Tư tưởng cổ hủ luôn xem người chuyển giới là một nhân dạng dị hợm, là trò cười tiêu khiển vẫn còn. Trong mắt người kì thị, nam bước dáng nữ, nữ hình hài như đàn ông là trò hề chỉ để mua vui ngoài phố xá. Đó là sự cố chấp không chấp nhận bước tiến và công nhận khoa học. WTO đã công bố chuyển giới không phải là rối loạn tâm lý vào ngày 18/06/2018, chính thức trả lại công bằng mà bấy lâu nay họ bị đoạt đi mất, để lại bao lời dèm pha lên thân thể.
Sự thiếu hiểu biết đã lấy đi rất nhiều giọt nước mắt của cộng đồng LGBT, phong tục lễ nghi hà khắc bóp nghẹt cuộc sống của họ. Người chuyển giới lại phải gánh thêm chồng chất khó khăn trên vai vì chi phí thay đổi nhân dạng giới tính, duy trì cơ thể sau phẫu thuật, lòng dũng cảm là chính mình trước búa rìu dư luận truyền thống khắc lên thân mình. Bê đê hát hội chợ, giang hồ bảo kê là những từ ngữ mà không ít bia miệng đã đổ lên cuộc sống của họ.
Thế nhưng ngày nay khi một phần lớn cộng đồng phố thị đã thông cảm và thấu hiểu cho người chuyển giới, sự ra đời của các tổ chức xã hội và hoạt động nhân quyền dần trao trả lại cho người chuyển giới những quyền lợi mà họ lẽ ra phải được hưởng từ rất lâu. Nhiều người chuyển giới đã thực hiện thành công ước mơ sống đúng giới tính của mình, họ ngẩng cao đầu tích cực sống, đã và đang góp phần xây dựng một xã hội tích cực.
Jessica, một nhà thiết kế là người chuyển giới nổi danh trong cộng đồng LGBT chia sẻ: “Chị tự tin với cuộc sống của mình. Chị có thể không hoàn hảo nhưng chị yêu cơ thể và khuôn mặt này. Chị thích cảm giác được mặc những chiếc đầm đẹp rồi bước ra ngoài. Chị thấy mình rất may mắn.”
Nhiều năm liền đại diện cho màu cờ lục sắc phát biểu trước xã hội đại chúng, ít ai biết Jessica đã phải trải qua bao khó khăn trước khi có được ngày hôm nay, thế nhưng không gì vậy mà chùng bước, Jessica ngày càng hỗ trợ những người giống mình đưa tiếng nói mạnh mẽ vươn xa hơn. Góp phần tích cực thay đổi cái nhìn xã hội đối với người chuyển giới.
“Trong cuộc đời, chẳng ai muốn phải để dao kéo đâm xuyên qua người hay uống thuốc thay cơm. Nhưng những người chuyển giới phải chấp nhận xài thuốc suốt cuộc đời, phải đem thân mình lên bàn mổ, để người ta mổ xẻ đủ thứ. Vì sao? Vì những người như tôi muốn sống thật với bản thân mình. Cảm giác phải sống trong một hình hài không phải của mình nó đau đớn lắm. Bây giờ tôi có thể chết đói, già nua, bệnh tật. Nhưng ít nhất tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì đã được sống thật với bản thân” - Jessica phát biểu trước Quốc hội.
Quá khứ bị chèn ép, bạo hành, bị xã hội đem bản thân ra làm trò mùa vui tiêu khiển có lẽ chưa dừng lại đối với cộng đồng người chuyển giới. Nhưng giờ đây, khi văn hoá, tri thức đã phát triển tuy không thể xoá bỏ toàn bộ quá khứ, người chuyển giới đã đạt những thành công nhất định, chạm tới ước mơ mà không ít người mong ước. Tại Việt Nam, ngoài Jessica còn có cả hoa hậu Hương Giang đem lại niềm vinh dự lớn cho dân tộc và rất nhiều các bạn chuyển giới khác đang cố gắng nỗ lực bản thân không ngừng.
Ngày nay bức tranh về người chuyển giới đã có thêm màu sắc mới, đẹp hơn bởi nghị lực là chính mình, sống động hơn bởi nhiều hoạt động ngành nghề họ thành thạo, ngập tràn niềm hy vọng khi được công nhận tại không ít lãnh thổ hay sự kì thị đã vơi đi. Khi ngày 20/10 đang đến gần, hãy thôi sự chế nhạo, chà đạp lên số phận của họ. Vì giờ đây người chuyển giới đang làm tốt, ngẩng cao đầu và nhìn xã hội bằng sự cố gắng tự cường của bản thân. Họ hoàn toàn xứng đáng được công nhận như một người phụ nữ và nhận sự chúc mừng từ xã hội.