Công Nghệ

Từ vụ Sulli kết liễu đời mình ở tuổi 25 và những hậu quả khôn lường của bạo lực mạng

Duy Huỳnh
Chia sẻ

Bạo lực mạng tuy không trực tiếp làm chết người nhưng những hành động, lời nói cay độc của họ có thể dồn đuổi các nạn nhân như Sulli vào tận chân tường, buộc cô phải tự tìm đến cái chết.

Vào chiều qua (14/10), thông tin nữ ca sĩ kiêm diễn viên Sulli (tên thật Choi Jin ri) đã ra đi mãi mãi ở tuổi 25 khiến người hâm mộ của cô cực kỳ sốc. Việc Sulli ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng và xót xa.

Theo tờ Sport Chosun, Sulli tự tử bằng cách treo cổ bởi sợi dây đèn, nguyên nhân có thể do trầm cảm. Trước khi qua đời, Sulli từng nhiều lần bị cư dân mạng chỉ trích vì lối sống nổi loạn, phóng khoáng, do đó người hâm mộ đoán rằng đây cũng có thể là lý do chính khiến nữ diễn viên gặp áp lực, dẫn tới tự tử.

Câu chuyện cuộc đời của Sulli khiến không ít người xót xa. Ngoài những lời tiễn biệt đau lòng, cầu chúc cô có thể hạnh phúc ở kiếp sau, người ta còn lên án sự ác nghiệt của dư luận khi đẩy một cô gái đang độ tuổi đẹp nhất đời người vào đường cùng, để rồi khiến cô phải chọn cách từ giã cõi đời bởi không chịu được những lời miệt thị sâu cay.

Thực tế, Sulli không phải trường hợp đầu tiên chọn cách tự tử vì không chịu được những lời miệt thị của cư dân mạng, cô chỉ là nạn nhân mới nhất của những lời bình luận tổn thương, là “hình nhân thế mạng” để những kẻ giấu mặt trên mạng xã hội trút giận sự bực tức của bản thân hay những kẻ thích tạo niềm vui trên nỗi đau của người khác.

Bạo lực tinh thần, mặt trái của mạng xã hội và Internet

Sulli tự tử

Quấy rối, bạo hành và khủng bố trên không gian mạng giờ đây đã trở thành một thứ vũ khí có sức hủy diệt rất lớn, để lại di chứng nặng nề cho các nạn nhân.

Với sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội và công nghệ, hành vi Cyberbullying đang trở nên cực kì phổ biến, đặc biệt đối với những thanh thiếu niên.

Cyberbullying có thể hiểu là bắt nạt trên mạng, bạo lực mạng hay bạo lực trực tuyến. Đây là hành động sử dụng công nghệ thông tin để làm tổn hại hay quấy rầy người khác có chủ ý. Bạo lực mạng có thể ở rất nhiều dạng như: Tung tin đồn bẩn về một ai đó; phát tán những hình ảnh, bài viết, video khiến uy tín của nạn nhận bị hủy hoại; hoặc đơn giản là sử dụng những câu nói sát thương làm tổn thương một người họ không thích trên Internet.

Bạo lực mạng có thể xảy ra 24/7 trên môi trường trực tuyến. Đáng chú ý, hình thức bạo lực này có thể xảy ra vô danh, và được phát tán với tốc độ rất nhanh trên mạng. Thậm chí ngay cả khi những bài viết, những tin nhắn quấy rối đã bị xoá đi, cũng vẫn sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.

“Tấn công, làm nhục một ai đó trong không gian mạng thì dễ dàng hơn ở trên đường phố rất nhiều. Bởi kẻ tấn công không phải tận mắt chứng kiến nỗi đau đớn khổ sở của nạn nhân. Ngoài ra trên mạng ẩn náu dưới những cái tên giả và những địa chỉ giả.

Quấy rối, bạo hành và khủng bố trên không gian mạng giờ đây đã trở thành một thứ vũ khí có sức hủy diệt rất lớn, để lại di chứng nặng nề cho các nạn nhân. Nhưng trớ trêu là bất cứ ai giờ đây cũng dễ dàng tiếp cận và sử dụng thứ vũ khí đó”, Delphine Meillet, một chuyên gia về tội mạng xã hội cho biết.

Như trường hợp của Sulli, khi cô làm bất cứ điều gì hay đăng bất cứ thứ gì lên mạng xã hội, cũng sẽ có hàng nghìn cư dân mạng lao đến phán xét, chê bai, miệt thị đủ điều vì không theo ý họ. Những bình luận ác ý được tuôn ra như thể Sulli không có cảm xúc, hoặc tưởng chừng cảm xúc cô đã chai sạn, thế nên cô sẽ không bao giờ bị họ làm tổn thương hay gục ngã.

Những nỗi đau dai dẳng

Sulli tự tử

Bạo lực mạng tuy không trực tiếp làm chết người nhưng những hành động, lời nói cay độc của họ có thể dồn đuổi các nạn nhân của mình vào tận chân tường, buộc những người này phải tự tìm đến cái chết.

Bắt nạt qua mạng thường để lại nhiều hậu quả nặng nề đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Nó có thể dẫn tới rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, tự làm đau bản thân (self-harm) và thậm chí tự tử.

Nạn nhân thường thiếu tự tin và tổn thương sự tự trọng nặng nề, có cảm giác sợ hãi, buồn bã, tức giận nhiều hơn sau khi bị bắt nạt. Chưa kể, một khi đã xuất hiện trên mạng thì những nội dung như vậy thường lưu lại rất lâu sau đó và rất khó để thoát khỏi nó. Nỗi đau gây ra bởi bắt nạt qua mạng là rất lớn và không thể lường trước được.

Bạo lực mạng tuy không trực tiếp làm chết người nhưng những hành động, lời nói cay độc của họ có thể dồn đuổi các nạn nhân của mình vào tận chân tường, buộc những người này phải tự tìm đến cái chết.

Như Sulli, thời điểm nữ ca sĩ hẹn hò Choiza, cô liên tục trở thành nạn nhân của bạo lực mạng khi bị nhiều người lên tiếng chỉ trích mối quan hệ cách 14 tuổi của cả hai. Thậm chí còn có những người cay độc tung tin đồn Sulli phá thai, lộ clip nóng.

Trước những lời chỉ trích từ cư dân mạng, Sulli chỉ biết chọn cách phản kháng là đăng ảnh nổi loạn nhiều hơn. Từ hình ảnh “công chúa SM”, Sulli trở thành “kiều nữ hư đốn” trong mắt antifan. Tuy nhiên, đó chính là sự nổi loạn của cô gái 21 trước trước những chỉ trích từ cộng đồng mạng.

Hồi chuông thức tỉnh cho cư dân mạng

Sulli tự tử

Sulli qua đời khi vừa tròn 25 tuổi, không để lại bất kỳ lá thư tuyệt mệnh nào.

Sự ra đi đột ngột của Sulli như hồi chuông thức tỉnh cho cư dân mạng. Nhiều người đã yêu cầu pháp luật nên vào cuộc để xử lí các bình luận ác ý gây hại cho người dân. Nhiều người cũng cho rằng nên có một “Luật cấm bình luận ác ý” để dễ dàng quản lí thực trạng bạo lực qua ngôn từ trên mạng. Đây là một suy nghĩ tích cực và thực tế là chính phủ các nơi toàn thế giới cũng đang tìm giải pháp để ngăn chặn điều này.

Tuy nhiên, trước khi những bộ luật về vấn nạn bạo lực mạng có tính răn đe hơn được đưa ra để bảo vệ các nạn nhân như Sulli, chúng ta hãy nhớ suy nghĩ cẩn thận mọi ngôn từ trước khi “gõ phím”. Nên nhớ, trong thời đại ngày nay, một lời nói, một bài đăng của bạn có thể trở thành một vũ khi vô cùng nguy hiểm có thể gián tiếp “giết người”. Nếu bạn là một trong những người hay phát ngôn thô lỗ và nhục mạ người khác trên mạng thì hãy dừng lại ngay lập tức!

Chia sẻ

Bài viết

Duy Huỳnh

Tin mới nhất