Giải Trí

Việt Trinh: 'Cảnh nóng trong phim của tôi vừa đủ hiệu quả'

Chia sẻ

"Người đẹp Tây Đô" Việt Trinh đã có những chia sẻ thú vị về bộ phim "Trót yêu" và cách nhìn nhận của mình về sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Thời kỳ những năm 90, cái tên Việt Trinh chiếm một vị trí nhất định trong lòng người hâm mộ với những danh xưng hoa mỹ như “minh tinh màn bạc”, “nữ hoàng phòng vé” hay “ngôi sao điện ảnh”… Sau gần một thập kỷ vắng bóng trên màn ảnh rộng, Việt Trinh quay lại làng nghệ với vai trò hoàn toàn mới: đạo diễn, điển hình là sê-ri phim truyền hình Trở về phần 1, 2, 3.

Sắp tới đây Việt Trinh còn sẽ tái ngộ với khán giả màn ảnh rộng trong phim điện ảnh Trót yêu do chính cô làm đạo diễn và đảm nhận vai nữ chính. Trót yêu là bộ phim tâm lý, tình cảm với độ dài 96 phút được Việt Trinh tiếp tục bắt tay với người bạn thân là biên kịch Châu Thổ đồng đạo diễn. Ngoài Việt Trinh đảm nhận vai nữ chính, phim còn có sự tham gia của “trai nhảy” Đức Hải, chân dài Khánh My và dàn diễn viên nổi tiếng khác.

1192

Không mạo hiểm làm phim để phải bán nhà, bán xe

- Chỉ còn vài ngày nữa, “Trót yêu” sẽ chính thức ra rạp nhưng hiện tại chị có vẻ khá mệt mỏi. Có phải vì chị lo lắng với dự án điện ảnh quan trọng này của mình?

- Phim đã đóng máy và mọi thứ đã ổn định nhưng tôi vẫn cảm thấy hồi hộp, rạo rực lắm. Thú thật tôi mệt một thì chị Châu Thổ và các đồng nghiệp mệt đến mười. Vì đồng đạo diễn nên khi tôi mải lo phần diễn xuất thì chị Châu Thổ làm hết mọi thứ. Phim đóng máy, tôi phải thay chị “nhào” vô làm việc, ngày đêm ngồi ở phòng dựng để lồng tiếng, làm âm thanh, tiếng động. Hy vọng đến ngày ra mắt vào 16/10 tới, phim sẽ làm hài lòng khán giả đến rạp.

- Hợp tác với nhau từ nhiều dự án phim trước đó nhưng đây là lần đầu tiên chị và biên kịch Châu Thổ cùng đảm nhận vai trò đồng đạo diễn. Trong quá trình làm việc, cả hai có những quan điểm riêng, ý kiến trái chiều với nhau không?

- Trót yêu là bộ phim được chị Châu Thổ chọn từ một câu chuyện trên mạng và hư cấu nó đi. Cách đây 2 năm, chị có gửi tôi xem kịch bản và tôi cảm thấy rất hứng thú. Mãi cho đến năm nay, tôi mới đủ tự tin, đủ duyên để bấm máy phim này vào tháng 5 vừa rồi.

Tôi và chị Châu Thổ chơi thân với nhau từ những năm 1997. Chị chính là người hướng tôi vào nghề đạo diễn. Chị vừa là người bạn, người dẫn dắt tôi vào nghề nên mỗi lần chúng tôi làm việc cùng nhau, tôi học tập chị thêm chứ hoàn toàn không xảy ra chuyện tranh cãi, mâu thuẫn. Có lẽ vì thế chúng tôi mới duy trì được mối quan hệ lâu dài với nhau trong nghệ thuật lẫn cuộc sống.

Cặp bài trùng Châu Thổ và Việt Trinh.

Cặp bài trùng Châu Thổ và Việt Trinh.

- Biên kịch Châu Thổ từng chia sẻ, đảm nhận vai Vy trong “Trót yêu” đã khiến chị gặp rất nhiều khó khăn ở việc chuẩn bị tâm lý và diễn đạt tình cảm. Lý do vì sao có sự khó khăn này?

- Gần 8 năm vắng bóng trên màn ảnh tôi mới quay lại vai trò diễn xuất nên tất nhiên không tránh khỏi việc bỡ ngỡ, hơi khớp trước ống kính. Cũng vì lý do đó mà khi phim bấm máy, tôi bàn với ê-kíp sắp xếp giúp tôi những cảnh quay đơn giản trước để tôi có thể làm quen dần.

