 bệnh viện trả về. May mắn, khi mọi người đưa bà đến Bệnh viện Việt Đức được các bác sĩ tiếp nhận. Bấy giờ các bác sĩ cũng nói bà được cứu sống là một kì tích, chứ khi đưa đến viện cũng không có hy vọng.

Ngọc - con gái bà Luân có lớn nhưng không có khôn.

Suốt 2 năm trời nằm viện, con còn nhỏ phải nhờ cậy hàng xóm chăm sóc. Đến năm 2017, bà được xuất viện về nhà, khi về bà được mọi người cho tập đi, tập đứng, tập ngồi. Đến khi chống gậy đi được, bà Luân lại phải đi nhặt rác để kiếm tiền trang trải cho 2 mẹ con dù sức khỏe rất kém.

Khu bãi rác tăm tối, bẩn thỉu, mùi nồng nặc, là chốn bà Luân chọn làm nơi ăn chốn ở trong quãng thời gian còn lại của cuộc đời mình. Hằng ngày bà thức dậy từ lúc rạng sáng để lo cho con ăn uống, đưa đi học, quay về dọn dẹp nhà cửa, cơm nước cho con.

Đến 2h chiều, nhốt con trong nhà, bà bắt đầu công việc nhặt rác đến 19h tối. Về lo cơm nước cho con xong, bà lại tiếp tục khoác túi ni lon lên vai đi nhặt rác đến 2-3h sáng hôm sau mới về ngả lưng.

Từng ý định tìm đến cái chết để mẹ con đỡ khổ

Ngày nắng cũng như ngày mưa, nhiều hôm bà Luân mang cả con đi theo, ở nhà sợ con lại phá phách. Cơ cực là thế vậy cũng chỉ đủ mẹ con rau cháo qua ngày. Hình ảnh bà Luân cụt tay, tóc đã bạc trắng, đôi mắt mờ đục đi vì thời gian, ngày ngày tần tảo mưu sinh nơi bãi rác đã trở thành hình ảnh quá quen thuộc với người dân nơi đây.

Bà Luân từng ý định tìm đến cái chết để giải thoát cho bản thân và con nhưng bà không làm được.

Thời điểm bà Luân đau ốm, con gái không người chăm sóc nên bị lên cơn động kinh, tăng động rất nhiều. Có những hôm không tự chủ được vệ sinh, Ngọc đi vãi ra khắp nhà, nhìn cảnh đó, bà Luân bất lực đến mức định đi mua thuốc chuột về uống để hai mẹ con cùng ăn rồi chết. Thế nhưng, là người mẹ, bà lại không nỡ xuống tay với con gái mình.

“Suốt 40 năm qua khổ cực và gian truân, lắm hôm vừa làm vừa khóc vì nghĩ sao cuộc đời nó cực quá. Có những lúc về nhà con lên cơn động kinh, tôi muốn từ giã cuộc đời này, muốn mua một liều thuốc chuột cho vào cơm ăn xong cả mẹ lẫn con đều chết, nghĩ nó khổ quá. Chết để quên đi cuộc đời gian truân, bất hạnh. Thế nhưng là người mẹ tôi không đang tâm làm vậy với con gái mình”, bà Luân nghẹn ngào nói.

Dù đã 15 tuổi nhưng Ngọc như đứa trẻ lên 5.

Thế rồi mọi thứ cũng cứ thế trôi đi, bà sống qua được giai đoạn khó khăn nhất cũng nhờ sự đùm bọc của hàng xóm, láng giềng và chính quyền địa phương. Điều bà cảm thấy ân hận nhất là chẳng thế đáp ứng được đủ nhu cầu cho con, khi con thèm miếng thịt cũng chẳng có mà ăn. Thậm chí, gói xúc xích hết hạn họ bỏ đi nhưng thấy còn lành lặn bà vẫn cố nhặt về.

“Một tháng tôi mua cho cháu 3 lạng thịt, hay quả trứng cho cháu đỡ thèm. Hôm nay có ít tôm vụn họ cho 2 mẹ con, tôi nấu lên cháu rất thích. Nó bảo giờ con mới được ăn hải sản. Hoặc ai cho những gói gia vị, tương cà, tương ớt tôi đều mang về cho con, cháu khen ngon”, bà Luân nói.

Bữa cơm đạm bạc của hai mẹ con.

Bé Ngọc ngồi cạnh mẹ đang ăn ngon lành. “Xúc xích này hết hạn 2 tháng, họ vứt đi tôi xin về cho con ăn đỡ tiếc. Mẹ con tôi ăn những thứ này quen rồi, không sao đâu”, bà Luân nói như giãi bày.

Bà bảo, có gì ngon bà đều phần con, còn bà chỉ ăn vài cọng rau, chan canh với cơm trắng thế là sống qua ngày. Chỉ thương con gái, vì đói nên thấy ai ăn gì còn thừa vứt ra sọt rác lại bới ăn tiếp, nghĩ mà thương.

Tết Nguyên đán đã cận kề, khi nghe nói về Tết, cô bé Ngọc lại reo lên: “Tết á, Tết mẹ lại mừng tuổi cho con. Lại được đi bờ Hồ chơi”. Trong ký ức của cô bé Ngọc này, Tết chỉ có mẹ cho tiền và chỉ có Tết mới được đi chơi nên rất háo hức.

Ngồi bên cạnh, bà Luân cho hay, năm nào Tết hai mẹ con cũng mua mấy chục nghìn tiền giò, dăm lạng thịt xay và túi miến về nấu ăn vào ngày mùng 1. Sau đó, hai mẹ con bắt xe buýt lên bờ Hồ chơi, tối về ngủ và sáng mùng 2 lại cùng nhau đi nhặt rác ở khắp các phố phường.

Ở tuổi xế chiều, thế nhưng bà Luân chưa có một ngày được ăn no. Thấy bà cực khổ, hàng xóm hay nhưng nơi nhặt rác thương tình, người cho cái bánh hay tí thức ăn. Nhiều khi đói rét, nhưng cố cặm cụi vì con. Điều bà Luân mong mỏi nhất là đứa con của bà hết bệnh, sống một cuộc sống bình thường như bao người khác…

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất