Việc Thái Lan kiến tạo dự luật hợp thức hoá hôn nhân đồng giới, thúc đẩy tiến độ đưa dự luật trở thành luật pháp chính thức đã nhận được sự ủng hộ và quan tâm của đông đảo cộng đồng LGBTI tại châu Á. Nếu hôn nhân đồng giới được hợp thức hoá thành công, Thái Lan sẽ trở thành đại diện châu Á đầu tiên đạt được sự tiến bộ này cho những thành viên lục sắc.
Dự luật đã được chính phủ thông qua vào ngày 25 tháng 12 vừa qua. Hiện dự luật đang được Hội đồng lập pháp quốc gia bàn luận và bỏ phiếu đồng ý để chính thức trở thành luật. Tuy nhiên, các báo cáo xoay quanh vấn đề trên đang lo ngại sự chần chừ của Hội đồng Lập Pháp có thể trở thành rào cản ảnh hưởng đến việc thông qua dự luật. Nguyên nhân vì cuộc bầu cử chính phủ mới vào ngày 24 tháng 2 sắp đến sẽ bầu ra nội các, Chính Phủ mới.
Thái Lan từ lâu đã nổi danh là xứ sở thân thiện đối với cộng đồng LGBTI hàng đầu châu Á. Hàng loạt các quán bar đồng tính từ Bangkok đến Pattaya, các cuộc thi cho người chuyển giới, hoá trang cho người đồng tính diễn ra suốt nhiều năm qua tại vùng đất này. Thế nhưng, hành trình vươn đến sự bình đẳng tuyệt đối cho màu cờ cầu vồng tại đây vẫn còn rất dài và mang nhiều gánh nặng.
Lần lượt các nguyên nhân về sự khó khăn trong hoạt động giành lại bình đẳng cho cộng đồng LGBTI đã được các nhà hoạt động nhân quyền chỉ ra. Phần lớn xuất phát từ vấn đề tôn giáo. Với đông đảo dân số theo tín ngưỡng Phật giáo, tư tưởng tình yêu chỉ xuất phát thuần tuý từ một nam một nữ là điều đã nằm sâu trong suy nghĩ của người dân. Dù nổi tiếng với kỹ thuật giải phẩu chuyển đổi giới tính nhưng người Thái vốn không thể thay đổi giới tính một cách hợp pháp.
“Dự luật về hôn nhân đồng giới đang tiến triển rất mạnh nhưng nó vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng LGBTI tại Thái Lan.” Henry Koh - nhà hoạt động LGBTI, chuyên gia nhân quyền của Fortify Right cho biết.
“Tôi cảm giác rất kỳ lạ khi Thái Lan trong mắt các quốc gia khác dường như chấp nhận người chuyển giới. Nhưng trên thực tế họ lại không được công nhận trên luật pháp. Và khi tôi trao đổi cùng các nhà hoạt định chính sách họ luôn đưa ra lý do tư tưởng Phật giáo không chấp nhận điều đó. Dường như chùa vàng chỉ là mảnh đất bao dung hơn đối với người đồng tính.” - Wannapong, nữ cố vấn pháp lý thuộc Liên hợp Quốc chia sẻ.
So với các nước láng giềng như Malaysia hay Indonesia, nơi cộng đồng lục sắc phải đối mặt với những thách thức pháp lý và nạn phân biệt đối xử nặng nề, Thái Lan vốn cởi mở hơn khi nhắc về LGBTI. Từ đó được không ít người xem như ngọn hải đăng của châu Á và là thiên đường của không ít cặp đôi. Hàng năm lượng du khách đồng tính tụ hội tại đây luôn tăng dần đều.
Dự luật hôn nhân đồng giới vốn được ủng hộ bởi những người bảo vệ cộng đồng LGBTI. Thế nên sự bảo thủ từ phe đối lập vẫn còn là mối đe doạ, dù Chính phủ đã đưa lên Hội đồng Lập Pháp. Về cơ bản một số điều thiếu sót khi dự luật chỉ công nhận hai người cùng giới trở thành những đối tác luật pháp quản lý tài sản. Quyền nhận nuôi con, tự do quyết định khi bạn tình đồng giới gặp phải vấn đề sức khoẻ hay thay đổi họ vẫn còn nhiều điều bất cặp cần được bổ sung.
Nhiều sự cổ vũ từ các quốc gia khu vực khác đã được gửi đến các tổ chức LGBTI hoạt động tại đây qua mạng xã hội như Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam … Niềm tin vào một tương lai gần về hôn nhân đồng giới được hợp thức hoá tại xứ sở chùa vàng ngày càng vững chắc. Nếu đạt được thành công trên luật pháp, Thái Lan chính thức trở thành thiên đường thật sự của những tâm hồn cầu vồng của châu lục lớn nhất thế giới.