Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Giải trí & TV Show

Inner Me - Vũ Cát Tường Tour 2019: Đằng sau đêm thăng hoa hoành tráng là 2 tháng ròng của ekip chuẩn bị và dàn dựng

Đằng sau sự xuất hiện lung linh hoành tráng của nữ ca sĩ Vũ Cát Tường là sự chuẩn bị kì công của toàn bộ ekip trong 2 tháng ròng rã.

Tối ngày 15/12, Inner Me concert của nữ ca sĩ Vũ Cát Tường đã diễn ra vô cùng thành công tại Nhà thi đấu Quân khu 7. Bên cạnh những yếu tố cảm xúc mà khán giả nhận được, Vũ Cát Tường còn dành cho khán giả một trải nghiệm âm thanh, ánh sáng và dàn dựng sân khấu vô cùng hoành tráng.

Màn hình LED vô cực được sử dụng kết hợp với cảm biến tương tác giúp Inner Me concert gây ấn tượng bởi nhiều hiệu ứng độc đáo.

Với sức chứa hơn 4000 người, Nhà thi đấu Quân khu 7 được Vũ Cát Tường và ekip lựa chọn làm nơi tổ chức Inner Me concert. Ngoài thế mạnh về âm nhạc, Vũ Cát Tường còn đặt ra bài toán về dàn dựng sân khấu, âm thanh, ánh sáng để mang lại một trải nghiệm tuyệt vời nhất dành cho người hâm mộ của mình. Nếu Stardom concert năm ngoái được dàn dựng dựa trên hiệu ứng Hologram thì tại Inner Me concert lần này, công nghệ LED vô cực, đèn laser và ánh sáng 4 chiều được khai thác triệt để.

Được biết, đơn vị sản xuất Inner Me concert lần này là công ty Cát Tiên Sa với sự dàn dựng của tổng đạo diễn Nguyễn Hữu Thanh, đạo diễn hình ảnh Tùng Monkey và nhiều thành viên khác trong ekip. Suốt 2 tháng chuẩn bị cho concert, tất cả các thành viên trong ekip đã làm việc hết công suất để kịp tiến độ và mang đến một chương trình chỉn chu, ấn tượng nhất.

Phỏng vấn tổng đạo diễn Nguyễn Hữu Thanh về quá trình thực hiện chương trình này, anh cho biết: “Tôi đã đến Nhà thi đấu Quân khu 7 trên dưới 10 lần nhằm khảo sát kĩ lưỡng, tính toán độ cao, độ vang… để set up hệ thống âm thanh. Nếu các sân khấu khác họ chỉ làm 1 mặt thì sân khấu Inner Me làm đến 4 mặt, do đó hệ thống âm thanh cũng phải set up gấp 4 lần bình thường để không có bất kì góc chết âm thanh nào trong nhà thi đấu. Có thể nói, dàn âm thanh của show diễn hôm đó thật sự rất chất lượng và đạt đến độ hoàn hảo như kỳ vọng của tất cả anh em trong ekip“.

So với các sân khấu khác, Inner Me đặc biệt hơn bởi layout 4 mặt, ở giữa là sân khấu chính còn xung quanh là khán giả. Mặt sàn sân khấu với kích thước 16mx14m được sử dụng hoàn toàn bằng màn hình LED vô cực phủ kính cường lực dày 20mm. Theo thông tin từ đơn vị sản xuất chương trình, có gần 900 module màn hình LED được ghép lại đồng bộ về màu sắc, kích cỡ để tạo nên một mặt sàn sân khấu chuẩn xác nhất.

“Với sức nặng của hàng chục vũ công cùng các đạo cụ đòi hỏi mặt sàn sân khấu phải chịu được sức nặng rất lớn. Chưa kể khi di chuyển và biểu diễn, các lực cộng hưởng của tất cả nghệ sĩ trên sân khấu sẽ tăng lên rất nhiều và tạo áp lực xuống sàn. Do đó, khâu chuẩn bị kính cường lực cho mặt sân khấu là rất quan trọng”, anh cho biết.

Bên cạnh đó, công nghệ cảm biến tương tác cũng khiến sân khấu này trở nên đặc biệt hơn với những màn biểu diễn kết hợp visual được Vũ Cát Tường thực hiện trực tiếp trên mặt sàn sân khấu. Tổng đạo diễn Nguyễn Hữu Thanh chia sẻ: “Để sử dụng hiệu quả cảm biến tương tác của màn hình LED vô cực trên mặt sân khấu, ekip phải trang bị 5,6 camera để định vị điểm của Tường sau đó đưa về máy chủ, từ máy chủ đưa đến hệ thống xử lý visual để những chuyển động của Tường đều đồng nhất với màn hình LED. Ngoài ra còn phải có 1 kĩ thuật viên kiểm soát vị trí chuyển động của Tường để di chuyển các hiệu ứng cho phù hợp“.

Tiết mục Có người được ekip quay visual efect video từ trước nhằm mang đến trải nghiệm mới lạ nhất.

