Kinh doanh

Nợ thẻ tín dụng 8.5 triệu bị ngân hàng đòi 8.8 tỷ: Ngân hàng đã tính nợ lãi thế nào?

Theo Tổng hợp
Chia sẻ

Nhiều người không khỏi thắc mắc về cách tính nợ lãi của ngân hàng như thế nào mà từ vay 8.5 triệu đồng có thể đội mức dư nợ hiện tại lên hơn 8.8 tỷ đồng.

Những ngày gần đây, vụ việc người đàn ông ở Quảng Ninh sử dụng thẻ tín dụng của Eximbank với dư nợ ban đầu hơn 8,5 triệu đồng, sau gần 11 năm chưa trả, dư nợ hiện tại lên hơn 8.8 tỷ đồng khiến dư luận không ngừng xôn xao bàn tán. 

Trong đó, nhiều người không khỏi thắc mắc về cách tính nợ lãi của ngân hàng như thế nào mà có thể đội lên con số lớn như vậy?

Ngân hàng đã tính nợ lãi thế nào?

Trả lời Tuổi Trẻ Online câu hỏi này, ông Trần Nhật Nam, chuyên gia tài chính, từng là phó tổng giám đốc kiêm giám đốc khối đầu tư một ngân hàng ở Hà Nội, cho biết:

Phía ngân hàng chưa cung cấp cách tính lãi trong trường hợp nêu trên. Mỗi nơi sẽ áp dụng biểu lãi suất, phí phạt và các loại phí đi kèm khác nhau. Nhưng dựa trên lãi suất phổ biến trên thị trường, cùng công thức về dòng tiền, ước tính tầm 8.8 tỷ đồng là cũng có thể xảy ra. 

Mức lãi suất tín dụng nhiều ngân hàng hiện nay tầm 20 - 36%. Lưu ý, lãi suất cho tín chấp, không tài sản đảm bảo nên mấy chục phần trăm dù rất cao nhưng vẫn có.

Nợ thẻ tín dụng 8.5 triệu bị ngân hàng đòi 8.8 tỷ: Ngân hàng đã tính nợ lãi thế nào? Ảnh 1

Giả sử khách hàng bị áp lãi suất thẻ 30 - 35%/năm, áp dụng trong 1-2 tháng đầu. Sau đó không thanh toán, sẽ thành nợ quá hạn.

Công thức tính lãi quá hạn = Số tiền vay chưa trả x 150% lãi suất theo thỏa thuận x Thời gian chưa trả nợ gốc.

Nếu vậy thì khách hàng phải trả trên 50%/năm cho dư nợ quá hạn đó.

Lãi suất thẻ tín dụng về bản chất sẽ là "lãi mẹ đẻ lãi con". 

Tính gộp theo tháng chứ không phải theo năm. 11 năm thì tổng là 132 tháng, như vậy sẽ có công thức: (1.05^132)x8.5 triệu đồng, tổng khoảng 5,3 tỉ đồng.

Đấy là tính cơ bản với dư nợ gốc 8,5 triệu đồng ban đầu, nhưng thực tế còn chưa kể chi phí khác có thể phát sinh trong 11 năm. 

Bao gồm phí duy trì thẻ hàng năm, có thể 500.000 - 1.500.000 đồng/năm. 

Chưa kể rất nhiều chi phí khác cộng gộp như chuyển nhóm nợ, chi phí cho bên đòi nợ… Lãi suất kép mà tính theo tháng thì thực sự sẽ là những con số khủng khiếp. 

Muốn biết chính xác con số 8.8 tỉ này có đúng và hợp lý không cần tiếp cận chính thức thông tin từ ngân hàng đưa ra. Trên đây là giả thiết. 

Chủ thẻ khẳng định chưa từng vay thẻ tín dụng

Trước đó, vào ngày 14/3, trao đổi vớiVietNamNet, anh P.H.A (trú TP Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết, bản thân không hề vay tín dụng số tiền 8.5 triệu đồng tại Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh.

Theo anh H.A, năm 2012, qua một người bạn nên anh nhờ một nam nhân viên (không nhớ danh tính) Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh làm thẻ tín dụng. 

Lúc này nam nhân viên ngân hàng yêu cầu anh H.A ký trước vào hợp đồng mở thẻ và nhận thẻ. Sau đó, anh này đưa cho anh H.A một chiếc thẻ thường với lý do thẻ tín dụng đang gặp trục trặc. Vì nghĩ không làm được nên anh H.A không để ý tới nữa. 

Năm 2016, anh H.A có nhu cầu đi vay vốn ngân hàng thì được thông báo bản thân có nợ xấu tại Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh. Sau khi đến hỏi thì được ngân hàng này thông báo phải chịu trách nhiệm với chiếc thẻ tín dụng đã mở trước đó. Quá bất ngờ, anh H.A yêu cầu được xem lại hồ sơ mở thẻ tín dụng và sao kê chi tiết. 

Trong nội dung sao kê, thẻ tín dụng của anh H.A đã từng vay tiền để mua một chiếc điện thoại với giá hơn 9 triệu đồng. Theo anh H.A, chữ ký trong sao kê không giống chữ ký của anh trong hồ sơ mở thẻ. Hơn nữa, trong sao kê ngân hàng, có 2 lần đã trả lãi trong vòng 2 tháng, việc này anh H.A khẳng định là không biết.

Một điều nữa, trong hồ sơ mở thẻ có 2 số điện thoại, một của anh H.A và một số lạ khác. Sau đó, số điện thoại lạ kia đã không còn được sử dụng. Nam nhân viên ngân hàng trước đó hỗ trợ mở thẻ đã nghỉ việc, đến nay không rõ địa chỉ.

Anh H.A thắc mắc, tại sao khi thấy có nợ xấu thì ngân hàng lại không thông báo ngay thời điểm đó. 

"Mặc dù là người bị hại, nhưng không muốn ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân nên tôi có nhu cầu khắc phục hậu quả số tiền nợ nhưng ngân hàng không đồng ý và yêu cầu tôi trả cả gốc lẫn lãi mà thẻ tín dụng đó đã vay", anh H.A cho biết.

Từ năm 2016 đến nay, phía Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh và anh H.A đã gặp trực tiếp rất nhiều lần để giải quyết nhưng không có tiếng nói chung.

Anh H.A cho biết thêm, phía ngân hàng yêu cầu về địa phương xin xác nhận một đơn nội dung không có khả năng chi trả. Anh H.A không đồng ý với lý do nếu xin đơn đó thì đồng nghĩa với việc anh H.A là người lừa đảo.

Cũng theo anh H.A, phía ngân hàng cũng không cho anh biết phương thức tính lãi ra sao khi từ 8,5 triệu mà lên tới hơn 8 tỷ đồng.

"Năm 2023, phía Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh có gửi công văn nhắc nợ tới tôi với số tiền phải trả là hơn 8,8 tỷ đồng, nếu không trả sẽ bị khởi kiện. Tôi cũng muốn làm rõ việc này vì bản thân không biết thẻ tín dụng đó tồn tại và việc ai dùng thẻ đó để vay tiền rồi bắt tôi chịu trách nhiệm", anh H.A cho hay.

Chia sẻ

Theo

Tổng hợp

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất