Những khó khăn của cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam

Thục Nhi
Chia sẻ

Cộng đồng người chuyển giới dù đã hiện diện nhiều hơn ngày xưa nhưng vẫn phải chịu đựng những khó khăn mà không phải ai cũng trải qua.

Khả năng tiếp cận dịch vụ y tế

Nghiên cứu về Hiện trạng và nhu cầu đối với việc tiếp cận các dịch vụ y tế liên quan đến chuyển đổi giới tính (CĐGT) tại Việt Nam do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện từ tháng 9 đến tháng 11-2017 đã cho thấy rất nhiều vấn đề về nhu cầu tiếp cận dịch vụ y tế của cộng đồng người chuyển giới.

Theo nghiên cứu, việc mua bán, sử dụng hooc - môn và các dịch vụ phẫu thuật chuyển giới ở Việt Nam vẫn còn chưa được chính thức. Chính vì vậy, cộng đồng người chuyển giới Việt Nam thiếu đi đội ngũ bác sĩ, y tá có chuyên môn. Đồng thời, hooc - môn được các bạn sử dụng đa số đến từ nguồn cung cấp không rõ ràng hoặc từ các nguồn tư nhân. Từ đó, dẫn đến việc các bạn tự tiêm hooc - môn vào cơ thể, tìm đến những cơ sở phẫu thuật chui để rồi người gánh chịu hậu quả là chính bản thân.

Nhu cầu y tế của người chuyển giới là vô cùng quan trọng

Qua khảo sát, có đến 40% người đã thực hiện phẫu thuật ở nước ngoài; 37,14% sử dụng dịch vụ của cơ sở y tế/bệnh viện tư nhân; 14,29% dịch vụ của cơ sở y tế/bệnh viện nhà nước và 8,58% can thiệp tại cơ sở y tế/bệnh viện quốc tế tại Việt Nam. Trong số đó, chỉ có 40% người có thể tự chi trả hoàn toàn cho việc phẫu thuật chuyển giới. Với chi phí cao như vậy mà không muốn phẫu thuật chui, rất nhiều bạn có mong muốn sẽ được Bảo hiểm y tế hỗ trợ trang trải chi phí các phẫu thuật.

Cơ hội việc làm 

Với tư tưởng có phần cởi mở và tiến bộ hơn trước, trong những năm gần đây, sự hiện diện của người chuyển giới tại Việt Nam đang ngày một rõ rệt. Tại Việt Nam có khoảng ước tính có khoảng 300.000 đến 500.000 người chuyển giới.

Một nghiên cứu về người chuyển giới nữ sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh (2015, CARMAH và Đại học Pittsburg) cho thấy 45% bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới. Điều này phần nào giải thích cho thực tế chỉ có 4% những người tham gia khảo sát có các việc làm ở khu vực chính thức (có hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ, lợi ích của người lao động) và có tới 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm.

Người chuyển giới nữ bên gánh hát lô tô

Bên cạnh những người chuyển giới nổi tiếng dấn thân vào lĩnh vực nghệ thuật như Hương Giang, Lê Thiện Hiếu, còn có những cô nàng đêm đêm cháy hết mình trên sân khấu với gánh lô tô tình thương. Chưa hết, người chuyển giới nữ còn thường được bắt gặp làm việc ở những đám cưới, đám tang. Sau vài tiếng cười là những cái nhìn khinh bỉ, là những động chạm chưa được phép. Ai cũng muốn cống hiến tài năng, sức lực của mình cho xã hội nhưng liệu xã hội đã thật sự tạo điều kiện cho họ chưa?

Nỗi ám ảnh mang tên “Nhà vệ sinh”

Không chỉ ở Việt Nam mà đây là nỗi ám ảnh của hầu hết người chuyển giới trên thế giới. Các bạn chuyển giới có thể bị kì thị, lăng mạ, quấy rối tình dục thậm chí đánh đập đến chết chỉ vì nhu cầu đi vệ sinh của bản thân. Một số bạn nhất quyết không sử dụng nhà vệ sinh công cộng nữa trong khi số còn lại vẫn hiển nhiên dùng nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật với mong muốn không một ai quấy rối mình.

Người chuyển giới đứng trước lựa chọn khó khăn khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng

Để giải quyết tình trạng này, nhiều quốc gia trên thế giới (bao gồm Việt Nam) đã cho xây dựng nhiều nhà vệ sinh không phân biệt giới dành cho tất cả mọi người. Thế nhưng, chính quyền Trump trong năm nay đã công khai rằng họ không có bộ luật bảo vệ người chuyển giới khỏi những định kiến trong công việc cũng như cho rằng người chuyển giới phải đi đúng nhà vệ sinh so với giới tính sinh học của mình.

Nhà vệ sinh phi giới tính

Đã là con người thì ai cũng có nhu cầu cơ bản, sử dụng nhà vệ sinh nằm trong số đó. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về cộng đồng LGBT nói chung và người chuyển giới nói riêng là vô cùng quan trọng.

Chia sẻ

Bài viết

Thục Nhi

Tin mới nhất