Được biết, cường độ ánh sáng màn hình LED cũng được đẩy lên gần như 100% để tạo nên hiệu ứng đẹp mắt nhất. Việc đẩy cường độ ánh sáng lên 100% cũng khiến cho vấn đề nhiệt toả ra bên dưới mặt sàn sân khấu nóng hơn bao giờ hết. Nếu các sân khấu 1 mặt chỉ cần giải quyết lượng nhiệt toả ra bằng cách đưa nhiệt vào phần phía trong hậu trường rồi thải ra ngoài thì với sân khấu 4 mặt, điều này trở nên phức tạp hơn rất nhiều bởi cách sân khấu 2m là khán giả. Chính vì vậy, ekip phải tìm cách đưa nhiệt vào các đường ống và thoát ra theo đường ống của hệ thống máy lạnh.

Nếu mặt sàn sân khấu là một điểm đặc biệt thì hệ thống đèn laser cũng là yếu tố thị giác hết sức ấn tượng. Những ánh đèn laser trải khắp sân khấu được set up để phù hợp với từng ca khúc của Vũ Cát Tường. Đặc biệt, phần mở màn với sự xuất hiện của nữ ca sĩ khi cưỡi báo ra sân khấu cũng được nhân đôi hiệu ứng thị giác với sự phản chiếu ánh sáng của các tia laser.

Hiệu ứng màn hình LED được ekip khai thác vô cùng hiệu quả.

Ánh sáng sân khấu cũng được lập trình để chiếu sáng hết 4 mặt của sân khấu. Chính vì vậy, Vũ Cát Tường và các bạn vũ công cũng phải dàn dựng tiết mục biểu diễn làm sao để phân chia đều cho cả 4 mặt của sân khấu mà không bị quay lưng về phía khán giả. Đó cũng là một cái khó cho phần dàn dựng câu chuyện trên sân khấu.

“Sau khi tổng duyệt xong khoảng 2h, tôi và ekip niêm phong tất cả các thiết bị và khắc phục tất cả những khuyết điểm trong lần tổng duyệt. Trước đó, phần ánh sáng đã được lập trình sẵn nhưng khi ra thực tế thì mọi thứ còn tuỳ thuộc vào độ cao, độ rộng sân khấu và cảm xúc của nghệ sĩ khi di chuyển để thay đổi cho phù hợp với màn biểu diễn của Tường“, tổng đạo diễn Nguyễn Hữu Thanh chia sẻ.

Nói về phần dàn dựng phần mở màn hết sức ấn tượng khi cho Vũ Cát Tường cưỡi báo ra sân khấu, anh cho biết: “Việc chú báo xuất hiện ở phần mở màn được ekip tính toán trước ngày biểu diễn 20 ngày. Làm sao để Tường xuất hiện thật bất ngờ là bài toán khiến tất cả mọi người đau đầu và sau cùng, tôi quyết định cho Tường cưỡi báo xuất hiện trên sân khấu. Nếu những ai có theo dõi Tường sẽ biết tại Stardom concert, chú báo này đã từng xuất hiện trên màn hình LED dưới dạng 3D. Chính vì vậy lần này tôi muốn chú báo đó sẽ xuất hiện thật trên sân khấu. Người ta có “cá chép hoá rồng” thì Tường là “mèo hoá báo”, như chính con đường âm nhạc mà Tường đã trải qua“.

Nhiều người cho rằng cú hụt chân té ngã từ trên sân khấu cao 105cm xuống đất của Tường là cố tình, có sự dàn dựng từ trước. Trước vấn đề này, tổng đạo diễn Nguyễn Hữu Thanh thẳng thắn bày tỏ: “Thật sự nếu cú té là dàn dựng thì chẳng ai lại dàn dựng té ở đầu chương trình mà phải dàn dựng té ở cuối chương trình. Như vậy đỡ rủi ro, đỡ nguy hiểm cho cả chương trình chứ đúng không? Chẳng ai lại dám đặt cả chương trình lớn trước hàng ngàn khán giả để tạo kịch tính như vậy cả. Chưa kể, nếu khán giả nhìn lại cả chặng đường hoạt động nghệ thuật của cô gái này sẽ thấy Tường chẳng bao giờ dùng scandal để nổi tiếng cả. Tất cả những gì Tường có được ngày hôm nay đều do nỗ lực và tài năng của cô ấy nên chẳng có lí do gì ekip phải dàn dựng cú té cho Tường cả“.

Công nghệ Hologram được sử dụng tại Stardom Concert 2018 cũng do công ty Cát Tiên Sa thực hiện.

Thế mới thấy, những hình ảnh hoành tráng, lộng lẫy của Vũ Cát Tường trên sân khấu Inner Me là sự cộng hưởng của hàng trăm thành viên trong ekip thực hiện. Để mọi thứ trong concert diễn ra chỉn chu, hoàn hảo như thế thật không đơn giản chút nào!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Mỹ Duy

Được quan tâm

Tin mới nhất
iPhone 18 có thể sử dụng chip A20 do Intel sản xuất
Di Động Việt: Hình thức mua hàng trả chậm không mới