Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Love Wins

Cô đào chuyển giới lớn tuổi nhất Việt Nam: Tự mua thuốc về tiêm, 'một chết, hai được sống với thân thể mình khao khát’

Những năm 80 của thế kỷ trước, cái thời ở Việt Nam, người ta còn mập mờ chưa rõ khái niệm giới tính thứ 3 là gì thì cô đào giả gái Kim Sa, với khao khát được sống trong thân xác của phụ nữ đã tìm đủ sách vở, dành dụm từng chút tiền để mua thuốc từ nước ngoài về tự chuyển giới.

7 giờ tối, trời chạng vạng, chân bước ngắn bước dài cẩn thận xuống từng bậc thềm. Ông Sang đi bán về!

Cuộc sống ở cái tuổi thất tuần vất vả, ngày ngày tất bật ra đường bán đôi ba tờ vé số. Cứ ngày mưa cũng như ngày nắng, trời còn chưa kịp hửng đông, 4h sáng ông Sang lại sửa soạn lật đật đi bán. “Giờ đó mấy ông già dậy sớm đọc báo, cà phê con ơi!”, ông Sang mặt mày lấm tấm mồ hôi vừa ngồi nghỉ mệt vừa tâm sự.

Hằng ngày, cứ đều đặn 4 giờ sáng, ông Sang lại bắt đầu đi bán vé số mưu sinh

Trong căn phòng trọ chật hẹp chỉ vỏn vẹn chưa đến mười mét vuông ở rìa ngoại ô thành phố, mấy ai biết, thời trẻ ông Sang “vé số” đã từng là cô đào Trang Kim Sa xinh đẹp, lừng lẫy, được bao đoàn hát săn đón. Thế rồi một đêm trở trời, cơn đột quỵ khiến cô buộc phải bỏ lửng nghiệp hát khi còn tràn đầy máu lửa với nghề.

Mồ côi cha mẹ, cố gồng làm con trai vì định kiến xã hội còn quá khắt khe

Mẹ mất trước đó, đến năm 14 tuổi, đang học không quân ở Cần Thơ thì nghe tin ba mất. Thế là phải sống phận mồ côi.

Thời đó người ta chưa có nhận thức được như bây giờ, nghe bê đê là người ta miệt thị, chửi rủa nhiều lắm, đi đâu cũng bị đem ra soi mói, bêu rếu nên chú đâu có dám cho ai biết. Từ hồi nhỏ xíu đã nhận thức được mình khác người rồi, nhưng cũng cố gồng lên mà sống con ạ“, ông Sang kể lại quãng đời tuổi thơ.

Dù đã 75 tuổi, ông Sang vẫn giữ được nét đẹp với đôi mắt sâu hút ánh nhìn cùng làn da trắng mịn

Vào không quân, ông Sang may mắn gặp được người thương đầu đời là Thanh Tú, cũng là mối tình khắc cốt ghi tâm mà đến giờ nhắc lại, ông Sang vẫn kể với một thái độ vô cùng trân quý. “Hồi đó ông cũng học hành giỏi giang, 150 người thi không quân thì có 30 người được chọn thôi, vào trong đó người ta xét các thứ cũng chỉ còn vài người được ở lại. Rồi dần dần trong quân ngũ nảy sinh tình cảm với Tú lúc nào không hay, yêu nhau sâu đậm lắm nhưng cũng đành…” nói tới đây ông Sang bỗng nghẹn giọng, nén tiếng thở dài rồi tiếp tục: “Đâu ai ngờ được phận đời trái ngang, một hôm Tú dắt ông về nhà chơi, em gái Tú lại đem lòng si mê ông, cha mẹ Tú cũng đồng lòng chấp thuận gán ghép. Ông không chấp nhận được, đành phải dứt tình với Tú dù vẫn còn yêu sâu đậm“.

Năm 75, đất nước giải phóng, ông Sang về quê nhà làm đủ mọi việc mưu sinh qua ngày. Rồi đam mê ca hát từ nhỏ ngày càng thôi thúc, rảnh rỗi ông lại được mời đi hát đám cưới, người ta thấy hay lại rủ ông đi đoàn lô tô. Cứ thế, hát từ rạp này qua rạp khác, dần dần theo đoàn đi xa, ông biết mình không thể bỏ nghiệp “xứ ca vô loài” này được nữa, đành bỏ lại bàn thờ cha mẹ quê nhà mà chọn cuộc sống nay đây mai đó, sống trọn với đam mê.

