Không phải là một quan điểm sính ngoại, nhưng khi có bất cứ một sản phẩm nào có nguồn gốc xuất xứ từ Châu Âu luôn làm cho người tiêu dùng có một cảm giác an tâm nhất định. Nhưng, để có thể nói về đồ cổ, thì cảm giác đó không chỉ còn là an tâm, mà nó sẽ còn là một sự xa cách và lạ lẫm vì sự xa hoa và tráng lệ của nó. Vì nhiều lý do và yếu tố khác nhau, Phạm Văn Lượng, chàng trai 9X gốc Nam Định lại có một tình yêu nồng nàn dành cho các cổ vật mang phong cách thiết kế hơi hướng của Châu Âu.
Từ một chuyến về thăm ông bà tại quê gốc của mình thuộc làng Hải Minh, Hải Hậu, nam Định - nơi vốn có truyền thống làm đồ gỗ và rất nhiều những tay buôn đồ cổ giàu kinh nghiệm với những bộ sưu tập vô cùng đáng ngưỡng mộ, Lượng gần như thích ngay những nét cổ kính và nguy nga của từng cổ vật mà anh chiêm ngưỡng. Từ những chiếc đồng hồ treo tường, những bức tượng nguy nga, những cặp đèn đá lộng lẫy… Lượng tâm sự: “Cảm giác thực sự choáng ngợp. Nhưng mình biết để có thể chơi và có cho mình một bộ sưu tập theo đúng ý mình thích thì phải mất rất nhiều tiền. Những bộ sưu tập đầu tiên mà mình thấy ở quê có giá trị gần như gia tài của cả một đời người.”.
Trở về Bình Dương với đam mê ghim sâu vào trí nhớ, Lượng bắt đầu chinh phục những cổ vật tráng lệ đó bằng đôi bàn tay với số vốn ít ỏi, khi nhận thấy tại thị trường miền Nam có rất ít những tiệm đồ gốm sứ của thương hiệu Bát Tràng. Bằng số vốn không nhiều, Lượng buôn những bộ ấm chén với giá tầm từ vài ba trăm nghìn - cao nhất là một vài triệu đồng. Khoản thời gian khởi nghiệp hết sức khó khăn và gian nan, nhưng cũng cực kỳ đáng nhớ.
Đáng nhớ bởi lẽ, anh đã rất nhanh nhạy khi kết hợp với livestream trên nền tảng Facebook để có thể mở rộng quy mô và tiếp cận được với nhiều người hơn. “Trong khoảng thời gian này mình đã livestream liên tục để tăng tương tác và tiếp cận được với nhiều dạng khách hàng hơn. Có hôm live tiếp cận tầm hai, ba nghìn người rất sợ sẽ không thể lên bill kịp cho khách. Thời đó mình chuyên đồ gốm sứ Bát Tràng và đồ đồng Thái Lan. Chưa phải là đồ cổ, nhưng khách hàng của mình rất chuộng, vì họ thích giá trị của nét văn hóa, giá trị của phong thủy trên từng sản phẩm mà mình đưa ra thị trường.”.
Sự phát triển và lũy tiến giá trị sản phẩm đưa ra là một điều dễ hiểu, bởi hướng đi hết sức khôn ngoan và hợp lý: “Hướng kinh doanh ngày xưa của mình là tạo ra một sàn giao dịch đồ cổ thực sự uy tín, minh bạch và có thể công khai cho toàn thể cộng đồng người chơi hoặc kinh doanh có thể thoải mái bình phẩm và giao lưu cùng nhau. Điều này tạo ra sự giao thoa rất đặc trưng giữa các bộ sưu tập có cùng hơi hướng phong cách với nhau, cũng như việc khẳng định giá trị và minh bạch về mọi khía cạnh, giúp người chơi có thể dễ dàng tiếp cận và nhận thức đúng về đồ cổ nói chung và đồ cổ phong cách Châu Âu nói riêng.”.
Dù là một người chơi hay một người kinh doanh, Lượng tin rằng ai cũng phải xuất phát từ một cái tâm rất chân thành. “Am hiểu về giá trị văn hóa của từng cổ vật là điều phải đi trước so với giá trị vật chất của cổ vật. Mình yêu đồng hồ ODO và những dòng đồng hồ có xuất xứ ra đời tại Đức và Pháp. Tiếng chuông của từng chiếc đồng hồ là khác nhau về đặc trưng và cảm xúc. Mình đam mê nó rất chân thành, nên thật may mắn khi Lượng có cho mình một bộ sưu tập đồng hồ treo tường ODO giá trị.” - Lượng chia sẻ với một nụ cười bên chiếc ODO 36/10 ra đời vào năm 1936.
Phong cách cổ điển của Châu Âu mang lại cho không gian sự sang trọng và tráng lệ, với quy mô đồ sộ của mình chắc chắn sẽ gây ấn tượng mạnh với người lần đầu được chiêm ngưỡng nó. Và Lượng có cho mình sự đa dạng, từ những chiếc đồng hồ để bàn gia công thủ công cầu kỳ cho đến những chiếc đồng hồ treo tường có tiếng chuông rung lên những giai điệu cổ kính, những chiếc đèn dầu hay đèn tượng cổ, những chiếc máy phát nhạc cổ đến từ Thụy Điển…
Nhưng, đặc biệt nhất trong số đó phải kể đến cặp đèn đá Italy mà anh đã may mắn có thể cung tiến được cho Nhà Thờ Thánh Giuse nay gọi là Nhà Thờ Lớn - một di tích lịch sử văn hóa tại Hà Nội. “Đó không còn là vấn đề về lợi nhuận nữa. Thực sự rất cảm động và tự hào khi được cung tiến một phần đam mê của mình cho Nhà thờ. Đến giờ mình vẫn còn cảm thấy biết ơn cơ hội của Cô Nga đã dành cho mình về niềm vinh hạnh to lớn này.”.
Định hướng kinh doanh sắp tới của Lượng, chính là việc đưa lên sàn đấu giá thương mại điện tử nét đẹp văn hóa mà mình đam mê đến những người có cùng nhu cầu và tình yêu dành cho những món cổ vật tuyệt vời này. “Chúng tôi không chỉ dừng lại ở thị trường Việt Nam. Bản thân mình nói riêng sẽ cố gắng từng ngày để phát triển và tiếp tục vươn mình kết nối đến niềm đam mê đồ cổ toàn cầu”.