Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

Từ câu chuyện Lê Giang: Giới hạn nào giữa chia sẻ và… 'buôn bán' đời tư?

Đối diện với truyền thông dù báo chí hay truyền hình, việc chia sẻ chuyện đời tư cũng đều là "con dao hai lưỡi": luôn đảm bảo thu hút dư luận nhưng đồng thời phải vướng vào hệ lụy nặng nề nếu thông tin gây tổn hại cho những người liên quan, như câu chuyện của Lê Giang và Duy Phương.

Ly hôn được nhiều năm, cặp đôi nghệ sĩ Duy Phương - Lê Giang cũng sớm xây dựng được cuộc sống riêng, không còn nhắc nhớ nhiều chuyện cũ trên báo chí. Hai người con Lê Lộc và Duy Phước cũng đã lớn, có sự nghiệp riêng đang trên đà phát triển. Bốn con người bước ra từ một gia đình đổ vỡ, nhưng vẫn tìm lại cho mình niềm tin, sức mạnh để đi tiếp chặng đường phía trước.

Theo năm tháng, những vết thương lòng cũng đã kịp lành miệng. Cho đến khi chương trình Sau ánh hào quang lên sóng, một lần nữa mọi lát cắt, góc khuất lại phơi bày ra ánh sáng. Những câu chuyện nghề đầy cảm động, những cột mốc quan trọng và câu chuyện trường kỳ của cơn nghiện phẫu thuật thẩm mỹ được Lê Giang bộc bạch. Bạc bẽo như chính cái nghề lấp lánh ánh hào quang chị theo đuổi, cuộc đời chị cũng là những mảnh ghép của niềm đau, nỗi buồn.

Mọi chuyện êm đềm cho đến khi cụm từ “chồng cũ” - được Lê Giang “quẳng” vào câu chuyện : cô bị chồng cũ bạo hành, “liệng từ cầu thang xuống” lên sóng trong tập 10 của chương trình Sau ánh hào quang.

Không khó để nhận ra, người chồng cũ được Lê Giang nhắc đến là nghệ sĩ Duy Phương - người đã nhận nuôi nấng, dưỡng dục hai đứa con Lê Lộc và Duy Phước sau cuộc hôn nhân đổ vỡ với Lê Giang. Phận “gà trống nuôi con” chưa một lần phải vướng thị phi thì nay bỗng trở thành nhân vật trung tâm, bị động “sắm” vai ác và phải hứng chịu những chỉ trích nặng nề từ dư luận: không chỉ gây hệ lụy trên thế giới ảo, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, công việc, quan trọng nhất là danh dự của anh.

Bốn người của một gia đình đổ vỡ, đã kịp sống yên ổn những cuộc đời riêng thì nay đồng loạt bị “điểm danh” trên sóng truyền hình và “điểm mặt” trên hàng loạt mặt báo chỉ vì một phát ngôn mang tính chia sẻ chuyện đã qua. Quá khứ bị “khuấy” một lần nữa, sống lại trọn vẹn những đứt gãy thuở nào, nay còn thêm xót xa khi có nhiều lắm những người xa lạ ùa vào bàn tán, chỉ trích.

Nghệ sĩ thường cẩn trọng khi tiếp xúc với báo chí, vì cho rằng: câu chữ thể hiện trên bài báo phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm của người viết. Vì thế, những sai sót xảy ra do cắt ghép câu chữ hay cố tình “giật tít” gây sốc thường là nỗi ám ảnh của các nghệ sĩ. Bởi lẽ, câu chữ có sức mạnh riêng và đặc biệt biến hóa khôn lường khi cùng một câu, nhưng đặt ở những ngữ cảnh khác nhau, thì ngay lập tức trở thành ý nghĩa khác mà nghĩa này đôi khi khác hẳn hoặc sai lệch so với ý kiến chủ quan mà nhân vật đã chia sẻ. Không ít tranh cãi nổ ra xoay quanh một bài báo, thế nên nghệ sĩ không tránh khỏi cảm giác e dè.

Và họ tìm đến cách chia sẻ khác: qua sóng truyền hình, mà quên mất một số “rủi ro” còn khủng khiếp hơn. Ít nhất qua câu chữ, sự biên tập còn dễ thương thảo, thống nhất và giải quyết nếu có sự cố xảy ra. Nhưng trên truyền hình thì khác, khi chia sẻ còn có sự theo dõi trực tiếp của khán giả, người dẫn chương trình và rất nhiều những người khác ở hiện trường, nên nghệ sĩ không ít lần bị đặt vào tình thế phải-trả-lời.

Dù rằng, các chương trình quay xong đều sẽ được biên tập lại, nhưng chính những lúc cắt ghép này lại là lúc… nguy hiểm nhất, quay về tình trạng như đối với một bài báo: phụ thuộc nhiều vào cái tâm làm nghề của người biên tập, khi họ buộc phải lựa chọn: cắt “gọn gàng” những lỗi sai, nói hớ hay nhạy cảm do mạch cảm xúc mà nhân vật không kịp chỉn chu, thấu đáo, hoặc đem lên sóng hết mà không chọn lọc, thậm chí cố ý “cắt ghép”, “chơi chữ” để “bẻ lái” câu chuyện tạo kịch tính, thu hút khán giả, đảm bảo mục tiêu cuối cùng là rating.

Không chỉ riêng nghệ sĩ, mà với người thường, ai cũng có sự tò mò nhất định đối với đời tư của người khác. Vì thế, khai thác đời tư luôn là “món đặc sản” không lỗi thời để thu hút chú ý của dư luận. Đối diện trước áp lực view hoặc rating, không ít sự cố “cười ra nước mắt” cứ lặp lại. Và câu chuyện của Lê Giang khiến dư luận phẫn nộ khi danh dự của một người liên quan đang “ngàn cân treo sợi tóc” chỉ vì một lời chia sẻ bộc phát của người nghệ sĩ trong lúc… cao hứng.

Đây cũng không phải lần đầu tiên talkshow Sau ánh hào quang hoặc các chương trình tương tự khai thác cuộc sống riêng tư của nghệ sĩ “dính phốt”. Điều này thể hiện rõ: lằn ranh giữa chia sẻ chân thật và “buôn bán” đời tư trên sóng truyền hình, là mong manh vô cùng, khi chỉ một sự hớ hênh trong lời nói của nhân vật hoặc một sự “nhắm mắt cho qua”, một chút “thêm mắm dặm muối” hoặc sơ sót của người làm sản xuất đều gây ra hậu quả tức thì, thậm chí dẫn đến một “cú nổ truyền thông”.

Những chương trình talkshow là cầu nối, kéo gần khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả - mục đích tốt đẹp này có giữ được hay không, phụ thuộc vào cái tâm của những người làm nghề.

Câu chuyện của Lê Giang chỉ là “giọt nước tràn ly”, nhưng cũng đủ để một lần nữa những người liên quan nhìn nhận lại, để chương trình được trọn vẹn hơn và những sự cố đáng tiếc không còn diễn ra nữa.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ái Kỳ

Được quan tâm

Tin mới nhất