Dọc từ Nam chí Bắc, từ các tỉnh miền Tây cho tới Nha Trang, Bình Định rồi Bắc Ninh, Lạng Sơn, Yên Bái, cô đào Trang Kim Sa cứ thế mấy chục năm sống mãnh liệt với đam mê dưới ánh đèn sân khấu lập lòe. “Có những đợt mưa lũ miền Trung, đâu có mần ăn hát hò gì được, cả đoàn 'đói nhăn' rau cháo qua ngày, bà con thấy thương cũng đem cho ít này ít nọ. Coi bộ cái nghề này bạc cũng nhiều mà vui cũng nhiều lắm, không kể đâu cho hết“, ông Sang bồi hồi nhớ lại.

Nhắc tới cái tên Trang Kim Sa đầy kiêu hãnh, ông Sang cho biết: “Mình giả gái đi hát lô tô, không để cái tên Ngô Văn Sang được, nó không nghệ sĩ. Kim Sa là cái tên thằng bạn nó đặt cho, nó hay gọi riết thành nghệ danh lúc nào không hay“. Nghĩ về quãng đời hơn 30 năm đi theo gánh hát mưu sinh, ông Sang vui vẻ kể: “Lúc đầu lên sân khấu run lắm, quên lời rồi sai lời đủ cả mà cũng chỉ biết cười, dần rồi cũng quen. Mà khán giả người ta thích coi mình biểu diễn, chắc người ta thấy vui, thấy mình ngồ ngộ nên họ tò mò, nhiều đêm còn được tặng bông, tặng quà. Vui lắm

“Thí mạng cùi, một chết hai được sống với cái thân thể mình khao khát con ơi”

Gần 10 năm đi hát, cô đào Trang Kim Sa tích góp chắt chiu từng đồng lương ít ỏi, làm đủ mọi việc vặt trong đoàn cốt dành dụm tiền cho ước mơ “thành phụ nữ”. Ông Sang tâm sự: “Ban đêm đi hát rồi phụ người ta diễn kịch, múa, xiếc,… còn ban ngày chú đi quét rác, dọn sân khấu, khiêng bàn ghế, giặt đồ thuê,… nói chung trừ mấy chuyện phi pháp ra, còn hễ ai thuê gì là chú làm nấy, không nề hà chuyện gì… miễn có tiền“. Chắc cũng chính vì bản tính vốn biết chi tiêu tiết kiệm lại không ngại khó ngại khổ nên cô đào Kim Sa sớm thực hiện được khát khao bấy lâu.

Cái thời đó bên mình đã biết gì về chuyển giới đâu, kiến thức sách vở cũng hiếm hoi lắm. Được cái bạn bè cùng giới đi nước ngoài nhiều, tụi nó hay viết thơ về hỏi thăm, rồi tụi nó nói đã chuyển giới. Chú cũng thèm lắm mà đâu có điều kiện, thế là nhờ nó mua thuốc gửi về để mình tự chích“, ông Sang chia sẻ.

Ông Sang ngồi nhớ lại khoảng thời gian chuyển giới đầy khó khăn

Giữa năm 1983, dù biết bản thân còn quá mông lung về kiến thức chuyển giới, cũng chẳng ai có kinh nghiệm hay chuyên môn gì nhưng chẳng thể cản lại khát khao, cô đào Kim Sa cùng bạn bè trong đoàn quyết định liều chết chuyển giới. “Không biết cái gì hết, chỉ biết liều. Chị em trong đoàn tự chích đại cho nhau, cứ thế chích từ mũi, môi, má, ngực, mông không thiếu thứ gì hết. Bất chấp hết, chết cũng được con ơi“, ông Sang tâm sự. Ai cũng sợ chết, nhưng khi đặt mình vào vị thế của những “phận đời trái ngang” luôn từng giờ từng phút thèm khát được sống với đúng con người mình thì chuyện bất chấp đặt cược tính mạng để thỏa khát khao cũng là điều dễ hiểu.

Chết nhiều lắm, cũng mấy chục người chứ không ít. Vì không có nghiệp vụ, cứ chích thí chích đại cho nhau. Người chết ngay lúc đó vì sốc thuốc, người vì 'thích bự', bơm quá liều nó vỡ ra, cũng chết. Nhưng ai cũng chuẩn bị tinh thần hết cả, 'thí mạng cùi' mà. Sống không là chính mình thì cũng như chết đi thôi“, ông Sang tưởng nhớ lại những người bạn bè trong đoàn năm xưa.

Chuyển xong, cô đào Kim Sa dù nức tiếng xa gần vì hát hay cũng gặp không ít khó khăn về chuyện đi hát. “Mấy đoàn lớn hồi đó người ta kỳ thị người chuyển giới chứ không như bây giờ, họ chỉ nhận những người đàn ông bình thường giả gái thôi chứ không chịu nhận mình. Ông cũng xác định chuyện này từ trước, nhưng vẫn quyết định chuyển, nghèo khó cách mấy miễn mình cảm thấy hạnh phúc là mãn nguyện rồi“, ông Sang quả quyết.

Cuối đời, vẫn luôn ước mong lại được một lần đứng trên sân khấu biểu diễn.

Tai họa ập đến đột ngột khi đoàn hát đang lưu diễn ở vùng đất biển Nha Trang, vào một buổi sáng bình thường như bao ngày, vẫn đi chợ ăn uống, tới xế trưa, cơn nhức đầu ập đến, cô đào Kim Sa được đưa vào bệnh viện trong tình trạng huyết áp tăng mạnh. Nằm đêm tới sáng, nửa bên người bị liệt. Thế là ở cái tuổi 65, khi vẫn đang miệt mài theo nghiệp hát, cô đào Kim Sa buộc phải khép lại niềm đam mê vẫn còn dang dở vì cơn đột quỵ.

Di chứng sau cơn đột quỵ là nửa thân phải bị liệt, chân tay sưng phù

Ngồi tựa vào một góc tường bé xíu trong căn trọ cũ kỹ, ông Sang nhìn xa xăm vào một khoảng không vô tận, nhớ lại: “Cũng đâu có tiền, bạn bè phải người gom góp ít giúp đỡ viện phí. Ai cũng bận đi hát mưu sinh nên đâu thể chăm sóc mình, được đâu chừng tháng rưỡi thì ông xin bác sĩ cho về. Bắt xe về Sài gòn, nhờ bà bạn tri kỷ giúp đỡ chăm nom đến tận bây giờ, âu cũng là cái số của mình“. Giá mà… cơn đột quỵ ấy không xảy ra, có thể vẫn còn một cô đào Kim Sa đang cháy hết mình trong những đêm lô tô, mang tiếng cười niềm vui đến cho mọi nẻo!

Giờ đây, ở cái tuổi 75, liệt nửa người, ông Sang vẫn ngày ngày cặm cụi đi bán từng tờ vé số. “Già rồi, đi bán cũng hay bị người ta lừa. Có khi bị giật cả xấp vé số, chỉ biết khóc chứ kêu ai bây giờ. Rồi thì bị đổi vé số giả, nó bảo đổi cho nó hai tờ vé số trúng giải 100 ngàn, đến lúc lên đại lý thì người ta báo là vé số giả, vậy là mất toi 200 ngàn. Mà không bán không được, đâu biết làm gì để sống, chỉ còn cách phải cẩn thận đề phòng hơn“.

Người bạn tri kỷ từ thuở nhỏ của ông Sang giờ sống cùng để chăm sóc cho ông

Lâu rồi, kể từ cái thời nghỉ hát, ông không còn được nghe ai đó gọi cái tên “Trang Kim Sa” mỹ miều lúc xưa nữa. “Thôi… sợ người ta cười nhạo, cũng già rồi nên ai hiểu thì mình mừng còn không cũng không sao, kệ“, ông Sang nói.

Khi được hỏi đến ước mơ cuối đời có muốn một lần được sống lại với đam mê ca hát, giọng ông Sang bỗng nhòe đi: “Thèm lắm chứ, ai mà bỏ được đam mê, có chết thì vẫn muốn chết với đam mê mà. Nhưng giờ điều kiện không có, giọng cũng khàn đi nhiều, cũng chẳng dám mong gì hơn ngoài sức khỏe để sống trọn cuộc đời, vậy là mãn nguyện“.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Phạm

Được quan tâm

Tin mới nhất