Công Nghệ

Video giả mạo khoảnh khắc trực thăng của Kobe Bryant gặp nạn hút hơn 3 triệu view trên YouTube

Duy Huỳnh
Chia sẻ

Một bộ phận người dùng mạng xã hội đã lợi dụng tai nạn rơi máy bay trực thăng khiến Kobe Bryant và con gái tử nạn để câu tương tác, trục lợi cho chính bản thân.

Rạng sáng 27/1 (giờ Việt Nam), huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant và con gái Gianna (13 tuổi) đã thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay trực thăng tư nhân ở California (Mỹ). Ngoài hai cha con xấu số, còn có 7 nạn nhân qua đời trong tai nạn thảm khốc này.

Sự ra đi quá đột ngột của huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant khiến hàng triệu người hâm mộ trên thế giới đau buồn lẫn tiếc nuối cho cầu thủ tài hoa nhưng bạc mệnh.

Huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant trong một trận giao tranh năm 2015. (Ảnh: AFP)

Tuy nhiên, không phải ai cũng đau buồn vì cái chết của huyền thoại bóng rổ 41 tuổi, một bộ phận người dùng mạng xã hội đã nhân sự kiện đáng buồn này để câu tương tác, trục lợi cho chính bản thân.

Theo Cnet, kể từ khi thông tin Kobe Bryant và con gái Gianna tử nạn vì bị rơi trực thăng được truyền thông đăng tải, đã có hàng loạt video được đăng trên YouTube với chú thích rằng đó là đoạn video quay lại thời khắc cuối cùng của Kobe Bryant. Những đoạn video này đã đánh lừa được hàng triệu người hâm mộ đau buồn vì cái chết của huyền thoại bóng rổ 41 tuổi.

Đoạn video giả mạo cảnh máy bay trực thăng của Kobe Bryant thu hút hơn 3 triệu lượt xem trên YouTube. (Ảnh chụp màn hình)

Một video với tiêu đề “Video cảnh máy bay trực thăng gặp nạn Kobe, và con gái của cô ấy” dù được tải lên vào hôm qua đã có hơn 3 triệu lượt xem.

Chủ kênh này đã khóa bình luận của đoạn video, có lẽ vì thế nên không ai có thể chỉ đoạn video chỉ là một trò lừa bịp. Chưa kể, cách sử dụng đại từ “cô ấy” cho Kobe Bryant, một huyền thoại bóng rổ nam được đánh giá là xuất sắc mọi thời đại, cũng đủ cho thấy sự thiếu tôn trọng của kẻ đăng tải video này.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay trực thăng khiến Kobe Bryant và con gái tử nạn. (Ảnh: Getty Images)

Tương tự, một đoạn video giả mạo về vụ tai nạn máy bay trực thăng của Kobe Bryant cũng có thu hút hơn 325.000 lượt xem chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nhiều người hâm mộ đã nhanh chóng phát hiện chiêu trò câu tương tác này.

Một người dùng YouTube có tên Renee Franklin bình luận: “Đừng tin mọi người ơi … Đây không phải là đoạn video quay lại cảnh rơi máy bay trực thăng của Bryant đâu. Nhìn vào địa hình … Những ngọn đồi ở California không giống như vậy. Và cũng không có sương mù…”

Mới đây, trang web Snopes.com cũng có bài đăng bóc mẽ những video giả mạo này. Theo Snopes.com, một trong những video “giật tít” là vụ tai nạn trực thăng của huyền thoại Kobe Bryant thực chất là một vụ tai nạn đã xảy ra vào tháng 12 năm 2018 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất.

Chia sẻ

Bài viết

Duy Huỳnh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất