Được biết Lee Kaeun là thành viên nhỏ tuổi nhất của After School, cô được ra mắt là thành viên chính thức của nhóm vào năm 2013 cùng với bản hit First Love. Tuy nhiên may mắn không mỉm cười với cô khi nhóm rơi vào tình trạng đóng băng kéo dài sau đợt quảng bá này và cho đến nay cô và cả nhóm vẫn đang chật vật chờ đợi kế hoạch trở lại của mình.
Khi cảm thấy không còn hy vọng gì với việc comeback cùng với việc chứng kiến được sự thành công của đàn anh Nu'est khi tham gia Produce 101 mùa thứ 2, cô quyết định mạo hiểm tham gia vào mùa thứ 3 với mong muốn mang lại sự khởi sắc cho sự nghiệp ca hát của mình và cứu vớt tên tuổi của After School như đàn anh Nu'est đã từng làm.
Bằng tài năng ca hát vốn có, chất giọng ổn cùng vũ đạo trên cả tuyệt vời, Lee Kaeun nhanh chóng nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả trong nước và quốc tế. Ban đầu cô được công chúng chú ý vì cảnh ngộ xót xa khi là ca sĩ đã được debut tận 6 năm mà vẫn ngậm ngùi chật vật tham gia show truyền hình sống còn như thế. Tuy nhiên qua nhiều tuần đứng đầu bảng xếp hạng đã chứng tỏ rằng sự thành công của cô đến từ thực lực và nội lực mạnh mẽ của cô chứ không phải do nhận được sự cảm thông cho hoàn cảnh của mình.
Hiện tại Lee Kaeun vẫn đang là thực tập sinh trong lớp A danh giá của chương trình. Tuy vẫn chưa nói trước được điều gì vì show vẫn còn đang tiếp diễn cùng với nhiều diễn biến bất ngờ. Nhưng những gì cô làm được ở nhưng tập trước của chương trình vẫn đáng cho chúng ta hy vọng rằng may mắn sẽ mỉm cười với cô lần thứ hai như đã từng vào 6 năm trước.
Sự thành công của Lee Kaeun trong Produce 101 không những chứng minh cho sự dũng cảm, dám nghĩ dám làm, dám thay đổi của một idol không may mắn trong sự nghiệp mà còn là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các công ty giải trí đã và đang có ý định cho nhóm nhạc của mình đi theo mô hình “tốt nghiệp”.
Trong quá khứ, chúng ta đã từng chứng kiến khá nhiều nhóm nhạc đi theo nhiều mô hình khác nhau như mô hình nam nữ kết hợp của Co-ed School, hay mới đây là KARD, mô hình hoạt động song song hai thị trường như EXO, Super Junior…, mô hình không giới hạn thành viên như NCT 127, mô hình nhóm nhạc không nhóm trưởng như Miss A, BlackPink… Tất cả đều gặt hái được nhiều thành công riêng nhưng có một mô hình tưởng chừng như sẽ đem lại làn gió mới cho Kpop nhưng những kết quả của nó lại đang chứng tỏ đây thực sự là một mô hình “không ổn một chút nào”, đó là mô hình “tốt nghiệp”.
Sở dĩ mô hình này được các công ty lựa chọn với mục đích ban đầu là muốn giữ độ tuổi trung bình của các thành viên ở mức ổn định, trẻ trung, họ muốn nhóm nhạc của mình trẻ mãi không già để nhóm luôn tươi mới trong mắt công chúng. Đồng thời sự thay máu này sẽ giúp cho nhóm luôn có yếu tố mới, đào thải các yếu tố cũ lỗi thời, giúp các thực tập sinh mới có cơ hội được thử sức ở một nhóm nhạc đã có tiếng và giúp các thành viên lớn tuổi có thể rời nhóm để đi theo con đường riêng hoặc chỉ đơn giản là nghỉ ngơi sau một quãng thời gian hoạt động đủ lâu. Có thể kể đến hai cái tên điển hình nhất của mô hình này là hai nhóm nhạc nữ tài năng After School và Nine Muses. Mục đích ban đầu tốt đẹp là thế nhưng trên thực tế mô hình này đã vấp phải sự thất bại nặng nề bởi nhiều nguyên do mà trong đó chủ yếu là đến từ vấn đề văn hoá. Trên thực tế mô hình này đã rất thành công ở Nhật Bản với những cái tên như AKB48,… thế nhưng với Hàn Quốc thì lại không có được sự thành công đó do văn hoá Hàn Quốc và nhận thức người Hàn có chút khác biệt. Có thể khái quát về sự thất bại này qua những nguyên do sau.