Trong Trót yêu, cảnh quay đã khiến tôi làm mất thời gian nhất là phân đoạn người chồng về nhà đòi ly dị vợ vào đúng ngày sinh nhật của cô. Cảnh quay này chị Châu Thổ đòi hỏi tôi phải khóc uất nghẹn từ bên trong, không được trào ra thành tiếng và rơi lệ. Tôi đã gặp khá nhiều khó khăn với cảnh quay này vì bản thân chưa trải qua bao giờ. Sau vài chục lần tập dợt, khóc suốt hơn 3 tiếng rưỡi đồng hồ thì tôi cũng đã hoàn thành tốt. Kết thúc cảnh quay, khi chị Châu Thổ khen tốt, tôi nhào vô ôm chị và khóc ròng.

Việt Trinh có nhiều cảnh khóc trong phim khiến cô ám ảnh.

Việt Trinh có nhiều cảnh khóc trong phim khiến cô ám ảnh.

- Vy trong phim “Trót yêu” có phần nào giống với hình ảnh của chị ngoài đời?

- Nhân vật Vy trong Trót yêu hoàn toàn không mang hình ảnh của tôi ngoài đời. Tuy vậy, Vy khiến tôi nể phục vì một số cá tính tích cực. Điển hình, dù có sự xuất hiện của người thứ 3 làm đảo lộn cuộc đời nhưng Vy không chọn cách xuất hiện để “giải quyết” người tình của chồng. Thay vào đó, cô giải quyết mọi thứ với chồng.

Tính chịu đựng, biết nghĩ cho người khác của nhân vật Vy đã khiến tôi suy nghĩ và cảm phục. Dù đau khổ, bệnh tật nhưng cô vẫn luôn chịu khổ một mình thay vì khiến những người mình yêu quý phải lo lắng. Cái hay của cô gái này chính là việc để giảm bớt nỗi đau nặng trĩu trong lòng, cô chọn cách ngồi thiền để thư thái và tịnh tâm.

- Hiện tại, thị trường điện ảnh Việt Nam đang hướng theo dòng phim hài để thu hút sự chú ý của khán giả. Lần đầu làm phim, chị lại đi ngược xu hướng chung đó để sản xuất một bộ phim về đề tài tâm lý xã hội, mối tình tay ba trong gia đình. Chị có sợ sản phẩm tinh thần này bị cho là xưa cũ và khiến khán giả không hứng thú?

- Khi làm phim, ai cũng nói tôi đề tài tay ba là cũ kỹ. Nhưng theo tôi nhận thấy đề tài này chưa bao giờ là cũ và trong cuộc sống nó vẫn xảy ra hoài. Cho đến vài chục năm nữa những mối tình tay ba vẫn còn và nếu quay về quá khứ nó chưa bao giờ là mới mẻ cả. Mối tình tay ba là mô típ cũ nhưng quan trọng hơn là câu chuyện, bi kịch bên trong nó như thế nào mới là điều đáng nói.

Việt Trinh chỉ đạo Khánh My diễn xuất.

Việt Trinh chỉ đạo Khánh My diễn xuất.

Đúng là bây giờ các nhà làm phim đang thiên về cách làm phim hài, phim kinh dị nhưng thật ra tôi và chị Châu Thổ không phải thế mạnh về các dạng phim này. Mọi người thường ví von chị Châu Thổ là “Quỳnh Dao của Việt Nam” nên tất nhiên bộ phim điện ảnh đầu tay chúng tôi luôn muốn làm những gì là thế mạnh nhất. Khi làm phim, tôi không dám mạo hiểm, phiêu lưu để khi bỏ ra một số tiền lớn để làm những gì bản thân không tâm huyết.

Các dự án phim trước hay cả dự án điện ảnh đầu tiên này, chúng tôi cân đo đong đếm rất nhiều để tiết giảm chi phí để tránh việc nếu phim ra mắt không tốt thì chúng tôi không đến mức bán nhà, bán xe vì phá sản. Tôi quan niệm, dù là người yêu nghề, luôn mong muốn có sản phẩm tốt nhưng không phải vì thế mà đánh liều gom hết tài sản riêng để làm nghệ thuật, để khi mọi thứ không như mong đợi sẽ làm ảnh hưởng đến cả cuộc sống của gia đình.

- Làm phim về đề tài gia đình, tâm lý xã hội, chị hy vọng gì ở phim đầu tay này?

- Phim dù chưa ra mắt nhưng tôi vẫn rất có hy vọng. Điện ảnh Việt Nam cũng khá lâu rồi chưa có những phim tâm lý xã hội níu chân người xem đến rạp.

