Thời kỳ "hoàng kim" của Parkson
Đổ bộ vào thị trường mua sắm Việt Nam từ năm 2005, TTTM Parkson (trực thuộc Parkson Holdings Berhad - Công ty đầu tư của Tập đoàn Lion, Malaysia) là trở thành một trong nhiều siêu thị bán lẻ hàng hiệu quốc tế đầu tiên ở nước ta.
Trong 8 năm, Parkson thành công vươn rộng địa bàn của mình tại trung tâm sầm uất ở Hà Nội và TP.HCM với chuỗi trung tâm mua sắm. Parkson trở thành nơi đáp ứng nhu cầu làm đẹp của giới nhà giàu khi thời điểm đó chưa có nhiều trung tâm thương mai cao cấp của nước ngoài "nhảy" vào Việt Nam.
Năm 2012, Parkson có 8 trung tâm thương mại (TTTM) bao gồm 5 TTTM sở hữu là Hùng Vương, Flemington, Long Biên, Viet Tower, Landmark và 3 TTTM thuê lại để quản lý là Saigon Tourist, Paragon và C.T. Ngoài ra, Parkson còn có một TTTM tại Hải Phòng.
Năm 2013, Parkson công bố sẽ tiếp nhận 2 trung tâm thương mại nữa tại TP HCM dưới dạng hợp đồng quản lý là Parkson Cantavil (quận 2) và Parkson Leman (nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3).
Parkson Việt Nam nộp đơn phá sản - "Cái chết" đã được dự báo trước
Nhưng chỉ một năm sau, các trung tâm thương mại Parkson lần lượt bốc hơi. Tình trạng khan hiếm khách hàng dẫn đến nhiều trung tâm phải đóng cửa vì thua lỗ, không chịu được chi phí mặt bằng.
Cụ thể, ngay đầu năm 2015, Parkson Keangnam (Từ Liêm, Hà Nội) đột ngột đóng cửa. Đến tháng 5/2016, TTTM Parkson Paragon tại quận 7, TP.HCM chính thức ngừng hoạt động khi tình hình tài chính của doanh nghiệp này không mấy sáng sủa. Cũng trong năm này (12/2016), Parkson Viet Tower (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng theo đó ra đi. Tiếp đó, tháng 3/2018, Parkson Flemington (Lê Đại Hành, quận 11) cũng biến mất khỏi bản đồ mua sắm của Việt Nam.
Với 4 TTTM đóng cửa từ 2015 đến 2018, Parkson đã cho thấy dấu hiệu đuối sức trong cuộc chạy đua giành thị phần bán lẻ khi mà ngày càng có nhiều đối thủ trong và ngoài nước xâm nhập vào thị trường. Trong đó phải kể đến như: Crescent Mall, Lotte, Aeon... đây đều là những TTTM đánh vào nhu cầu sử dụng dịch vụ nhiều hơn của nhóm khách hàng có thu nhập trung bình và thấp. Từ việc tích hợp khu vui chơi, rạp chiếu film và ăn uống trong khu mua sắm khiến sức mua được cải thiện và mở rộng được nhóm khách hàng hơn so với chỉ nhắm vào một nhóm đối tượng như Parkson.
Vốn đã kinh doanh khó khăn, tác động của dịch bệnh Covid đã lập tức "hạ gục" Parkson Việt Nam chỉ trong 2 năm 2020-2021.
Cho đến ngày 28/4/2023, Parkson Retail Asia (PRA, Singapore) vừa phát đi thông báo chính thức về việc Công ty TNHH Parkson Việt Nam (công ty con do PRA nắm 100% vốn) sẽ nộp đơn phá sản tự nguyện lên Toà án nhân dân TPHCM.
Trong thông báo PRA cho biết Parkson Việt Nam có lịch sử hoạt động thua lỗ. Các khoản lỗ thậm chí tiếp tục phình to những năm gần đây do sự ảnh hưởng từ Covid-19 tới môi trường kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc thiếu hỗ trợ từ chủ mặt bằng, ví dụ như không giảm tiền thuê hoặc giảm không đáng kể, trong thời gian phong tỏa vì Covid-19 ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính của Parkson Việt Nam. Thuế đất cao cũng là nguyên nhân khiến công ty thêm khó khăn.
Tập đoàn đã đánh giá và xác định rằng việc tiếp tục hoạt động tại Việt Nam là không khả thi về mặt thương mại và hội đồng quản trị của Parkson Việt Nam nhận định, việc nộp đơn phá sản là phương án tối ưu nhất.
Dù đã từng có 10 TTTM trải dài trên cả nước, nằm tại những khu đất trung tâm, thời kỳ "vàng son" của Parkson cuối cùng đã khép lại sau 18 năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới quan sát, đây là một "cái chết đã được dự báo trước".