Giải Trí

Truyền hình thực tế 2016: 'Mình thích thì mình tạo ra trào lưu thôi!'

Thu Phương
Chia sẻ

2016 có thể coi là năm bùng nổ của các xu hướng được tạo ra từ truyền hình thực tế và mạng xã hội. Nếu như trước đây, truyền hình thực tế chỉ tương tác một chiều với khán giả trên một kênh duy nhất (tivi) thì hiện tại độ phủ sóng của nó đã có sự thay đổi lớn cả về chất và lượng.

Ngày nay, khán giả, mà cụ thể là cộng đồng mạng đã không dừng lại ở vai trò thụ động chỉ xem, thưởng thức chương trình. Thay vào đó, họ linh hoạt sử dụng chất liệu của truyền hình thực tế để tạo ra những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu giải trí của mình và cộng đồng xung quanh.

Những sản phẩm này khi đưa lên mạng đã nhanh chóng tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, tương tác tốt với công chúng. Không chỉ dừng lại ở những xu hướng mang tính giải trí đơn thuần, sự kết hợp giữa truyền hình thực tế và mạng xã hội còn phát triển trong nhiều lĩnh vực khác như quảng cáo online, casting online. sử dụng livestream như một hình thức truyền hình trực tiếp thông qua internet thay thế cho TV truyền thống. Cùng điểm lại một số xu hướng nổi bật được sinh ra từ “mối lương duyên” giữa truyền hình thực tế và mạng xã hội trong năm 2016.

Trào lưu chế ảnh, clip từ truyền hình thực tế

Chế ảnh, clip là một trào lưu không còn xa lạ với những người yêu thích và thường xuyên theo dõi mạng xã hội. Theo thống kê của Buzzmetrics, một trang phân tích mạng xã hội khá uy tín ở Việt Nam, trào lưu chế ảnh nằm trong top 5 nội dung hot nhất trên mạng năm 2016.

The Face - Gương mặt thương hiệu, show truyền hình thực tế đình đám của năm đã đem đến một nguồn chất liệu vô cùng tuyệt vời cho trào lưu chế ảnh. Những câu nói bất hủ, những khoảnh khắc để đời từ chương trình đã được sống lại một lần nữa thông qua những bức ảnh chế sáng tạo, hài hước. Các nghệ sĩ tham gia truyền hình thực tế cũng nhờ sức lan tỏa của ảnh chế mà trở nên nổi tiếng và được giới trẻ yêu mến nhiều hơn. Mai Ngô với những phát ngôn gây sốc: “Hãy quen với điều đó đi”, “Thắng rồi, giờ không phục nữa thì thôi” và loạt biểu cảm đặc biệt trong The Face đã giúp cô trở thành hiện tượng mạng xã hội năm 2016. Hay chàng ca sĩ nổi tiếng Sơn Tùng tuy chỉ xuất hiện với vai trò khách mời trong đêm chung kết The Face nhưng cũng kịp để lại khoảnh khắc để đời với câu nói “Tha thu”, “Mình thích thì mình vẽ lên thôi” gây sốt suốt nhiều tháng qua.

Gương mặt không lông mày của Mai Ngô là một trong những chủ đề được chế ảnh nhiều nhất.

Câu nói “Hãy quen với điều đó đi” của cô nàng cũng nhanh chóng gây bão mạng xã hội.

Câu nói “Tha thu” của Sơn Tùng trong đêm chung kết The Face

…đã trở thành một trong những trào lưu mạng xã hội trong suốt nửa cuối năm 2016

Câu nói “Mình thích thì mình vẽ lên thôi” trở thành câu nói cửa miệng của giới trẻ nhờ sự lan tỏa của facebook và trào lưu ảnh chế.

Ngoài chế ảnh thì trào lưu chế clip cũng tạo ra những tương tác xã hội mạnh mẽ trong năm 2016. Các clip chế đa phần được thực hiện bằng cách cắt ghép các đoạn clip có sẵn, chèn thêm một số hiệu ứng để thành những video hoàn chỉnh với nội dung hài hước. Vì là sản phẩm đề cao sự sáng tạo và có tính liên kết về mặt nội dung nên clip chế dễ gây ấn tượng mạnh với người xem, khiến họ muốn chia sẻ và tương tác nhiều hơn. Có thể thấy, sức mạnh từ trí tưởng tượng của cư dân mạng cộng hưởng với sức lan tỏa của mạng xã hội trong tương lai sẽ là cách thức quảng bá còn hiệu quả và nhanh chóng hơn nhiều so với các các phương thức truyền thông chính thống trước đây.

Clip chế có tên “Bốn chữ Á” lấy cảm hứng từ tiếng Á hài hước của Hồ Ngọc Hà trong The Face kết hợp với ca khúc “Bốn chữ lắm” của Trúc Nhân.

Trang phục độc đáo của Mai Ngô trong đêm chung kết đã khiến cư dân mạng liên tưởng đến ca khúc “Áo mới Cà Mau” và cho ra một clip chế vô cùng “hợp tình hợp cảnh” như thế này.

Câu nói “Tha thu“, “Mình thích thì mình vẽ lên thôi” của Sơn Tùng còn được chế hẳn thành một bài hát với giai điệu rất bắt tai và hài hước.

Ngoài clip chế nhạc quen thuộc, trào lưu ghép hai sự kiện “nóng” đang được cư dân mạng quan tâm thành một câu chuyện hài hước cũng rất được ưa chuộng.

Quảng cáo facebook

sử dụng chất liệu từ truyền hình thực tế

Cũng theo thống kê của Buzzmetrics, trong khoảng thời gian từ đầu năm 2016 đến nay có khoảng hơn 70 trào lưu/chủ đề nổi bật trên mạng xã hội, trong đó 25 trào lưu đã được hơn 80 thương hiệu tận dụng trong việc tương tác với người dùng. Điều đó cho thấy, các thương hiệu, nhãn hàng hiện nay rất nhạy bén trong việc nắm bắt các xu hướng và chuyển hóa “sức nóng” của xu hướng đó vào các chiến dịch quảng cáo của mình.

Trong xu thế phát triển hiện đại, hầu hết các nhà kinh doanh đều nhận thấy, quảng cáo qua các kênh truyền thống không còn mang lại hiệu quả như xưa. Thay vào đó, họ tập trung khai phá nguồn tài nguyên từ các kênh “trẻ” hơn như facebook, youtube, instagram,.. đồng thời xem đây là “mảnh đất màu mỡ” để khai phá các đối tượng khách hàng tiềm năng. Một trong những chiến dịch quảng cáo thành công nhất theo hướng này chính là hiện tượng “Điện Máy Xanh”.

https://www.youtube.com/watch?v=RYyf0ZVFpWE

Ra mắt từ tháng 11, đoạn TVC quảng cáo “xanh lè” dần được nhiều người biết đến nhờ những hình ảnh vui nhộn, giai điệu bắt tai. Tuy vậy, đến đầu tháng 12, nó mới bùng nổ và trở thành một trào lưu mạng xã hội. Thành công này có được chủ yếu là nhờ sự “vào cuộc” của các trang Fanpage giải trí sở hữu người dùng và lượng tương tác cao.

Các fanpage giải trí dễ dàng thu về một lượng view, like và share không lồ chỉ bằng việc kết hợp các hình ảnh ngộ nghĩnh, hài hước trong đoạn TVC với chất liệu của truyền hình thực tế mà cụ thể ở đây là ca khúc Ông bà anh của thí sinh Lê Thiện Hiếu trong chương trình Sing My Song - Bài hát hay nhất. Câu hát “Ông bà anh yêu nhau từ thời chưa có tivi” kết hợp với thông điệp “Bạn muốn mua tivi” trong đoạn TVC đã trở thành một ý tưởng tuyệt vời cho các clip chế của cư dân mạng. Mỗi phiên bản lại khác đi một chút tùy theo cách chọn lọc, thêm thắt một số “gia vị” mới như nhạc EDM, nhạc remix, thủ thuật cắt ghép… để thu hút người xem.

Clip chế kết hợp ca khúc Ông bà anh và đoạn quảng cáo Điện máy xanh của fanpage Welax nhận được nhiều sự yêu thích của giới trẻ.

Phương thức truyền thông mới mẻ này đã đem lại một kết quả đáng kinh ngạc. Chỉ trong vòng 2 tháng, đoạn quảng cáo đã thu hút hơn 400 nghìn bài viết, hơn 3,4 triệu lượt tương tác, hơn 300 nghìn người tham gia chia sẻ và thảo luận. Đây cũng là video marketing tạo ra nhiều thảo luận và tương tác nhất trên social media trong 3 tháng cuối năm. Xét về chiến lược truyền thông, việc vận dụng mạng xã hội cùng chất liệu truyền hình thực tế của nhãn hàng này thực sự là một thành công ngoài mong đợi.

Câu hát “Ông bà anh yêu nhau từ thời chưa có ti vi”, “Thiện Hiếu”, “Ông bà anh” đã trở thành một trong những cụm từ xuất hiện nhiều nhất trên mạng xã hội khi nói về quảng cáo Điện Máy Xanh.

Ngoài hiện tượng “Bạn muốn mua tivi?” thì còn có nhiều trường hợp khác cho thấy việc lựa chọn quảng cáo trên facebook sử dụng chất liệu từ truyền hình thực tế đang trở thành một xu hướng được các nhà kinh doanh ưa thích. Một ví dụ thú vị có thể kể ra ở đây là hình ảnh gương mặt không chân mày của Mai Ngô ở The Face ngay sau khi phát sóng đã trở thành ý tưởng quảng cáo cho các nhãn hàng bút kẻ chân mày trên facebook.

Casting online trên mạng xã hội

The Voice Kids online khởi động đã giúp The Voice kiếm tìm được nhiều nhân tố vô cùng tiềm năng.

Nếu như mạng xã hôị biết cách tận dụng chất liệu từ truyền hình thực tế để tạo ra các nội dung thu hút người dùng thì không lí gì truyền hình thực tế lại chịu bỏ qua một kênh truyền thông hiệu quả như mạng xã hội. Tận dụng mối quan hệ “có qua có lại này”, các nhà sản xuất trên thế giới đã kịp nghĩ ra rất nhiều ý tưởng độc đáo để tăng tính tương tác, quảng bá cho chương trình. Đơn cử như chiến dịch tuyển sinh online trên Snapchat vô cùng mới mẻ, độc đáo của The Voice US năm nay. Đây là lần đầu tiên The Voice US áp dụng hình thức tuyển sinh mới mẻ này song song với cách thức truyền thống và đạt được nhiều kết quả tích cực.

The Voice Mỹ mở màn bằng cách tuyển sinh trên Snapchat.

AJ Mithchell là thí sinh được chọn thông qua tuyển sinh online để vào thẳng vòng Giấu mặt The Voice.

Ở Việt Nam, các chương trình truyền hình hot như The Voice, The Voice Kids, Sing My Song, Vietnam’s Next Top Model đều kịp thời cập nhật và ứng dụng ngay xu hướng casting online. Ngoài mục tiêu tận dụng mọi kênh thông tin để không bỏ sót bất cứ tài năng nào thì đây cũng là một cách thu hút sự chú ý của công chúng khá hiệu quả.

The Voice mùa thứ tư thông báo tuyển sinh online rầm rộ không thua kém gì phương thức tuyển sinh truyền thống.

Cặp đôi Hồng Ngọc - Quốc Trung là nhân tố được tìm thấy từ vòng tuyển sinh online của Sing My Song và đã xuất sắc vào đến vòng hai của chương trình.

Mai Anh, thí sinh đến từ vòng casting online của The Voice Kids trở thành một hiện tượng youtube với phần thi đạt 16 triệu lượt xem và là một trong ba thí sinh vào đến chung kết chương trình.

Vote/bình chọn bằng các biểu tượng cảm xúc

trên Facebook

Truyền hình thực tế 2016: Mình thích thì mình tạo ra trào lưu thôi!

Trừ biểu tượng Yay, các emoji còn lại đều đã được Facebook nâng cấp và được các brand cho là có tính đột phá trong việc đo lường trải nghiệm của khách hàng

Vào cuối tháng 2/2016, Facebook đưa ra tính năng mới nâng cấp nút Like với việc thêm 5 biểu tượng cảm xúc mới gồm Love, Haha, Wow, Sad, Angry, được cư dân mạng hào hứng đón nhận. Ngoài tác dụng thể hiện cảm xúc bình thường, người dùng facebook còn sáng tạo ra cách dùng mới của chức năng này là bình chọn/voting cho những khảo sát đơn giản, phổ biến nhất là: Bình chọn idol, bình chọn phong cách thời trang, bình chọn món ăn hay hình thức giải trí khác…

Bình chọn bằng biểu tượng cảm xúc là 1 loại nội dung mới lạ và có tính tương tác rất cao với người dùng Facebook vì ưu điểm dễ sử dụng, nhanh biết được kết quả thông qua các chức năng đếm tự động. Đặc biệt, facebook gần đây còn có nhiều khảo sát cập nhật thêm chức năng đến live số liệu vào video Live streaming đem đến nhiều trải nghiệm mới mẻ.