Nếu như hơn 10 năm trước, tâm lý xã hội rất ăn khách thì giờ nó đã hết phong trào. Biết đâu khi Trót yêu ra rạp, không dám nhận nó sẽ được khen quá xuất sắc nhưng tôi mong phim sẽ là món ăn lạ để cho khán giả thay đổi khẩu vị trong thời điểm phim điện ảnh mỗi tuần đều có nhiều phim ra mắt rầm rộ như thế này.

Việt Trinh mặc váy cưới trong phim điện ảnh đầu tay.

Việt Trinh mặc váy cưới trong phim điện ảnh đầu tay.

Với Trót yêu, cho dù huề vốn tôi cũng thấy hạnh phúc lắm rồi chứ không dám mong phim sẽ oanh tạc các rạp và thu về kinh phí khủng. Phim điện ảnh đầu tiên, tôi mừng vì đã được sống với nghề, được làm phim mình yêu thích. Thành công từ phim này, tôi hy vọng có thêm tinh thần để sau đó thoải mái đầu tư vào phim tiếp theo hợp thị hiếu khán giả hơn.

- Khi trailer ra mắt, phim đầu tay của chị bị cho là khá “già”. Nghĩa là lối kể chuyện cũ, hình ảnh không bắt mắt. Phải chăng, đối tượng khán giả chị đang hướng đến ở độ tuổi trung niên?

- Tôi làm phim này là món quà gửi tặng những khán giả đã từng thích xem phim tâm lý xã hội. Đối tượng tôi đang hướng đến là những khán giả là những phụ nữ có gia đình, dân văn phòng hay những phụ nữ đang yêu. Mặc khác tôi thấy, khán giả trẻ bây giờ không phải chỉ biết phim hài, phiêu lưu, mạo hiểm mà chưa từng xem phim tâm lý xã hội. Tôi đang rất tự tin và hy vọng vào giới trẻ bây giờ.

Các bạn phát triển và tiến bộ hơn thời xưa của tôi rất nhiều. Biết đâu nhờ lối sống hiện đại, sâu sắc mà khi xem phim này khán giả trẻ sẽ bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của người thân, bạn bè hay đó cũng có thể là bài học để chính các bạn rút kinh nghiệm cho tình yêu của mình sau này.

Phim này tôi đang hướng đến đối tượng chính ở độ tuổi 25 đến 35 tuổi. Tuy nhiên, tôi hy vọng các khán giả ở độ tuổi 18 đến 24 cũng sẽ thích bởi các em ở tuổi này cũng đã biết yêu và hiểu chuyện.

- Phim là những câu chuyện được giải quyết “trong nhà”, để tránh việc xoay quanh chuyện gia đình, bếp núc sẽ làm khán giả chán ngán, chị lồng cảnh nóng vào để gây sự chú ý?

- Vì là phim tâm lý xã hội nên cảnh quay nội là nhiều. Để khiến phim không bị nhàm chán, chúng tôi có những cảnh quay ngoài trời khá hoành tráng như những cảnh quay đẹp mắt ở tòa lâu dài Tajmasago triệu đô của anh Khải Silk hay nhiều cảnh quay ở những khu nghỉ dưỡng triệu đô tại Nha Trang. Đối với cảnh nóng, chúng tôi không lợi dụng nó để gây sốc hay muốn dùng nó để mọi người chú ý đến phim. Cảnh nóng trong phim tôi làm vừa đủ ép phê chứ không lợi dụng để khiến người xem ngao ngán.

DSC_9694

Các diễn viên như Khánh My và anh Đức Hải khi diễn cảnh này đều làm hết mình bằng sự nghiêm túc. Xuyên suốt bộ phim có khá nhiều cảnh quay nhạy cảm của Khánh My và Đức Hải. Vì điều kiện không cho phép nên chúng tôi quyết định gom tất cả các cảnh vào một buổi quay. Cũng vì thế mà Khánh My và Đức Hải phải ngâm trong bồn nước rất nhiều lần khiến cơ thể tím tái, lạnh cóng đến mức rộp cả da.

Dù cực nhưng Khánh My khiến tôi rất hài lòng bởi cô bé chưa bao giờ than vãn, phối hợp với ê-kíp nghiêm túc. Có hôm để có thân hình đẹp, My nhịn ăn để quay mãi đến 3 giờ chiều mới lót dạ một chút vào bụng đã làm tôi rất thương.

