Phạm Lịch là người đầu tiên hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam chọn cách tố giác đích danh kẻ đã gạ tình mình. Sự kiện này rúng động dư luận và châm ngòi cho những tranh cãi trái chiều nổ ra. Có người ủng hộ, thậm chí không ít những đồng nghiệp đã bắt đầu chọn cách lên tiếng như một lời động viên, tiếp thêm sức mạnh cho Phạm Lịch. Trong đó, có thể kể đến lời tố tiếp theo của vũ công Nga My - thành viên của một vũ đoàn nổi tiếng dành cho Phạm Anh Khoa, với các tin nhắn được chụp lại rõ ràng được công khai.
Thế nhưng, có bao nhiêu cô gái như Phạm Lịch, Nga My, Lý Phương Châu hay Pha Lê dám công khai tố cáo, khi ngoài kia: Các nạn nhân khác, luôn có nhiều hơn một lý do để buộc phải giữ im lặng?
Thứ nhất, làng giải trí phức tạp, ai cũng biết: Nhất cử nhất động đều có thể trở thành tâm điểm, biến những người liên quan thành nhân vật chính trong cơn thịnh nộ của dư luận. Vì thế, không ít những trường hợp, khi đứng trước “bão tố” thường chọn cách dĩ hòa vi quý, mắt nhắm mắt mở mà cho qua, hạn chế những thị phi không đáng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh và sự nghiệp đã vất vả gầy dựng. Điều này tạo nên “kẽ hở” hoàn hảo để các yêu râu xanh lộng hành, lợi dụng “thế khó” của các nạn nhân mà uy hiếp và yêu cầu sự đồng lõa, thỏa hiệp.
Thứ hai, gạ tình không phải là khái niệm mới, nhất là trong showbiz. Thế nhưng, không ít người xem đó là “luật ngầm” cho những đổi chác bất thành văn. Vì thế, khi một sự việc như câu chuyện của Phạm Lịch nổ ra, dư luận hoài nghi, không vội đứng về cô hoàn toàn. Bởi lẽ, khán giả đã không ít lần “nghe đồn” cô diễn viên A đổi tình lấy vai diễn, cô B “làm loạn” showbiz bằng scandal đình đám để… PR cho sản phẩm sắp ra mắt, cô C tố đồng nghiệp để được “nhẵn mặt” trên truyền thông… Quá nhiều chiêu trò trong làng giải trí, khiến khán giả như bị… quăng hỏa mù và hậu quả trước mắt là truyền thông - dư luận trở nên nhạy cảm và… đa nghi hơn bao giờ hết, dù đôi khi chính sự nghi hoặc này lại tiếp tay, đẩy các nghệ sĩ nữ vào “đường cùng” - khi họ không chỉ bị xâm hại, nay còn dễ dàng bị vu vào tội phá hoại danh dự, sự nghiệp và gia đình của người khác bởi những lời tố cáo công khai ấy.
Thêm vào đó là những đe dọa có thật dành cho những nạn nhân khi họ chọn con đường thẳng thắn vạch trần. Những rắc rối liên tiếp xảy ra khiến các nạn nhân hoang mang như thể họ mới chính là thủ phạm và đáng bị trừng phạt, lên án, còn kẻ ác thì lại nhận về sự đồng cảm, thậm chí huênh hoang đe dọa, giữ thái độ im lặng đầy thách thức.
Chừng đó lý do đủ để ai rơi vào tình huống bị gạ tình chọn cách im lặng, thay vì lên tiếng để bớt đi những phiền toái, lại không mang tiếng là đang “làm màu”, cố tạo scandal để nổi tiếng!
Phong trào #MeToo khởi nguồn từ châu Âu, nhưng bùng nổ từ những lần “lật mặt” các vụ án tình dục đình đám tại làng giải trí Hàn Quốc. Hàng loạt mỹ nam trong mơ và các tên tuổi gạo cội bị “điểm mặt đặt tên” trong danh sách dài ngoằng những lời tố cáo đích danh từ các cô gái thuộc đủ mọi lĩnh vực: có thể là nữ nghệ sĩ, nhưng đôi khi là sinh viên, người bình thường. Tất cả đều khiến dư luận nước này phẫn nộ, và truyền thông quyết tâm “ra mặt” để chung tay đẩy lùi nạn quấy rối tình dục ở đất nước với những lễ nghi hà khắc, chi phối mạnh mẽ bộ mặt làng giải trí vốn được danh là chuyên nghiệp bậc nhất thế giới này.
Kbiz không chọn thỏa hiệp, các nạn nhân chỉ cần lên tiếng, việc còn lại cứ để #MeToo lo, để cộng đồng mạng cùng toàn thể các phương tiện thông tin đại chúng lên án mạnh mẽ, và không ngại đẩy kẻ thủ ác đến đường cùng của xấu hổ, phải giải quyết bằng cái chết. Chưa bàn đến những hệ lụy cực đoan xảy ra, nhưng có thể thấy #MeToo của Kbiz đủ sức nặng thật sự, những hậu quả nghiêm trọng như mất vai diễn, cắt hợp đồng, tẩy chay khiến bất kỳ ai có liên quan đều phải run sợ ngày bị vạch trần, để biết hối lỗi trước công chúng, nạn nhân và thiếu điều là… cầu xin sự tha thứ nếu còn mong hoạt động trong showbiz.
Buồn thay, dường như sự nghiêm khắc này chưa lan tỏa được đến showbiz Việt, mặc dù đã có một Phạm Lịch lên tiếng và chính cô cũng đã “manh nha” phất cờ cho chuỗi chiến dịch #MeToo này tại Việt Nam. Đáp lại, có không ít ủng hộ, nhưng kéo theo vẫn là dãy dài những bình luận bênh vực Phạm Anh Khoa, cho rằng Phạm Lịch dựa hơi để nổi tiếng, hoặc tệ hơn còn có “thuyết âm mưu” hai nghệ sĩ đang “diễn trò” để “câu view” cho chương trình mà cả hai đang tham gia, hay đang ấp ủ một dự án nào đó sắp trình làng nên tìm cách PR, thu hút dư luận.
Chính sự “quay lưng” của dư luận là cách tiếp tay cho “quỷ dữ” lộng hành, ngang nhiên đứng trên sự cảm thông, đứng về bất chấp của fan mà khiêu khích ngược lại với những ai đã từng hoặc đang và sẽ là nạn nhân của tình trạng quấy rối tình dục này. Nhìn những phản ứng trái chiều của showbiz Việt trước sự việc của Phạm Lịch, liệu còn thêm bao nạn nhân phải thôi đi những hi vọng cầu cứu, và chọn thỏa hiệp sống trong sợ hãi? Bao nhiêu câu chuyện quấy rối công khai phải… tự “đào mộ”, chôn vùi vĩnh viễn trong im lặng?
#MeToo là một chiến dịch mang đến sự mạnh mẽ cho những người cần một lần lên tiếng, để bảo vệ chính mình trước những xâm hại kéo dài. Đó hoàn toàn là đòi hỏi chính đáng của bất kỳ công dân nào, không riêng gì nghệ sĩ. Điều gì đầu tiên đều thật khó khăn, lời tố cáo của Phạm Lịch cũng như thế: Có thể thời điểm này, showbiz bị “sốc” trước lời tố thẳng thắn, công khai này, nhưng đây chính là lúc dư luận cần đồng lòng, các nghệ sĩ chung tay mạnh mẽ hơn để đẩy lùi những tệ nạn quấy rối đang hoành hành trong showbiz Việt bấy lâu nay, mà chưa được phơi bày ra ánh sáng.