Vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống để đạt thành công
Sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại Mỹ, anh Lê Phạm về nước cùng hành trang là khối kiến thức của nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới. Với khát khao khẳng định bản thân, anh dồn hết tâm huyết vào việc phát triển sự nghiệp riêng. Đến nay, anh điều hành 3 công ty chuyên về công nghệ tài chính, truyền thông và logistics.
Để có một công việc thành công với vai trò “chèo lái” nhiều doanh nghiệp, ít ai biết rằng trước đây anh Lê Phạm đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Đặc biệt là những năm tháng sinh sống tại Mỹ và Canada, anh đã làm rất nhiều công việc khác nhau từ lau dọn, chạy bàn trong các nhà hàng để có tiền trang trải cho chi phí sinh hoạt và học tập đắt đỏ ở nước ngoài, mà không phải nhờ cậy đến gia đình tại Việt Nam.
Cái cơ cực, thiếu thốn nơi xứ người đã nuôi dưỡng trong anh ý chí bền bỉ và vượt khó hơn bao giờ hết. Đây chính là động lực để anh Lê Phạm kiên nhẫn và nỗ lực hơn trong công việc sau này. Anh luôn khát khao khẳng định bản thân, chạm đến thành công để những nỗi khốn khó trong quá khứ được bù đắp.
Thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời, khi thiếu bữa ăn hoặc không có chỗ ngủ vì không đủ tiền thuê nhà, anh đã được nhiều người xa lạ giúp đỡ. Những hành động đó luôn được anh Lê Phạm cảm kích, biết ơn, ghi tạc trong lòng và là động lực để sau này anh giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Anh Lê Phạm chia sẻ, sau khi về nước, cuộc sống và công việc ổn định hơn, anh luôn tìm cách để giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn nhất có thể. Với anh, cho đi là nhận lại, giá trị đích thực của sự cho đi không nằm ở món quà lớn hay nhỏ, mà nằm ở tấm lòng của người cho.
“Thực sự chỉ có đi mới thấy rất nhiều mảnh đời khốn khó cần giúp đỡ. Những người lao động tự do, bán vé số thất nghiệp… thuê nhà tại những khu trọ tồi tàn, trước đây cuộc sống đã “thiếu trước hụt sau”, nay trải qua dịch Covid-19 kéo dài thì lại càng kiệt quệ. Không chỉ riêng tôi mà mọi người ai nhìn thấy những cảnh đó cũng đều muốn giúp họ dù chỉ là một chút quà nhỏ.
Nhiều người nhận những gói mì, cân gạo, chai dầu… mà mắt họ đã rưng rưng, giọng nói lạc cả đi vì vui mừng rồi. Những lúc đó chỉ ước sao mình có khả năng để giúp đỡ họ nhiều hơn thế”, anh chia sẻ.
Từ thiện là tại tâm, cho đi là nhận lại
Mặc dù là một người bận rộn nhưng anh Lê Phạm vẫn dành thời gian cho các hoạt động từ thiện. Không chỉ trong đợt dịch vừa qua mà bất kể khi nào có thời gian, điều kiện, anh đều cố gắng tìm cách giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Anh càng đi, càng tìm hiểu và gặp gỡ nhiều người thì càng cảm nhận được trong cuộc sống còn quá nhiều hoàn cảnh cần được chia sẻ.
Anh Lê Phạm cho biết, từ trước đến nay, dù là những chuyến từ thiện lớn hay nhỏ, anh đều tự làm chứ không nhờ gửi qua cá nhân hay tổ chức nào khác. Anh cùng những người bạn, đồng nghiệp ban đầu sẽ tìm hiểu về các hoàn cảnh khó khăn, rồi đi mua những thực phẩm thiết yếu, đồ tiêu dùng hàng ngày và trao tận tay từng người, từng hộ gia đình.
“Khi đã giúp đỡ ai là tôi tìm cách giúp họ tốt nhất có thể, nếu làm hời hợt sẽ rất áy náy. Với tôi, làm từ thiện là xuất phát từ tâm. Tôi không nghĩ làm từ thiện là mang lại hạnh phúc cho người khác, mà chính bản thân mình nhận được rất nhiều khi làm việc thiện. Đó là lời cám ơn, thậm chí cả những giọt nước mắt mừng tủi. Hoạt động thiện nguyện giúp tôi cân bằng lại cuộc sống, trải nghiệm nhiều hơn và biết trân quý những gì mình đang có”, anh cho biết thêm.
Với anh Lê Phạm, việc chia sẻ các hoạt động thiện nguyện cũng là một cách để lan tỏa những cảm hứng tốt đẹp cho những người khác. Từ đó nhân rộng những hình ảnh đẹp, thôi thúc sự chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn nhiều hơn nữa. Dù bằng cách này hay cách khác, bằng vật chất hay món quà tinh thần, hay đơn giản chỉ bằng những nút chia sẻ đầy yêu thương thì mọi người cũng đã lan tỏa tình thương với những mảnh đời kém may mắn xung quanh.