Cái khó nhất trong phim này chính là cảnh nóng trong phim được quay đầu tiên, Khánh My và anh Đức Hải chưa từng quen nhau nên đùng một cái đóng cảnh nóng không phải là điều dễ dàng. Để cho họ có thời gian hiểu nhau, chúng tôi nhốt hai người vào trong phòng để nói chuyện và làm công tác tư tưởng. Vài tiếng sau đó, sau một chút ngượng ngùng họ đã diễn cảnh nóng khá ngọt.

- Là thế hệ nghệ sĩ gắn bó lâu dài với điện ảnh Việt Nam, chị có nhận xét gì về tình hình điện ảnh nước nhà trong một vài năm gần đây?

- Đây là câu hỏi rất khó trả lời! Theo quan điểm và các nhìn nhận của tôi thì điện ảnh Việt Nam đang khởi sắc còn phim truyền hình thì đang đi xuống. Đến lúc này, tôi lại đang rất sợ điện ảnh nước mình đang quay về giống như 10 năm về nước là thời kỳ làm phim theo kiểu “mì ăn liền”. Nghĩa là cái gì đã lên cao thì nhất định sẽ có sự thoái trào. Tôi hy vọng điện ảnh nước ta có nhiều phim tốt và có thể đứng trụ lâu hơn.

du_10

Sẽ bù đắp gấp bội với sự thiệt thòi của con trai

- Việt Trinh giờ đã vượt qua quãng đời buồn. Chị tìm thấy niềm vui của cuộc sống hiện tại như thế nào?

- Cuộc sống của tôi giờ mỗi ngày diễn ra nhẹ nhàng lắm. Ngoài niềm đam mê điện ảnh, bây giờ tôi còn nhận làm thêm những chương trình truyền hình thực tế như làm khách mời, làm khám khảo. Công việc nhẹ nhàng, thích hợp, tiếp xúc với nhiều người, nhiều bạn trẻ làm cho tôi thấy thoải mái hơn.

Trước kia không biết sao tôi có rất nhiều việc để làm nhưng nhìn lại thấy mình bận rộn với những chuyện vô bổ, mất thời gian. Giờ đây tôi đã rút ra cho mình khá nhiều kinh nghiệm để tiết kiệm thời gian như thú vui cà-phê lê la cũng giảm bớt, sở thích mua sắm cũng hạn chế nhiều. Cuộc sống của tôi hiện giờ hướng về gia đình nhiều hơn. Con trai không có cha nên thiệt thòi nhiều thứ. Để bù đắp thiệt thòi của con, tôi muốn dành cho con nhiều thời gian để bé được phát triển hoàn thiện và đầy đủ không khác những đứa trẻ khác.

Còn về việc đi chùa. Tôi không phải ngày nào cũng đi chùa, không phải dịp lễ mới đi chùa hay cũng không phải lúc buồn khổ mới đi chùa. Tôi đi chùa vào những lúc mình cần bình yên và mạnh mẽ. Trong công việc có rất nhiều lúc buồn khổ, những lúc ấy tôi đến chùa để tìm sự che chở và sức mạnh. Bận rộn thời gian không đi chùa, tôi giữ thói quen thắp nhang cầu an tại nhà. Mọi thứ đối với tôi hiện giờ rất bình yên.

- Bận rộn chạy show giám khảo, làm diễn viên, làm phim, chị dành thời gian như thế nào cho con trai của mình?

- Trước kia bé còn nhỏ từ 1 đến 3 tuổi lúc nào tôi cũng phải ở cạnh con. Vừa xong công việc bên ngoài, tôi chạy thẳng một mạch về nhà với bé chứ chẳng thể nào đi đâu được. Giờ bé đã vào lớp 1, tôi cho bé đi chơi mọi lúc mọi nơi chứ không “nhốt” con ở nhà nữa. Như những lần quay phim Đà Lạt, Nha Trang mới đây, cứ cuối tuần là bé được bay ra chơi với mẹ vài hôm sau đó về lại Sài Gòn đi học.

Dù thương và chiều con vì sự thiếu vắng của cha nhưng tôi tập cho con cách sống tự lập ngay từ bé. Tôi luôn mong muốn con trai được sống đúng với tuổi thơ của mình mà không phải bị ảnh hưởng bởi khi có mẹ là người nổi tiếng. Đó cũng là lý do tôi luôn giấu con trên mặt báo. Điều thú vị là con trai tôi không hề biết có mẹ là người nổi tiếng. Mỗi lần xem ti vi các chương trình có mẹ làm giám khảo, bé thường bảo “trên truyền hình là cô Việt Trinh còn đây là mẹ Út Trinh”.

- Cảm ơn chị, chúc chị luôn thành công!

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất