Gánh ‘xôi xéo 3 miền’ tồn tại suốt 70 năm giữa trung tâm Sài Gòn

Hồng Ngọc
Chia sẻ

Sài Gòn vẫn hối hả nhịp sống từng ngày, thế nhưng mấy mươi năm qua, gánh xôi lá chuối ở góc ngã tư Pasteur – Lê Thánh Tôn vẫn một mực đứng ngoài những biến thiên của cuộc sống.

Sài Gòn chẳng thiếu những hàng xôi, từ góc vỉa hè đến những hàng quán sang trọng, vậy mà gần 70 năm qua trong “bản đồ ẩm thực” của những người sành ăn vẫn không thiếu hàng xôi Bắc của bà Kiệm.

Nhiều khách quen vẫn cứ gọi vui đây là xôi 3 miền. Bởi bà Kiệm vốn là người Hải Phòng, thời thế loạn lạc bà mưu sinh bằng món xôi xéo đặc trưng của Hà Nội để gần 70 năm qua cần mẫn phục vụ cho người Sài thành.

Gánh xôi xéo giản dị nép vào một góc ngã tư ở khu trung tâm thành phố.

Gánh xôi 2 thế hệ tại vỉa hè Sài Gòn

Cứ sớm tinh mơ, dừng đèn đỏ ngay góc ngã tư Pasteur - Lê Thánh Tôn, hình ảnh người phụ nữ tuổi ngoài 70 chậm rãi rọc từng tàu lá chuối xếp phẳng phiu bằng đôi bàn tay nhăn nheo hẳn là một phần kí ức của nhiều người. Rồi tuổi cao, sức yếu chẳng thể đảm đương nổi gánh xôi từng một thời nuôi sống cả gia đình, bà Kiệm truyền lại cho cô Thảo - con gái thứ 5.

Theo lời cô Thảo bộc bạch, năm 1954 cuộc sống loạn lạc, mẹ bế người anh lớn (lúc đấy chưa đầy 6 tháng tuổi) cùng chồng từ Hải Phòng vào Nam, rồi chọn Sài Gòn làm miền đất hứa. Đất khách quê người, lại chẳng có vốn liếng nhiều trong tay, sẵn có nghề nấu xôi Bắc, bà phụ chồng gồng gánh nuôi con đến ngày trưởng thành.

Suốt gần 70 năm qua, xôi vẫn được gói trong lá chuối và bọc bên ngoài giấy báo thay vì hộp xốp túi nilon như các hàng quán khác.

Rồi đều đặn mỗi ngày, để cho ra đời gói xôi ấm nóng dẻo thơm hai mẹ con bà Kiệm phải dậy từ 2h sáng. Xôi xéo, xôi bắp thoạt nhìn có vẻ đơn giản vì nguyên liệu chỉ là đậu xanh, hành phi, muối mè. Vậy mà muốn bắp mềm phải chịu khó hầm qua 3 lần lửa, nếp phải ngâm kĩ, xóc muối mới được dẻo thơm. Riêng về hành phi là một tay cô và bà chế biến chứ một mực không mua bên ngoài. “Chắc học được tính kỹ lưỡng của mẹ nên nấu có hai loại xôi thôi mà cực quá trời” - cô Thảo bật cười đáp.

Cô Thảo năm nay tuổi đã ngoài 50 nhưng đã có hơn 30 năm theo mẹ buôn bán. Thế nên, khách quen vị xôi bà Kiệm hẳn chẳng còn xa lạ với cô. “Trước cô cũng có theo nghề may, nhưng sau một thời gian thấy mẹ chẳng còn khỏe mạnh linh hoạt như trước nên phụ giúp đỡ đần. Dần gắn bó với gánh xôi này cho đến tận ngày nay”.

Cô Thảo không có gia đình riêng, nên đem hết tâm huyết dồn vào gánh xôi như một niềm vui.

Nép mình vào góc ngã tư, khách đi theo con đường 1 chiều Lê Thánh Tôn dễ dàng bỏ lỡ gánh xôi Bắc, bởi gần như đã bị trụ điện che khuất tầm nhìn. Ấy vậy mà khi được chúng tôi đặt câu hỏi, cô Thảo nhẹ nhàng đáp: “Trước cũng có dời quanh quẩn góc ngã 4, nhưng có vị trí này là gắn bó lâu nhất nên chẳng muốn chuyển đi đâu. Chủ yếu là khách quen, người ta thoạt nhìn đôi quang gánh từ xa là đã biết, mình chẳng cần treo bảng hay dời chỗ dễ nhìn làm chi”.

Chuyện những “gói xôi không tuổi” hồn hậu tình người

Ngồi lại bên gánh xôi có tuổi đời dài hơn 2/3 thế kỷ, câu chuyện được vẽ ra trước mắt chúng tôi hệt như một cuộn phim đen trắng gắn với bao thăng trầm đổi thay của thời cuộc. Cô Thảo nghe mẹ kể lại rằng, ngày trước nào đã được vỉa hè sạch đẹp thế này, mẹ phải quẩy gánh đi dọc theo tòa Bưu chính, phủ Gia Long nay đã được đổi tên thành UBND thành phố, Dinh Độc Lập.

Những người di dân vào Nam tìm được vị xôi Bắc mà mừng không cầm được nước mắt. Người ta thưởng thức xôi trân trọng lắm, như để nhâm nhi vị nhớ quê nhà, vừa kể nhau nghe đủ thứ chuyện trên đời, dẫu rằng còn chưa biết đến tên nhau.

Rồi mấy mươi năm thăng trầm đổi thay, hàng xôi Bắc vẫn là đôi quang gánh, cái thúng, cái mẹt, giỏ xách nhỏ với mấy lon sữa bò từ thời Liên Xô đựng muối mè đường đậu, dù rằng nắp lon có lỏng phải chêm thêm giấy mới có thể đậy kín… Bao nhiêu đó thôi, mà hồn quê mộc mạc giữa cuộc sống chen chúc bộn bề vẫn được 2 thế hệ truyền tay nhau gìn giữ.

Gánh xôi đơn giản là những món đồ nghề mộc mạc thân thương.

Khi được chúng tôi thắc mắc, sao một người phụ nữ Hải Phòng lại nấu thuần thục vị xôi Hà Nội, cô Thảo bật cười đáp gọn ơ: “Vì có người thân ngoài đó, ra chơi vài lần rồi bà học luôn cách nấu mà thôi”. Bà Kiệm gần 70 năm vào Sài Gòn nhưng chỉ một vài lần về thăm Hà Nội, riêng cô Thảo vẫn chưa có cơ hội được đến đất thủ đô. Hà Nội trong tiềm thức của cô là mùi thơm ngây ngất của xôi xéo mà mẹ nuôi mấy anh em trưởng thành, là bao năm thay mẹ giữ lửa và duy trì gánh xôi. Gánh xôi như một phần trong kí ức tuổi thơ, thậm chí quen thuộc đến mức cô chẳng màn đến nguồn gốc ra đời của nó.

Thoạt đầu, khách tìm đến vì tò mò vị xôi nếp đậu xanh ăn cùng hành phi thay vì đường dừa như khẩu vị của người Nam, nhưng rồi ăn riết sinh ghiền.

Và trong một nửa số khách quen là những người con xa xứ muốn tìm lại chút hương vị quê nhà.

Rồi trong một buổi sáng âm u của những ngày cuối hè, trong khi đang rôm rả chuyện đời, chuyện nghề thì bất ngờ hai bạn sinh viên của một nhóm thiện nguyện tiến gần lại gần nhờ cô Thảo quyên góp 10.000 đồng cho các học sinh khó khăn ở Cà Mau khi mùa tựu trường sắp tới. Ấy vậy mà khi các em chưa dứt lời, cô đã lúi húi lôi trong túi ra 50.000 đồng rồi nở nụ cười hiền từ đáp: “Thôi nè, mấy đứa cầm đi. Khỏi thối. Mua tập cho mấy đứa nhỏ rồi sẵn mua bút viết luôn”.

Có thể cô chưa giàu và minh chứng cho điều này là hàng xôi gần 70 năm, qua 2 thế hệ vẫn là một đôi quang gánh vỉa hè. Vậy mà lúc cho đi, người phụ nữ bước qua hơn nửa đời người vẫn có riếc rẻ gì đâu.

Chỉ vậy thôi, mà Sài Gòn buổi sáng âm u của ngày cuối hè bỗng trở nên quá đỗi ngọt ngào.

“Gánh ‘xôi xéo 3 miền’ tồn tại suốt 7 thập kỷ giữa lòng Sài Gòn” là một trong những bài viết nằm trong tuyến bài đặc biệt về Sài Gòn muôn màu của Tạp chí điện tử Saostar.

Những tình cảm, ký ức - những câu chuyện cảm động và đầy thú vị về Sài Gòn mà bạn có/ biết hay chứng kiến - Hãy gửi qua email: xahoi@saostar.vn để cùng chia sẻ cho tất cả mọi người cùng “ấm áp”, bạn nhé!

Vì một Sài Gòn xinh đẹp và phát triển hùng mạnh, chúng tôi chào đón tất cả những người con - những người muốn thuộc về/ yêu mảnh đất này.

Chia sẻ

Bài viết

Hồng Ngọc

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất