Từ vụ cô gái bị lừa thuê villa 10 triệu qua mạng: Bỏ túi 4 kinh nghiệm đặt phòng online, tránh mất tiền oan uổng

Vương Quốc Anh
Chia sẻ

Tình trạng ảnh mạng một đường, phòng nhận một nẻo khi đặt khách sạn online ngày một nhiều khiến du khách không chỉ không được nghỉ ngơi mà còn phải ôm thêm bực tức. Travel blogger Sơn Đoàn chia sẻ kinh nghiệm giúp việc đặt phòng trở nên dễ dàng như ăn bánh.

Mới đây, mạng xã hội dậy sóng với vụ việc cô gái đặt villa ở Vũng Tàu giá 10 triệu nhưng rốt cuộc chỉ nhận được căn nhà còn thua xa nhà nghỉ.

“Tai nạn đặt phòng” không phải là chuyện mới khi trước đây cũng từng có nhiều sự việc đáng tiếc tương tự đã xảy ra. Trước “vấn nạn” này, travel blogger Sơn Đoàn nổi tiếng với các bộ ảnh chụp Việt Nam thật nên thơ và tình tứ, chia sẻ kinh nghiệm đặt phòng qua mạng giúp ai cũng có thể hưởng thụ được một kỳ nghỉ dưỡng thật trọn vẹn.

Sơn Đoàn là một trong những travel blogger nổi bật nhất hiện nay với các bộ ảnh đậm chất thanh xuân.

Kiểm tra thông tin qua mạng xã hội

Nói không ngoa nhưng Facebook và Instagram chính là viên ngọc quý của giới trẻ thời hiện đại, không chỉ cập nhật và chia sẻ tin tức, đây cũng là công cụ mạnh mẽ giúp chúng ta kiểm tra thông tin về khách sạn, homestay.

Với kinh nghiệm của mình, Sơn Đoàn cho biết: “Là một người sử dụng Instagram cực kỳ thường xuyên, mình sẽ tìm kiếm hình ảnh trước về nơi ở đó qua hashtag, qua tài khoản của những người dùng khác để xem có đúng như lời quảng cáo không. Sau khi thấy ưng ý, mình sẽ liên hệ để nhận tư vấn. Cảm thấy hài lòng về mọi thứ mình mới đặt phòng rồi chuyển khoản”.

Hãy sử dụng mạng xã hội thật hiệu quả để kiểm tra thông tin khách sạn, nhà nghỉ trước khi đến.

Khách sạn và homestay ngày nay thường có fanpage trên Facebook và tài khoản Instagram, ở đây bạn không chỉ nhận được thông tin ưu đãi mới để nhận được món hời, mà còn có thể xem được ý kiến đánh giá từ cộng đồng mạng để đưa ra quyết định cuối cùng.

Chia sẻ thêm về việc thanh toán đặt cọc trước qua mạng, Sơn Đoàn tiết lộ rằng việc này giúp cả chủ nhà lẫn du khách thêm tiện lợi và tiết kiệm được thời gian, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại những bất cập nếu chúng ta quá chủ quan và cả tin vào những lời quảng cáo “có cánh”.

Vì nghệ thuật là ánh trăng lừa dối, hãy cẩn trọng với những thứ đẹp quá mức bình thường khi chọn nơi lưu trú.

Lời đánh giá từ những khách hàng trước

Trên các trang mạng xã hội hay chuyên trang về du lịch, luôn có mục đánh giá dành cho du khách. Đây là nơi để khách du lịch chia sẻ trải nghiệm bản thân về nơi ở, cũng như phản hồi những thứ chưa được về chỗ tá túc đó. Nếu bạn băn khoăn khi đặt phòng, hãy xem đây là một nguồn tham khảo đáng giá.

“Nếu bạn đã dành thời gian ra để bàn bạc và xác định sẽ đi đến nơi nào đó, thì hãy dành thêm chút thời gian để đọc đánh giá từ những người đi trước. Có nhiều trang để đọc review như các blog du lịch, Google Maps… Tại đây không chỉ có chữ mà còn có cả hình ảnh chụp thực tế từ các du khách đó”, chàng trai sinh năm 1994 chia sẻ.

Những dòng review trên mạng giống như lời kể lại từ những người đi trước ở đời thật, rất quan trọng và giàu tính trải nghiệm.

Anh cũng cho biết thêm đừng quá tin vào những bức ảnh lung linh vì “nghệ thuật là ánh trăng lừa dối”, công nghệ chỉnh sửa ảnh ngày nay đã phát triển quá vượt bậc, khiến mọi thứ đều có thể bị chỉnh sửa khác đi rất nhiều, dẫn đến việc chúng ta sẽ bị thất vọng tràn trề khi đối diện với thực tế.

Số điện thoại và địa chỉ nhà là “chìa khóa” quan trọng

Ngoài kiểm tra những thông tin trên mạng xã hội, số điện thoại và địa chỉ nhà là thứ không bao giờ lỗi thời để bạn trổ chút tài thám tử. Hãy gõ vào Google hai thông tin này, bạn sẽ nhận về cho mình những kết quả rất đáng giá hoặc có thể gọi điện thoại trực tiếp và tự xác nhận thông tin.

“Một việc nữa để xác nhận thông tin rất hữu hiệu dù khá phiền phức và đôi khi không khả thi, đó chính là bạn có thể nhờ người quen ở nơi đó đến tận nơi để kiểm tra giúp. Với cách làm này, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng tuyệt đối và đưa ra được quyết định thật chính xác”, travel blogger 9X cho biết thêm.

Nếu có thể, hãy nhờ bạn bè hoặc người thân tại địa phương đó “thực địa” giúp để nhận được lời khuyên đúng đắn.

Về cơ bản, Sơn Đoàn cho biết cần nhất vẫn là tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau trên mạng, tránh tin vào những lời quảng cáo bay bổng hay những bức ảnh quá lung linh, sau nhiều chuyến đi bạn sẽ tự đúc kết cho mình kinh nghiệm xương máu và không còn bị mắc lừa nữa.

Nếu lỡ bị ăn quả lừa thì làm sao?

Cũng trong đoạn chia sẻ về kinh nghiệm đặt phòng qua mạng, Sơn Đoàn tiết lộ kỷ niệm về một lần đặt phòng bị “hố” và cách giải quyết tình huống.

“Đợt đó mình có lên mạng tìm homestay và rất ưng ý với một chỗ, cả nhóm rất háo hức vì chỗ ở tiện nghi và có view đẹp. Khi đến nhận phòng, mặc dù trang trí nội thất rất đẹp nhưng cơ sở vật chất rất thiếu thốn do đó là nhà của dân bản địa, những thứ cơ bản như wifi, giường nệm, máy nước nóng hoàn toàn vắng bóng.

Cố gắng thương lượng với chủ nhà khi sự cố không mong muốn xảy ra, nhưng tốt hơn hết vẫn là đừng khiến sự cố nào xuất hiện.

Lúc này, quản lý nhà cho biết vì homestay mới đưa vào hoạt động nên vẫn chưa có đầy đủ các trang thiết bị cần thiết. Ngoài trời đã tối, cả nhóm không thể tìm được chỗ khác để lưu trú qua đêm. Cuối cùng mình phải gọi thẳng đến chủ nhà để nói rõ vấn đề và thương lượng về giá.

Rất may mắn khi cả nhóm đã được giảm giá vì những thiếu sót của chỗ ở, nhưng đó cũng là một bài học để mình phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi lựa chọn phòng vì không phải lúc nào quá trình thương lượng cũng được suôn sẻ như vậy”, travel blogger kể lại.

Vì mỗi chuyến đi đều là những trải nghiệm đáng nhớ, đừng khiến chúng trở thành kỷ niệm xấu đáng quên.

Đặt phòng qua mạng rất tiện lợi và giúp ích rất nhiều cho cả hai bên, nhưng cũng như bất cứ thứ gì có thể mua bán được trên đời này, sẽ luôn có những kẻ lừa gạt cùng những tay mơ gà mờ bị sập bẫy. Vì thế, hãy tỉnh táo và tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau để có được một chuyến đi như ý muốn bên bạn bè và người thân.

Chia sẻ

Bài viết

Vương Quốc Anh

Tin mới nhất