Apple đã cung cấp cho người dùng dịch vụ tự sửa chữa với các linh kiện và công cụ để người dùng có thể tự sửa thiết bị của họ tại nhà. Hướng dẫn sử dụng bộ công cụ này mang tính kỹ thuật cao, có thể sẽ khó hiểu và chỉ áp dụng với các công cụ đặc biệt của Apple. Một điều ấn tượng nữa là nó được vận chuyển trong một hộp đựng to như vali, nặng đến 35 kg.
Theo thử nghiệm sử dụng bộ công cụ của trang TheVerge, thì nó tồn tại rất nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là giá cả. Tay bút Sean Hollister của TheVerge đã trả 69 USD để tự thay một cục pin mới cho chiếc iPhone Mini của anh, mức giá này là bằng với giá mà Apple Store tính cho dịch vụ thay pin thông thường, đã bao gồm luôn công thay thế. Chưa hết, để tự thay pin thì bạn cần phải chi thêm 49 USD nữa để thuê bộ công cụ của Apple trong bảy ngày.
Chưa dừng lại ở đó, Apple còn yêu cầu thêm khoản tiền thế chân 1.200 USD cho bộ công cụ, khoản tiền này sẽ bị Apple thu nếu bộ công cụ không được trả lại công ty trong vòng bảy ngày. Trong trường hợp của Hollister, pin được gửi đến trễ hai ngày sau bộ công cụ, vì vậy anh chỉ có năm ngày để hoàn thành việc sửa chữa, không thân thiện và khó khăn hơn so với những gì người dùng mong đợi.
Theo Hollister, hướng dẫn của Apple khá mơ hồ, các bộ phận cực kỳ khó hiểu và một số công cụ không hoạt động trong lần đầu tiên.
Và sau đó chiếc iPhone của Hollister lại không nhận ra pin là hàng chính hãng. Hóa ra, sau khi lắp đặt các bộ phận mới, bạn cần liên hệ với công ty bên thứ ba được Apple ủy quyền và cung cấp cho họ quyền điều khiển thiết bị của bạn từ xa để xác nhận các bộ phận.
Quy trình này lại cần đến một chiếc tính và kết nối Wi-Fi vì bạn phải khởi động lại iPhone của mình ở chế độ chẩn đoán và cung cấp cho công ty quyền điều khiển từ xa.
Nhìn chung, có lẽ nếu không buộc phải tự sửa hay không yêu thích việc tự sửa máy, thì một người dùng bình thường nên sử dụng dịch vụ sửa chữa thông thường của Apple.