Đầu tiên là văn hoá gia đình. Người Hàn Quốc có quan niệm khi đã sống chung một tập thể, sinh hoạt chung một nhóm người và gắn bó với nhau cùng sinh sống với nhau một thời gian thì quan hệ giữa nhưng thành viên đó được xem như là quan hệ giữa các thành viên trong một gia đình. Chính vì thế, các nhóm nhạc thần tượng trong mắt công chúng chính là một gia đình nhỏ và giữa các idol với fan là một đại gia đình. Vì vậy mà khi có sự ra đi của một thành viên thì đó được xem là một sự mất mát, kéo theo là một lượng fan của người rời nhóm cũng mất đi làm ảnh hưởng đến lượng fan chung của nhóm. Trong trường hợp này có thể thấy điển hình là trường hợp của Super Junior trong việc cho Henry gia nhập làm thành viên chính thức thứ 14 của nhóm đã nhận được làn sóng phản đối gay gắt đến từ cộng đồng fan của Super Junior bởi họ xem Super Junior là một gia đình và không muốn có thêm một thành viên nào khác gia nhập. Tương tự như trường hợp trên là trường hợp của Hyelim khi gia nhập Wonder Girls thay thế cho sự ra đi của Sunmi, lúc đó thậm chí có nhiều fan còn bày tỏ sẽ chờ đợi Sunmi quay về thay vì ủng hộ Hyelim, nhưng một thời gian sau thì Hyelim cũng dần được công chúng đón nhận, vẫn còn may mắn hơn Henry không được gia nhập Super Junior mà phải ngậm ngùi hoạt động trong nhóm nhỏ Super Junior M.
Tiếp theo là qua niệm về sự cân bằng. Theo như cách thức mà mô hình này hoạt động thì các thành viên già nhất hoặc hoạt động đủ lâu sẽ được phép tốt nghiệp và rời khỏi nhóm. Tuy nhiên như chúng ta đã biết thì “rừng càng già càng cay”,những người hoạt động càng lâu thì sẽ càng có kinh nghiệm giúp nhóm hoạt động tốt và họ đồng thời cũng có một lực lượng fan cứng. Sự ra đi của họ tức là nhóm sẽ mất đi thành viên chủ lực, mất họ là mất cả những vị trí chủ lực giúp nhóm tồn tại lâu trong lòng công chúng mà thay vào đó là một thành viên mới toanh, lạ lẫm…
Cuối cùng là tình cảm của các thành viên trong nhóm. Cũng giống như tâm lý gia đình, các thành viên trong nhóm khi đã hoạt động sinh hoạt cùng nhau một thời gian dài sẽ nảy sinh tình cảm thân thuộc như anh chị em trong nhà, vì thế khi mất đi một thành viên nào đó sẽ khiến những người còn lại bị tổn thương và việc xây dựng lại tình cảm với một thành viên mới đòi hỏi một thời gian nhất định. Bên cạnh đó còn có sự bất hoà giữa các thành viên cũng ảnh hưởng không ít đến hoạt động của nhóm.
Tóm lại mô hình “tốt nghiệp” trong sàn đấu Kpop thực sự là một mô hình bất ổn bởi tính không ổn định của số lượng thành viên, cơ cấu các thành viên…sẽ khiến cho lượng fan của nhóm cũng không giữ được ở một mức nhất định. Điều đó làm cho nhóm dần “xa rời công chúng” và trở nên lạ lẫm nhàm chán và khiến khán giả ngao ngán mỗi khi có sự thay đổi thành viên. Lợi ích đây chưa thấy nhưng nhìn vào những tấm gương đi trước như Nine Muses hay After school thì thấy ngay được đây quả thực là một mô hình và là một chiến thuật sai lầm đến từ các công ty quản lý. Mong là trong tương lai sẽ không có công ty nào mạo hiểm lựa chọn mô hình này để chúng ta không còn phải thấy những After school hay Nine Muses với nguy cơ tan rã và những cảnh ngộ đau lòng như hiện nay.