Giọng hát Việt Nhí nhanh chóng cập nhật tính năng mới của mạng xã hội facebook.

Các chương trình truyền hình thực tế như The Face, The Voice Kids cũng kịp thời cập nhật trào lưu mới mẻ này trên fanpage để thu hút tương tác của người hâm mộ. Ví như The Voice Kids đã tận dụng tính năng bình chọn của facebook để đo lường sức hút của chương trình so với các show thực tế có cùng đối tượng khán giả như Vua đầu bếp nhí, Người hùng tí hon, Vietnam Idol kids. Trong khi đó, The Face sử dụng cách này để khảo sát nhu cầu thưởng thức, gu giải trí của khán giả nhằm đem đến một mùa hai hấp dẫn hơn, gần với nhu cầu của số đông hơn.

The Face dùng tính năng mới của facebook để khảo sát nhu cầu của khán giả nhằm đem đến một mùa mới hấp dẫn hơn.

 Livestream trên mạng xã hội

Livestream là hình thức truyền tải video âm thanh, hình ảnh tới người dùng thông qua các webcam và các thiết bị đầu vào tương tự. Tính năng này được facebook cho ra mắt đầu tiên, ngay lập tức sau đó, Youtube cũng triển khai các tính năng tương tự để cạnh tranh với đối thủ. Trong cuộc đua về livestream, các “ông lớn” như Youtube và Facebook vẫn đang dẫn đầu và cạnh tranh thị phần khốc liệt.

Xu hướng livestream trên facebook được người nổi tiếng ưa thích hơn. Họ sử dụng tính năng này thường xuyên nhằm chia sẻ những khoảnh khắc đặc biệt của họ đến fan một cách nhanh chóng, thuận tiện, mọi nơi mọi lúc. Trong khi đó, Youtube lại dùng livestream như một kênh phát trực tiếp lễ trao giải âm nhạc hoặc sự kiện lớn. Dĩ nhiên truyền hình thực tế cũng không thể bỏ qua tính năng thú vị này của mạng xã hội.

The Face sử dụng Livestream trên facebook để tổ chức giao lưu trực tuyến với người hâm mộ.

Năm qua, có thể thấy nhiều tvshow đình đám như The Face, The Voice Kids, Sing My Song đã tận dụng hiệu quả hình thức livestream để đưa các nhân tố hot trong chương trình đến gần hơn với khán giả. Kết thúc mùa đầu tiên, The Face ngay lập tức tổ chức các buổi livestream trực tuyến trên facebook để các vị HLV và Quán quân, Á quân giao lưu, trả lời câu hỏi của người hâm mộ. Hay khi Lê Thiện Hiếu, tác giả bài Ông bà anh bất ngờ trở thành hiện tượng mạng xã hội chỉ sau một đêm, chương trình Sing My Song đã có ngay một buổi livestream giúp công chúng thỏa mãn sự tò mò về nhân tố bí ẩn này. Ngoài ra, Sing My Song cũng tận dụng hình thức livestream của Youtube để phát sóng các tập của chương trình trên kênh này song song với kênh tivi truyền thống. Những buổi phát sóng online như thế này bước đầu đạt những dấu hiệu tích cực khi thu hút hàng chục nghìn lượt xem và bình luận.

Sing My Song sử dụng livestream trên youtube trên như một kênh phát sóng cùng với tivi

Kết:

Thành công của các xu hướng trên cho thấy đã đến lúc truyền hình thực tế không thể đứng một mình trên một chiến tuyến nữa mà cần có mối quan hệ mật thiết, đa chiều hơn với mạng xã hội. Hơn thế, đây có thể sẽ là một mối quan hệ sống còn trong tương lai khi mà truyền hình thực tế cần nhiều “đất” hơn để tồn tại và phát triển cũng như mở rộng các kênh quảng bá, chuyển tải nội dung đến khán giả.

Tư liệu tham khảo: Buzzmetrics

Chia sẻ

Bài viết

Thu Phương

Tin mới nhất